06/06/2024 11:04 GMT+7

Bài giải gợi ý môn văn thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM

Mời bạn đọc tham khảo gợi ý bài giải môn văn thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. Nhiều thí sinh nhận xét đề thi năm nay hay, tự tin được điểm 7, 8.

Học sinh TP.HCM sau khi hoàn thành môn văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Học sinh TP.HCM sau khi hoàn thành môn văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Đề văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM với thông điệp 'nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình' được thí sinh khen hay.

Đề văn:

NHỊP TRÁI TIM KHÔNG CHỈ DÀNH CHO RIÊNG MÌNH

Câu 1. (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau: 

Những trái tim mang "nhịp đập khơi xa"…

Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức đã diễn ra vào thời điểm hết sức đặc biệt, kỷ niệm 49 năm Thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi", chuyến hải trình vượt sóng gió biển khơi đến với quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã làm rung lên nhịp đập của những trái tim chan chứa yêu thương.

Đó là niềm xúc động của Y Việt Sa, người con vùng đất Tây Nguyên, khi trực tiếp chứng kiến cuộc sống của những người lính đảo:

Những dòng này tôi viết ở Trường Sa
Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ
Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ
Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên

Là nỗi xốn xang khó tả của một người mẹ lần đầu đến đảo Sinh Tồn thăm con. Dù còn bao lo lắng khi biết con, một người lính trẻ, phải đối mặt với những gian nan, thử thách nhưng người mẹ ấy vẫn tự hào và tin tưởng con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Là niềm cảm phục của những người con đất liền trước câu chuyện người thầy gieo chữ trên đảo Sinh Tồn. Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, người thầy ấy đã thắp lên ngọn lửa tri thức cho các em nhỏ nơi đảo xa. Là sự rung động trước những vườn rau mướt xanh giữa khô cằn sỏi đá và những cây bàng vuông nở hoa trong nắng gió. Mỗi đóa hoa khoe sắc, mỗi luống rau xanh tươi là thành quả của biết bao giọt mồ hôi người lính đảo.

Hành trình đến với Trường Sa - vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc - đã để lại nhiều cảm xúc cho tất cả thành viên trong đoàn. Những trải nghiệm trong chuyến đi ấy đã vun đắp khát vọng cống hiến cho những người trẻ để từ đó họ hiểu sâu hơn về trách nhiệm của chính mình đối với đất nước.

(Tổng hợp thông tin từ các bài viết về Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" trên báo Thanh Niên từ 4-5-2024 đến 13-5-2024)

Thực hiện các yêu cầu:

a. Theo văn bản, hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 diễn ra trong thời điểm đặc biệt nào và có chủ đề gì? (0,5 điểm)

b. Chỉ ra một thành phần biệt lập trong đoạn cuối của văn bản. (0,5 điểm)

c. Đoạn thơ trong văn bản giúp em hiểu gì về những người lính ở quần đảo Trường Sa? (1,0 điểm)

d. Nếu được tổ chức một hoạt động để khơi lên nhịp trái tim dành cho biển đảo quê hương ở các bạn trẻ, em sẽ tổ chức hoạt động gì? Vì sao? Trả lời trong 4 - 6 dòng. (1,0 điểm)

Câu 2. (3,0 điểm)

Thông thường người ta nghĩ bằng khối óc - suy nghĩ, nhận thức, đánh giá... về con người, cuộc sống bằng lí trí, trí tuệ, kiến thức... Nhưng trong quyển sách Một nghệ thuật sống (NXB Trẻ, 2018), tác già Thu Giang Nguyễn Duy Cần lại khuyên: Biết nghĩ bằng con tim.

Em có đồng ý với lời khuyên trên không? Hãy viết bài văn (khoảng 500 chứ) trình bày suy nghĩ của em.

Câu 3. (4,0 điểm) Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1

Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phâm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sông hoặc với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài gia đình để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đổi với mỗi người.

Đề 2

Câu lạc bộ Bạn yêu thơ

Góc chia sẻ Thân gửi các bạn thành viên câu lạc bộ,

Được biết chủ đề sinh hoạt tháng 6 của câu lạc bộ là "Những nhịp tim dành riêng cho thơ", mình mạnh dạn chia sẻ như sau:

Mình là một học sinh lớp 9. Dù không vô cảm với thơ nhưng mình thấy rất khó khăn trong việc phân tích thơ. Minh mong muốn được các bạn chia sẻ một bài phân tích hay về thơ. Các bạn có thể tự chọn một khổ thơ (hoặc đoạn thơ, bài thơ) đề phân tích. Ví dụ phân tích khổ cuối trong bài thơ "Đồng chí" của Chỉnh Hữu:

"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo".

Trong bài viết, mình muốn được các bạn chia sẻ thêm về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong các bạn.

Các bạn giúp mình nhé. Mình cảm ơn các bạn rất nhiều!

Trong vai trò là một thành viên câu lạc bộ, em hãy viết bài văn đáp ứng các yếu cầu của bạn trẻ trên. 

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

Câu 1:

Câu

Nội dung

1

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu

a

Theo văn bản, hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 diễn ra trong thời điểm đặc biệt nào và có chủ đề gì?

- Kỷ niệm 49 năm Thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thắng.

b

Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn cuối của văn bản:

- Gọi tên thành phần biệt lập: vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Thành phần phụ chú

c

Hiểu gì về người lính ở quần đảo Trường Sa

- Tình yêu của những người lính trẻ dành đảo quê hương

- Vượt gian khó để giữ bình yên cho Tỏ quốc, giữ vững độc lâp, chủ quyền Tổ quốc.

d

Tổ chức hoạt động ý nghĩa thiết thực thể hiện được tình cảm dành cho biển đảo quê hương.

Có thể tổ chức một trong các hoạt động sau:

- Cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu biển đảo quê hương

- Tham gia câu lạc bộ Văn học, Lịch Sử, Địa lý... ở trường để sáng tác tranh, thơ văn, Poster… để tìm hiểu về biển đảo.

- Tổ chức hướng dẫn tham quan hè để trải nghiệm với vùng biển Vũng Rô - Phú Yên nơi ghi lại dấu ấn của đoàn tàu không số, dấu ấn một thời không thể nào quên trong chiến tranh chống Mỹ vĩ đại, tham quan ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh, nơi đón nhận ánh mặt trời đầu tiên để "khơi lên nhịp đập trái tim".

Cách tổ chức nhẹ gọn tạo thú vị cho các bạn trẻ về tình yêu biên đảo, tình yêu quê hương.

Câu 2:

2

a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

a. Yêu cầu về kỹ năng:

- Nắm vững phương pháp viết bài văn NLXH. (500 chữ)

- Bố cục và hệ thống ý rõ ràng.

- Lời văn trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, trình bày bài rõ ràng.

b. Yêu cầu về kiến thức:

Có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề. Sau đây là một hướng giải quyết đề bài.

Mở bài:

Giới thiệu vấn đề nghị luận:

"Trái tim có lý lẽ mà lý trí không biết đến" - Blaise Pascal

Thật tuyệt vời khi con người chúng ta không ngừng phát triển và tìm cách phát triển cả về trí tuệ và cảm xúc. Và khi cuộc sống phát triển với tốc độ cao, những nhận thức, đánh giá, giải quyết vấn đề của con người dựa vào lý trí cùng sự trợ giúp của cơ sở khoa học, công nghệ ngày càng nhanh chóng… Với "Một nghệ thuật sống", tôi đồng tình với tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần khi khuyên chúng ta "Biết nghĩ bằng con tim."

Thân bài:

- Giải thích:

+ Người ta thường nghĩ bằng khối óc, đó là suy nghĩ, nhận thức dựa trên những suy luận, lý lẽ, logic của lý trí, kiến thức, kinh nghiệm tích lũy… để đưa ra những nhận xét đánh giá về con người, vấn đề trong cuộc sống.
+ Con người đồng thời có thế giới tình cảm, cảm xúc vô cùng rộng lớn, phức tạp. Suy nghĩ bằng trái tim là suy nghĩ bằng thế giới nội tâm, tình cảm, lòng trắc ẩn của con người, đó cùng là phần "Người" không thể thiếu của mỗi chúng ta.

- Bàn luận:

+ Sức mạnh của tình yêu, cảm xúc mãnh liệt đến từ sự thúc giục của trái tim thật kỳ diệu, những lời yêu thương, truyền cảm hứng, động lực luôn mang lại năng lượng tích cực, giúp ta phấn chấn, thêm nghị lực, thêm niềm tin để vượt ra những khó khăn, thử thách, làm nên những kỳ tích, phi thường.

Bằng chứng: Những "Mệnh lệnh từ trái tim" của những anh lính Trường Sơn "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/Chỉ cần trong xe có một trái tim" (Phạm Tiến Duật).

Những bài ca vỡ đất, lao động, ra trận cho đến trồng rừng, hành động vì môi trường… Những mạch nguồn cảm xúc ấy có sức mạnh riêng tuyệt vời, cao cả, chạm đến trái tim, khơi gợi nên những tình cảm tốt đẹp, bác ái, công bình… "giúp người gần người hơn", xã hội tốt đẹp hơn.

+ Có đôi khi ta chưa kịp nhận ra những lý lẽ logic, những căn cứ của tri thức, chưa chứng minh được vấn đề thì con tim đã nhạy bén cất lời, định hướng cho những hành động phi thường. Đó là khi tình huống ngặt nghèo, cấp bách, cần thiết mà chỉ có lòng trắc ẩn, nhân ái, trái tim nhạy bén đưa ra quyết định mạnh mẽ, dứt khoát nhất. Bằng chứng: Trái tim Đanko - M. Gorxki, người học trò nhảy xuống sông cứu mấy em bé gặp nạn, anh tài xế giao hàng trèo lên mái tôn đón đỡ em bé rơi từ tầng cao, anh sinh viên đập tường cứu người thoát hỏa hoạn… Không có cơ hội nào cho những lý giải, tính toán. Đó là suy nghĩ và hành động của con tim.

+ Và tuyệt vời hơn khi chúng ta có suy nghĩ, hành động vừa "hợp tình vừa hợp lý" có trái tim, khao khát, ước vọng dẫn đường; có trí tuệ, kiến thức làm nền tảng và có ý chí, bản lĩnh vững vàng để làm chủ tình thế, hoàn cảnh để thích ứng tốt, phản ứng tốt và đưa ra những quyết định nhân văn, trọn vẹn.

- Phê phán:

+ Có những suy nghĩ lý trí đến cứng nhắc, khô khan, tuyệt tình.

+ Có những lời nói, hành động cảm tính, thiếu suy xét mà để lại nhiều tiếc nuối.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Nhận thức được sự cần thiết của tri thức sức mạnh của thời đại. Đồng thời trí tuệ cảm xúc là phần trác tuyệt của con người mà không một thành tựu khoa học hay trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được.

+ Không ngừng nâng cao tri thức, hiểu biết bên cạnh bồi đắp nuôi dưỡng tâm hồn hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ toàn diện. Đó mới là con người người hạnh phúc, con người của thời đại mới.

Kết bài:

"Bởi luôn luôn có hai loại tư tưởng khác nhau: Loại hình thành từ cái đầu và loại xuất phát từ trái tim" - Alexandre Dumas. 

Bản thân chúng ta, những thanh niên thế hệ mới, đứng trước rất nhiều cơ hội của thành tựu trí tuệ, khoa học, công nghệ mới. Đừng quên trái tim hồng của tuổi trẻ mới là cỗ máy nhiệt huyết nhất, mạnh mẽ nhất giúp ta vượt qua thử thách, đón nhận cơ hội và hướng đến tương lai tươi sáng. Hãy "Hiểu về trái tim" và tin tưởng vào bản thân mình để có những nhận thức, đánh giá, hành động đúng đắn. Bởi "Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người với người sống để yêu nhau".

c. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo đúng quy tác chính tả, dùng từ, đặt câu.

Một bài làm khác

Con người là một động vật cao quý vì con người biết suy nghĩ, nhận thức. Tuy nhiên, một trong những phẩm hạnh tốt đẹp của con người là suy nghĩ bằng con tim. Tôi đồng ý với lời khuyên của Thu Giang Nguyễn Duy Cần là biết suy nghĩ bằng con tim.

Suy nghĩ bằng con tim là một ẩn dụ. Con tim là nơi lưu giữ những cảm xúc, những rung động của con người. Nó giúp ta cảm nhận được tình yêu thương, sự đồng cảm, lòng nhân ái và những giá trị đầy tình người trong cuộc sống.

Suy nghĩ bằng con tim không đồng nghĩa với việc gạt bỏ lý trí. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và cảm xúc, giúp con người đưa ra những quyết định vừa sáng suốt vừa nhân văn. Biết nghĩ bằng con tim, ta sẽ dễ dàng kết nối với mọi người xung quanh, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và tạo nên một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Ví dụ, khi ta biết đồng cảm với nỗi đau của người khác, ta sẽ biết cách yêu thương và chia sẻ với họ. Khi ta biết suy nghĩ bằng trái tim, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, biết ơn, yêu đời và yêu người hơn. Nếu loài người biết yêu thương đồng loại một cách thật lòng, thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn và không còn chiến tranh nữa.

Tuy nhiên, "biết nghĩ bằng con tim’’ cũng cần có sự cân nhắc và tỉnh táo. Con tim đôi khi cũng có thể đưa ta đến những quyết định sai lầm nếu như ta không kiểm soát được cảm xúc của mình. Do đó, cần phải rèn luyện cho mình một trái tim nhạy cảm nhưng cũng cần một khối óc trầm tĩnh và sáng suốt. Chính sự tỉnh táo của khối óc giúp ta có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ và đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Nhưng chính những cảm xúc giàu cung bậc của trái tim mới giúp đời sống của con người trở nên đa dạng, phong phú và thơ mộng hơn.

Rút ra bài học nhận thức và hành động là phải biết kết hợp, một cách khéo léo giữa lý trí và tình cảm.

Có thể khẳng định rằng, lời khuyên "biết nghĩ bằng con tim" của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một lời khuyên giá trị và mang tính định hướng tốt cho mỗi người trong cuộc sống. Biết dung hòa một cách hợp lý, hợp tình giữa suy nghĩ bằng khối óc và cảm thông bằng con tim là một nghệ thuật sống tương đối hoàn hảo cho con người của mọi thời đại.

Câu 3:

3

Học sinh được chọn một trong hai đề sau:

Đề 1:

Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài gia đình để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi người.

I.Mở bài:

Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm xuất xứ, nhân vật chính bé Thu với tình yêu thương cha sâu đậm và nội dung bao quát của truyện ngắn Chiếc lược ngà.

II. Thân bài: Cảm nhận nhân vật

Luận điểm 1. Bé Thu là một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, có cá tính, thông minh:

- Lúc ông Sáu về thăm nhà, khi nghe tiếng anh Sáu gọi, Thu đã không hề mừng rỡ như anh Sáu tưởng, con bé "giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác lạ lùng" => ngạc nhiên, bỡ ngỡ

- Nhìn vết thẹo dài trên má anh Sáu nó càng hoảng hốt sợ hãi "mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên" => Ta ngạc nhiên vì thái độ khó hiểu của Thu

- Không chỉ có thế, trong suốt 3 ngày anh Sáu ở nhà, hành động của Thu còn chứa đầy sự lạnh nhạt, né tránh. Người lớn trong nhà tạo điều kiện để Thu nhận ra ba nhưng con bé bướng bỉnh lạ lùng. Má nó bảo nó gọi ba vào ăn cơm thì nó nói trổng "vô ăn cơm", "con kêu rồi mà người ta không nghe" => cá tính, bướng bỉnh.

- Khi Thu nấu cơm, nó biết mình không thể tự chắt nước cơm, cần sự giúp đỡ của ba, nó cũng lại nói trổng"cơm sôi rồi, chắt nước dùm cái". Dù bác Ba gợi ý cho nó gọi ba nhưng nó ương ngạnh chỉ nói vọng lên "cơm sôi rồi, nhão bây giờ". Cuối cùng nó kiên quyết không gọi tiếng ba và tự giải quyết vấn đề khi bị dồn vào thế bí "nó loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ" => đáo để, thông minh

- Đỉnh điểm là khi bé Thu hất cái trứng cá mà ba gắp cho làm cơm văng tung tóe cả mâm, bị ba đánh đòn, nó không khóc "nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống", tình cảm xốc nổi của trẻ thơ bùng phát, nó tỏ ra lầm lì, chịu đựng rồi bỏ về bên ngoại, nó còn cố ý khua dây lòi tói cột xuồng cho kêu thật to => cách cư xử đúng thật trẻ con, chắc có lẽ đây là phản ứng lại khi nó nhờ anh Sáu chắt nước cơm mà anh không làm.

=> Bé Thu bộc lộ sự ương nghạnh, vừa đáng giận vừa đáng thương nhưng không đáng trách. Trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá nhỏ để hiểu hết được những tình thế éo le của đời sống. Việc bé Thu không nhận ba có lý do chính đáng thể hiện niềm kiêu hãnh tự hào về người ba mà nó biết trong hình chụp với má nó, việc nó không nhận ba càng thể hiện tình yêu mãnh liệt dành cho người ba mà nó ngưỡng mộ trong lòng. Phản ứng tâm lý của Thu là hoàn toàn tự nhiên và hợp lý, bộc lộ một cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi. Vết sẹo chiến tranh hằn trên mặt anh Sáu đã làm tâm hồn bé Thu rướm máu. Đó chính là hậu quả chiến tranh gây ra làm con người xót xa.

Luận điểm 2. Bé Thu là một đứa trẻ vô cùng yêu thương ba và khao khát tình cảm của người cha:

- Trước lúc ông Sáu ra đi trở về căn cứ, thái độ và hành động của bé Thu thay đổi đột ngột "vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu". Khi ông Sáu nhìn Thu "đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao"=> Nó như lạc lõng vào nỗi niềm riêng khó tả

- Nhưng chỉ cần một câu nhỏ nhẹ trước phút từ biệt của anh Sáu: "Thôi, ba đi nghe con", nó bất ngờ cất tiếng gọi ba, tiếng kêu như xé, xót xa, bật lên sau bao năm kìm nén "Ba..a..a..ba". Tiếng gọi từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới.

- Hình ảnh bé Thu "hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa" cùng với cử chỉ "hai tay nó siết chặt lấy cổ…nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó… đôi vai nhỏ bé của nó run run" mãi mãi là hình ảnh rất cảm động của cha con làm người đọc rơi nước mắt.

- Thì ra trong đêm bỏ về ngoại, nghe ngoại giải thích, mối nghi ngờ như được giải tỏa. Thu cảm thấy ân hận, ray rứt "nó nằm im, lăn lộn và...thở dài như người lớn" => Nó cũng là một đứa trẻ ngoan, biết vâng lời. Thật đau lòng cho con bé, một đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh phải bị chia cắt tình cảm ruột thịt, để rồi ân hận vì nỗi hiểu lầm, không chịu nhận cha.

- Vì thế lúc chia tay, bao tình cảm dồn nén bấy lâu ở Thu trỗi dậy mạnh mẽ. Chứng kiến cảnh ngộ ấy, mọi người đều không cầm được nước mắt.

- Thật trẻ con nhưng cũng thật cảm động khi phút cuối Thu nũng nịu đòi ba "Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba" trong tiếng nấc nghẹn ngào => khát khao được yêu thương, chăm sóc.

=> Qua những biểu hiện tâm lý và hành động của bé Thu, người đọc cảm nhận được tình cảm sâu sắc mạnh mẽ nhưng cũng dứt khoát rạch ròi ở bé Thu. Đó là biểu hiện cá tính cứng cỏi, ngây thơ và giàu tình cảm.

2. Về nghệ thuật: để xây dựng thành công nhân vật, tác giả đã sử dụng nhiều nghệ thuật đặc sắc:

- Cốt truyện chặt chẽ, tình huống truyện éo le, bất ngờ nhưng hợp lý.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật khá thành công.

- Cách lựa chọn chi tiết rất đặc sắc.

- Chọn lựa nhân vật kể thích hợp.

- Ngôn ngữ mang tính chất Nam Bộ:

Học sinh chọn 1 trong 2 yêu cầu để thực hiện.

* Liên hệ thực tế: Những tấm gương về tình cảm hiếu thảo, tình cảm gia đình trong thực tế để thấy được tình cảm cao quý thiêng liêng bất diệt của con người.

* Liên hệ tác phẩm văn học khác: Nói với con của Y Phương, Bếp lửa của Bằng Việt…

III.Kết bài :

- Truyện đã khái quát được tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh nhằm ca ngợi tinh cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân văn sâu sắc. Trong đó, bé Thu là một cô bé đầy nghị lực, cá tính đã để lại cho em những ấn tượng sâu đậm khó quên: cảm phục thương mến lẫn tự hào.

- Học sinh liên hệ bản thân: Từ sự mất mát trong chiến tranh, chúng ta cần vun xới cho hạnh phúc gia đình hôm nay.

c. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo đúng quy tác chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đề 2: Chọn một khổ thơ (hoặc đoạn thơ, bài thơ) trong bài Đồng chí để phân tích.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng và nhận xét đánh giá về nội dung và nghệ thuật;

Gợi ý tác phẩm: Học sinh chọn bất kỳ.

Gợi ý chọn đoạn cuối bài Đồng chí

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nahu chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

I.Mở bài:

Giới thiệu vấn đề nghị luận:

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng

(Tố Hữu)

- Hình ảnh người lính đã đi vào thơ ca, rất gần gũi và quen thuộc. Viết về đề tài này có rất nhiều tác giả khai thác thành công, có thể nói tiêu biểu nhất là bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu viết năm 1948 trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

- Bài thơ ca ngợi tình đồng chí keo sơn gắn bó giữa những người lính được thể hiện qua những hình ảnh chân thực, sinh động qua đoạn thơ cuối:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Đến với khổ cuối ta bắt gặp bức tranh đẹp về tình dồng đội, đồng chí.

- Mối tình đồng chí được lắng đọng bằng hình ảnh đẹp ở cuối bài thơ:

"Đêm nay…trăng treo"

- Câu thơ gợi lên hoàn cảnh chiến đấu vô cùng gian khổ "rừng hoang, sương muối". Hình ảnh ấy làm cho tình đồng chí càng gắn bó.

- "Đầu súng trăng treo" là hình ảnh đầy chất thơ của người lính trong tư thế sẵn sàng chiến đấu giữa thiên nhiên, là sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Súng thì gợi không khí chiến tranh, trăng thì gợi cuộc sống thanh bình. Súng bảo vệ cuộc sống yên bình, bảo vệ vẻ đẹp của trăng, còn trăng biểu hiện tâm hồn yêu đời yêu thiên nhiên của người lính. Đây là hình ảnh thơ độc đáo gây xúc động, thú vị cho người đọc. Hình ảnh thơ mềm mại, uyển chuyển. Toát lên tình đồng chí, đồng đội gắn bó, keo sơn, vượt qua gian khổ, khốc liệt của chiến tranh. Dù trong hoàn cảnh chiến đấu sương muối buột gia, lạnh lẽo vẫn hiên ngang, chủ động chờ giặc tới

- Ở đây ta bắt gặp tâm hồn nghệ sĩ hài hòa trong cái chất thép của người chiến sĩ quyện vào nhau chạm khắc hình tượng đẹp bất tử về người lính cách mạng.

" …Thơ vẫn mãi là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những buồn vui của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế" (Hoài Thanh - Hoài Chân)
Thơ ca vẫn mãi mãi là người bạn không thể thiếu của tâm hồn con người. Thơ nói thay tiếng nói của tâm hồn con người và chạm tới trái tim con người. Thơ lay động mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho chúng ta trong cuộc sống. Việc đọc thơ, cảm nhận vẻ đẹp của thơ ca giúp tâm hồn ta phong phú hơn, tươi tốt hơn. Jamaxtop: "Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi".

III. KẾT BÀI:

- "Đồng chí" là bài thơ hay có giá trị về nội dung và nghệ thuật, sự chắt lọc về hình ảnh và câu chữ, kết cấu bài thơ mới lạ, kết hợp hài hòa giữa cảm hứng hiện thực và lãng mạn. Bài thơ là bức chân dung sống động về anh bộ đội Cụ Hồ với tình cảm đồng đội cao đẹp. Tình cảm ấy đã làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến.

- Đọc xong bài thơ, mỗi chúng ta đều lắng đọng cảm xúc dạt dào, lời thơ ấy, lời hát ấy âm vang mãi trong lòng chúng ta.

c. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo đúng quy tác chính tả, dùng từ, đặt câu.

ThS Nguyễn Văn Thành, Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM

Đề văn thi vào lớp 10 TP.HCM: Thí sinh, giáo viên khen hay Đề văn thi vào lớp 10 TP.HCM: Thí sinh, giáo viên khen hay

Đề văn kỳ thi vào lớp 10 TP.HCM với thông điệp 'nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình' được nhiều thí sinh khen hay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên