22/04/2025 06:32 GMT+7

Bài hát quốc dân 'Năm anh em trên một chiếc xe tăng' ra đời bất ngờ thế nào?

Ở tuổi 90, nhà thơ Hữu Thỉnh chưa bao giờ quên bữa cơm rau tàu bay trên chiến trường cùng đồng đội, bởi nhờ đó ông bắt được khoảnh khắc xuất thần sáng tác bài thơ để nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc bài ca đi cùng năm tháng.

hữu thỉnh - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (giữa) và nhạc sĩ Doãn Nho (thứ hai từ trái qua) gặp lại những người lính xe tăng số hiệu T160 ngoài đời thường - Ảnh: NVCC

Lục lại ký ức, nhà thơ Hữu Thỉnh kể hoàn cảnh ra đời bài thơ: "Tôi vẫn nhớ năm 1970, quân Sài Gòn chuẩn bị đánh lớn ra đường 9 - Nam Lào. Quân đội ta cũng rầm rập chuẩn bị chiến dịch lớn. Binh chủng Tăng - Thiết giáp tập trung lực lượng lớn ở hai khu vực Nam - Bắc đường 9, sẵn sàng xung kích".

"Một trận bão đang hình thành sôi sục. Đoàn 198 hành quân từ phía Nam ra, đóng quân ở phía Tây đường 9, Đoàn 297 và Đoàn 397 tập kết ở phía Bắc đường 9. Trong các rừng le nứa, bộ đội sẵn sàng vào trận chiến" - ông Hữu Thỉnh cho biết thêm lúc này không còn là lính xe tăng mà chuyển sang vai trò mới.

Khi nhà thơ đi chiến trường với bắp cải

Trước đó, năm 1963 chàng trai Hữu Thỉnh thay áo trắng lên giảng đường xin ra mặt trận, gia nhập Trung đoàn xe tăng 202. Vì có khiếu làm thơ viết báo, ông được chuyển sang học và làm tuyên huấn. Ở Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, ông có nhiệm vụ thâm nhập chiến trường để viết báo, đồng thời kiêm phụ trách đội chiếu phim và thuyết minh.

"Một trong hai bộ phim chính chúng tôi mang đi phục vụ là phim Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, phim phản gián đầu tiên, anh em rất thích.

Trước khi lên đường, tôi còn "cõng" thêm nhiều sách báo, thư từ và quà Tết của một số gia đình người lính gửi vào chiến trường cho người thân. Tôi còn nghe người lính viết thư về ai cũng nói thèm rau xanh. Vì thế khi xe qua phà Chương Dương - Hà Nội, tôi đã mua mấy sọt bắp cải làm quà.

Mọi thứ sẵn trên xe, chúng tôi đi mải miết, tới đâu nghỉ tới đó. Đường ra trận như một cuộc hò hẹn, ai cũng sợ mình là người đến chậm.

Chúng tôi chiếu phim ban đêm, địch cho máy bay trinh sát dữ quá nên phải chuyển sang chiếu ban ngày. Hầm dài hơn 10m, rộng 4-5m là rạp chiếu bóng chiến trường. Bảy buổi chiếu liên tục, tôi khàn đặc cổ, máy móc nóng bỏng nhưng vẫn vui, bởi nhìn các chiến sĩ ngồi xem chen chúc trong hầm cảm động và thương lắm", ông Hữu Thỉnh nhớ.

Trước trận chiến sinh tử, các đơn vị đều được thưởng thức món ăn tinh thần như ca nhạc, xem chiếu bóng, kể chuyện, bình văn thơ... tạo khí thế hừng hực ra trận. Hữu Thỉnh còn có một buổi hẹn bình thơ ở đại đội 6 (Tiểu đoàn 397) - nơi có người đồng đội thân thiết của ông là Lê Đức Tuân - chỉ huy xe tăng T34 số 160 sắp sửa xung trận.

hữu thỉnh - Ảnh 2.

Xe tăng bộ đội chuẩn bị vào trận đường 9 - Nam Lào - Ảnh: TTXVN

'Năm anh em trên 1 chiếc xe tăng' đến từ đâu?

Ở đại đội 6, gặp lại người bạn cũ thời đi học và công tác ở ban chính trị Trung đoàn 202, Hữu Thỉnh được mời về dự cơm chiều cùng với kíp xe tăng 5 người. Bữa cơm đời lính xe tăng hôm ấy, ông chưa bao giờ quên.

"Tôi tặng Tuân mấy cái bắp cải, anh em quý lắm, chia cả trung đội. Mỗi bữa chỉ dám nấu vài tàu lá nhỏ trong nồi quân dụng to đầy nước, rau xanh trở thành thuốc quý. Tuân còn hái đâu được nắm rau tàu bay, nhưng đồng đội nấu nhừ nhuyễn như hồ, khi múc ra bát sền sệt, mùi hăng hắc khó nuốt lắm.

Thấy tôi nhăn nhó, người bạn chỉ huy gọi lính mình chạy về xe tăng xem của ai có gì quý lấy hết ra. Nào thịt hộp, bột trứng, lương khô để thết đãi nhà báo.

Đồng loạt các chiến sĩ bỏ đũa, cùng lúc nhảy lên xe tăng một cách thành thạo. Tôi nhìn thấy khoảnh khắc ấy, nó in ngay vào đầu tôi thật đẹp. Chiếc T34 nằm trong hầm, vươn nòng pháo ngạo nghễ qua đầu chúng tôi. Năm người lính và một chiếc xe tăng (T34 có 5 chỗ ngồi) là hình ảnh quen thuộc ở hậu phương nhưng giờ nó uy nghiêm quá, oai vệ và thiêng liêng quá.

Tôi cứ nghĩ lan man mấy anh em ăn bữa cơm đạm bạc với mình đây ngày mai sẽ làm bao điều sấm sét, người còn người mất. Đời chiến đấu làm sao đoán được sự bất ngờ", giọng nhà thơ chậm lại.

Hình ảnh năm anh em và một chiếc xe tăng trở thành nhịp thơ điệu thơ, cứ thế lan trong đầu Hữu Thỉnh theo từng lớp không ngừng. Chưa kịp viết ra giấy, ông đã đọc một lèo:

"Năm anh em trên một chiếc xe tăng/Năm bông hoa nở cùng một cội/Năm ngón tay trên một bàn tay/Đã xung trận cả năm người như một...".

Năm - Một - Năm - Một - Năm - Một... "Đó là nhịp thơ rất đẹp, rất tròn, rất ý nghĩa", ông khẳng định. Bài thơ có tựa đề Trên một chiếc xe tăng - đây cũng là món quà chia tay, thay lời cảm ơn người bạn cũ và đồng đội.

"Tôi đọc xong ai cũng ngạc nhiên, nói tôi sáng tác khi nào mà nhanh thế. Ở đây, tôi nhìn thấy sức mạnh của binh chủng xe tăng - sức mạnh thật sự không phải tháp pháo, hỏa lực mạnh, tiếng gầm rít xích sắt lao lên phía trước, mà ở chính những người lính. Sức mạnh của sự đoàn kết, của sự hội tụ, tình đồng đội lớn hơn tất cả", nhà thơ Hữu Thỉnh hào hứng kể.

Nhà thơ không có tuổi già

Bản thảo Trên một chiếc xe tăng được gửi về hậu phương, còn nhà thơ tiếp tục thâm nhập thực tế ở đại đội 9 (Đoàn 198) vừa chiến thắng giòn giã ở cao điểm 543.

Kết thúc chiến dịch, Hữu Thỉnh đọc được bài thơ của mình in trên báo Nhân Dân với bút danh Vũ Hữu. Bài thơ sau đó được cả hai nhạc sĩ Doãn Nho và Huy Thục phổ nhạc.

"Cả hai bản nhạc đều hay, nhưng Doãn Nho xong sớm nên được Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị hát trước", Hữu Thỉnh cười nói. Khi biểu diễn, đoàn bỗng quên tựa đề nên đọc ngay câu thơ mở đầu "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" làm tựa. Tới nay tựa bài hát không thay đổi, trở thành "binh chủng ca" của Tăng - Thiết giáp.

Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết ông phổ nhạc bài thơ chỉ một buổi chiều vì nó quá hay, quá gợi cảm: "Hữu Thỉnh là cán bộ tuyên huấn, là nhà thơ và cũng là lính tăng - thiết giáp nên viết bài thơ rất hay. Ông nắm rất rõ hoạt động của đoàn xe, biết ngày nào xe tăng ta xuất kích, ngày xe có mặt ở thao trường, tác động của xe tăng với quân địch".

Còn người nghe thì cho rằng sở dĩ bài hát hay vì đó là sự kết hợp của nhà thơ, nhạc sĩ cũng là hai người lính nên không thể nào hay hơn được nữa.

Trong ánh mắt đang cười, nhà thơ Hữu Thỉnh nhắc lại lần gặp mặt các cựu binh đại đội 6 (tiểu đoàn 397) năm xưa và nhạc sĩ Doãn Nho, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến dịch đường 9 - Nam Lào vào năm 2021.

Trong buổi gặp, người còn người mất, buồn vui để đấy, tất cả lại ôm nhau cùng hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng - bài hát thay cho tâm tình chiến sĩ.

hữu thỉnh - Ảnh 3.

Bài ca đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Doãn Nho phổ thơ Hữu Thỉnh

Bất chợt nhà thơ Hữu Thỉnh vui vẻ gặng hỏi: "Có nghe người ta hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng không?". Chúng tôi vui vẻ trả lời có nghe từ nông thôn tới thành thị, từ già tới trẻ, từ trường học tới các dịp lễ kỷ niệm, từ phòng karaoke tới tiệc vui gia đình, cả ngày tiễn con nhập ngũ đến ngày đón con đi lính trở về...

Hôm nay, ông Hữu Thỉnh vẫn cặm cụi bên máy tính, lọt thỏm giữa những chồng sách cao quá đầu người. Người vợ hiền của ông cho biết ông chưa bao giờ ngừng làm việc. Sáng, trưa, chiều, tối - ngày nào cũng lặp lại một lịch trình: ngủ dậy, tập thể dục rồi ngồi vào bàn làm việc.

Hữu Thỉnh có nhiều thơ và báo viết ở chiến trường, trong đó có hai truyện ký gồm Đường Lửa mùa xuân và Mưa xuân trên tháp pháo. Ông khoe sẽ tái bản chung thành cuốn sách lớn gộp tất cả tác phẩm cùng chủ đề.

Đi tìm 'Năm anh em trên một chiếc xe tăng': Bữa cơm rau tàu bay bên chiếc T34 - Ảnh 7.Nhà thơ Hữu Thỉnh được tặng thưởng mức A của Ban Bí thư Trung ương Đảng

TTO - Nhà thơ Hữu Thỉnh là tác giả duy nhất được trao tặng thưởng mức A của Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất bản năm 2020.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên