03/12/2018 08:38 GMT+7

Bài dự thi Ký ức về phở: Phở mụ Liếc

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

TTO - Xứ Huế xưa nay vẫn được xem là vương quốc của bún bò. Thế nhưng cách đây hơn 50 năm, ở Thành Nội - Huế từng có một gánh phở xuất hiện như một thương hiệu nổi tiếng. Đó là gánh phở của vợ chồng mụ Liếc.

Hai tiếng "Mụ Liếc" gần như là một danh từ chung mà có một thời người Huế hay dùng để gán cho những phụ nữ mập. Nguyên trước đó đã có một người phụ nữ mập mạp tên thực là Liếc hằng ngày ngồi thâu tiền đò trên bến Thừa Phủ bên bờ sông Hương. Chính từ hình ảnh mụ Liếc bến đò này mà chết tên mụ Liếc bán phở.

Tuy nhiên, so với mụ Liếc bến đò thì mụ Liếc bán phở tương đối "gọn" và hoạt bát hơn. Mụ chuyên việc gánh phở, bưng bê, lặt rau sống, thâu tiền và rửa chén bát.

Tiếng gọi là phở mụ Liếc nhưng thực ra ông Liếc - người đàn ông thấp bé, đen nhẻm - mới là chủ nhân của gánh phở. Ông là "kỹ thuật viên", lo từ khâu lựa chọn thịt tươi ngoài chợ đến khâu pha chế thành tái, nạm, gầu, gân... rồi chia ra tô lớn, tô nhỏ phục vụ cho khách.

Ông Liếc có một cái túi vải nho nhỏ, bên trong đựng những hương liệu như tai đinh, tai hồi, quế, ngò, gừng, thảo quả... Cái túi này chính là cẩm nang tạo nên mùi thơm đặc biệt gọi là hương phở.

Phải ninh cái túi ấy hàng giờ trong nồi nước lèo để những hương liệu kết hợp với nhau rồi một phần ngấm vào thịt bò và một phần bốc lên thành hơi tỏa lan trong không khí. Phải canh chừng bếp lửa lúc lớn lúc nhỏ và không để lửa tắt.

Ông Liếc rất ít nói. Chỉ thỉnh thoảng ngửa mặt lên trời cất giọng rao một tiếng "Ớ" (nghĩa là Phở) rất sắc nhọn rồi gõ cặp song lang thành tiếng "sực tắc" liên hồi.

Hồi ấy tôi từng được ăn phở mụ Liếc nhiều lần. Đó là những lần theo gia đình đi xem phim về khuya. Trên đường về đói bụng gặp gánh phở mụ Liếc, cả nhà xúm xít lại.

Mỗi người một tô hãy còn thòm thèm, bèn kêu thêm một mớ xí quách gặm cho đã. Vừa ăn vừa bàn luận rôm rả về những diễn viên điện ảnh thượng thặng của Hollywood như John Way, Kirk Douglas, Marilyn Monroe, Liz Taylor... Hình như hồi ấy phim hay hơn và phở cũng ngon hơn bây giờ. Nghĩ lại có khi phim hay hơn nhờ phở và phở ngon hơn nhờ phim chăng?

Thế rồi đến một năm nào đó, người ta không còn thấy bóng dáng vợ chồng mụ Liếc nữa. Cả cái liên khúc "sực tắc" quen thuộc cũng bặt tiếng. Nghe nói ông Liếc bị bệnh nặng đã qua đời. Một mình mụ Liếc không thể tiếp tục hành nghề. Gánh phở này cần có đủ hai người - dù là đôi đũa lệch nhưng mà thiếu một chiếc cũng không được.

Lâu nay tôi đã có dịp thưởng thức những thương hiệu phở đặc biệt ở nhiều nơi. Nói thiệt, ăn chỉ vì tò mò. Phở nào cũng như phở nào. Duy chỉ cái gánh phở bình dân của mụ Liếc thì mãi vẫn còn trong ký ức.

Trong ký ức ấy, thỉnh thoảng như vẫn nghe văng vẳng tiếng song lang. Âm thanh này dễ thương hơn nhiều so với tiếng ồn từ các dàn loa quảng cáo phát toàn nhạc rác trên đường phố ngày nay.

Vẫn thèm cái mùi hương man mác từ gánh phở mặc dù đôi khi trong đó có cả chút khói cay đọng vào mắt. Vẫn chưa phai mờ ấn tượng về cái bếp lửa bập bùng trong đêm lạnh, như khẳng định sự có mặt ấm áp và thân thiện của loài phở trong vương quốc rộng lớn của loài bún bò. Và cũng ngùi nhớ hình ảnh vợ chồng mụ Liếc - hai phận người cộng sinh nửa đường gãy gánh - cả gánh tình lẫn gánh phở.

Có người nói: văn hóa là những gì còn lại sau khi những thứ khác đã bị quên lãng. Vì vậy với tôi, mụ Liếc cũng là một thứ văn hóa và đó là văn hóa ẩm thực.

18 giải thưởng được trao cho hai cuộc thi Ngày của Phở

TTO - Từ hơn 1.000 tác phẩm, sáng kiến gửi về cho hai cuộc thi đồng hành cùng Ngày của Phở 12-12 do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, ban tổ chức đã chọn ra 18 tác phẩm xuất sắc đoạt giải cao.

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên