04/01/2016 10:01 GMT+7

Bài hát tấn công hãng Nike của Kayne West gây tranh cãi

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Tác phẩm âm nhạc ra mắt vào đầu năm 2016 đang gây nên nhiều tranh luận trong giới nghệ thuật quốc tế đã thuộc về tay chơi nhạc rap Kayne West với ca khúc Facts (tạm dịch: Những sự thật).

Ca sĩ Kayne West đang chuẩn bị cho album sắp ra mắt Swish - Ảnh: Getty
Ca sĩ Kayne West đang chuẩn bị cho album sắp ra mắt Swish - Ảnh: Getty

Ngay vừa dứt đêm giao thừa, bước vào năm mới, ca sĩ này cho công bố ca khúc trên các kênh truyền hình, cho nghe miễn phí trên các trang mạng. Ca khúc có nội dung tấn công dữ dội vào hãng sản xuất giày Nike.

“Nike đối xử với người lao động như nô lệ” (Nike, Nike treat employees just like slaves) - danh ca nhạc rap từng được tờ Time đầu năm 2015 bình chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng lớn đến công chúng, đã nói và hát như vậy. Dĩ nhiên, đây là một đòn tấn công về mặt xã hội đầu năm khiến các nhà lãnh đạo của Nike choáng váng.

Cũng có nhiều lời bình luận về việc Kayne West thuộc phe của Adidas, đối thủ truyền kiếp của Nike, tuy nhiên vấn đề mà Kayne West đặt ra không phải là chuyện vu cáo. Từ nhiều năm nay, Nike đứng trước nhiều tai tiếng, thậm chí đối diện với các phong trào tẩy chay hàng hóa do các chính sách sử dụng lao động, đặc biệt là lạm dụng sức lao động trẻ em ở các quốc gia bên ngoài Hoa Kỳ.

Cách đây vài năm, phong trào phản đối chính sách lao động của Nike ở các nước thế giới thứ ba đã gọi chệch đi nhãn hiệu Nike là Nine, nhằm tố cáo rằng ngay cả trẻ em 9 tuổi cũng bị đưa vào guồng máy lao động, trong sự làm lơ của các nhà lãnh đạo công ty. Kayne West nói anh ta sẽ hành động mạnh hơn nếu là một chính khách.

“Năm 2020, tôi sẽ ứng cử tổng thống” - ca sĩ này hát trong bài Facts. Các tổ chức công đoàn độc lập lập tức tán thưởng ca khúc này. “Cuối cùng thì chúng ta đã nghe được sự thật trên một bài hát” - B. Morris, thành viên của một phong trào công nhân, nói trên Twitter như vậy.

Cho tới nay, không thấy Tập đoàn Nike lên tiếng bình luận gì về sự kiện rất mới này. Trong khi đó, giới trẻ hết sức thích thú và nhanh chóng truyền cho nhau. Trên YouTube có hàng chục video của người hâm mộ post bài hát này ngay trong đêm giao thừa.

Đến chiều 3-1 đã có hơn 1 triệu lượt nghe ca khúc này trên trang YouTube của Kayne West và của Audio Mixtapes.

Những bài hát mang thông điệp xã hội

Âm nhạc hiện thực là một dòng chảy đặc biệt trong đời sống âm nhạc Anh, Mỹ. Trước Kayne West đã có nhiều ca sĩ nhạc rap như Tupac Shakur, Jay Z... sáng tác những bài hát mang thông điệp xã hội như vậy.

Trong bối cảnh xã hội Hoa Kỳ càng lúc càng có nhiều vấn đề phức tạp, tác động lớn đến công chúng như tín ngưỡng, khủng bố, kiểm soát súng đạn... thì các bài hát hiện thực, tranh đấu lại càng được nhiều người tìm nghe.

Mới đây, trong một cuộc bình chọn về các bài hát phản kháng tiếng Anh được yêu thích, nhiều bài kinh điển của các thập niên 1960-1970 được nhắc tên. Trong đó có những bài quen thuộc như The times they are a changin’ của Bob Dylan dùng trong các phong trào xã hội dân sự. Bài Change gonna come của Sam Cooke trong phong trào đòi quyền bình đẳng của mục sư Martin Luther King.

Nhưng đứng đầu vẫn là bài hát We shall overcome của Pete Seeger, bài hát quen thuộc của giới hippy và phản chiến - chống chiến tranh Việt Nam cuối những năm 1960 đầu những năm 1970.

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên