Đường qua núi đá Bãi Dinh - Ảnh chụp khi tác giả trở lại thăm "chiến địa" xưa vào năm 2015 - Ảnh: N.K.P.
1 ...Những ngày này 57 năm trước, khi vừa tròn 25 tuổi, tôi là giám sát viên việc mở tuyến đá Bãi Dinh và xây cầu vòm qua khe Bãi Dinh. Tôi đã "mượn" bối cảnh này viết tiểu thuyết Đường giáp mặt trận (in lần đầu năm 1976, đã tái bản 3 lần - Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012).
"Khoe" chút cho vui tuổi già, chứ điều quan trọng hơn là Bãi Dinh khi đó hầu như chưa có trên bản đồ, lại như là một địa chỉ có tầm bí mật quốc gia; ngoài cán bộ, công nhân cầu đường và bộ đội qua lại, chỉ có bà con dân tộc Khùa và Mày.
Gọi là "bí mật" vì lúc đó đây là đầu mối quan trọng nhất của "đường mòn Hồ Chí Minh", không báo chí nào được nêu tên thật, đến mức khi anh hùng Nguyễn Viết Xuân hy sinh trong trận chiến bên kia đèo Mụ Giạ ngày 18-11-1964, đưa về mai táng trên quả đồi cạnh Bãi Dinh, cũng chỉ viết là ở "miền tây Quảng Bình"!
Một nơi như thế mà nay lại có người lao động tận nước Nga trở về kèm theo COVID-19! Có thể gọi đó là một "hiện thực mới" vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tất nhiên ở tầm "vĩ mô", khung cảnh TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành ở Nam Bộ phải sống trong điều kiện bị phong tỏa càng đáng gọi là "hiện thực mới"...
2 "Hiện thực mới" là cụm từ khiến tôi suy ngẫm rất nhiều khi đọc Lời nguyện cầu Chernobyl - tác phẩm đoạt giải Nobel năm 2015 của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich (NXB Phụ Nữ, 2020) viết về thảm họa nổ lò phản ứng nguyên tử Chernobyl ngày 26-4-1986.
Sau đoạn miêu tả tình yêu say đắm cuồng nhiệt của vợ người lính cứu hỏa V.I khi anh bị nhiễm phóng xạ nguy kịch, tác giả viết: "Trớ trêu thay, trước một tình yêu như thế, nhưng bà bác sĩ bảo: "... Nếu khóc tôi sẽ đuổi cô ra ngay. Không ôm ấp, hôn hít gì hết. Không được lại gần!".
Và khi V.I muốn ôm vợ, chính cô cũng phải nói: "Ngồi yên, ngồi yên... Không ôm ấp gì ở đây hết". Trước cảnh này, chúng ta dễ liên tưởng đến đại dịch đang hoành hành khắp nơi...
Và qua nhiều nhân chứng thuộc nhiều tầng lớp của thảm họa Chernobyl, Svetlana Alexievich đã cảnh tỉnh mọi người về số phận mong manh của nhân loại trước "những thử thách khác, còn dữ dội và toàn diện hơn mà hãy còn đang giấu mặt"; nói cách khác, bà đã tiên báo về những thảm họa "trước kia chưa từng có... chưa từng đọc trong cuốn sách nào" như các nhân chứng Chernobyl đã nói với bà.
Theo bà, "sau thảm họa Chernobyl điều gì đó đã bắt đầu hé lộ... Chỉ sau một đêm... đã thực hiện một cú nhảy vọt vào hiện thực mới...".
3 Liệu có thể xem đại dịch COVID-19 là "hiện thực mới", là "thử thách khác, còn dữ dội và toàn diện hơn mà hãy còn đang giấu mặt" như Svetlana Alexievich đã cảnh tỉnh nhân loại hay chưa?
Liệu ai có thẩm quyền trả lời câu hỏi này khi các nước Âu - Mỹ tiên tiến tưởng đã vượt qua đại dịch, lại đang lúng túng, cãi nhau khi tìm cách đối phó với biến thể Delta? Và sau Delta, liệu còn biến thể nào nữa?
Chỉ có điều đã rõ là trước những "hiện thực mới" liên tục xuất hiện, nhân loại muốn tồn tại và phát triển một cách bình yên thì không thể khư khư đeo đuổi những nếp tư duy cũ, những mô hình cũ kỹ, ví như kiểu "phát triển nóng" tạo nên các khu công nghiệp hàng ngàn vạn công nhân chen chúc trong môi trường chật hẹp.
Cũng không thể chiều lụy lớp người mê say cách sống chạy đua hưởng thụ vật chất - chính cách sống này là một trong những nguyên nhân đã tạo nên cuộc đua tranh "phát triển nóng" hủy hoại môi trường sinh thái.
Về chủ đề này, lại phải dẫn ý kiến của một nhà văn đoạt giải Nobel - ông Mạc Ngôn: "Trái đất bốc khói khắp nơi, toàn thân run rẩy, biển lớn gào thét, bão cát mù trời, hạn hán lũ lụt cũng như các triệu chứng ác liệt khác đều có liên quan chặt chẽ với phát triển khoa học kỹ thuật dưới sự thúc đẩy bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển...
Chúng ta cần dùng tác phẩm của mình để nói với những người phụ nữ có hàng nghìn chiếc váy, hàng vạn chiếc giày, rằng họ có tội...".
Ông còn "kể tội" các ông chủ có nhiều xe sang trọng và máy bay riêng đến những tên tham quan để rồi nhắc nhở: "Họ đều cùng ở trên một con thuyền, nếu như chiếc thuyền đó chìm rồi, bất kể là người mặc đồ hiệu, khắp người đầy châu báu, hay áo quần lam lũ... thì kết cục vẫn như nhau" (Trích từ bài "Ai là người có tội" của Mạc Ngôn trong sách Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương của tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy - NXB Khoa Học Xã Hội, 2017).
4 Viết những điều trên liệu có "lạc điệu" khi hàng vạn đồng bào đang khốn khổ, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ngành y, bộ đội, công an, thương nhân...đang căng mình, hợp sức nhằm sớm đưa đời sống bình yên trở lại? Hẳn là tác giả không nên có lời đáp.
Chỉ biết khi tôi đến ngân hàng gửi chút tiền vào quỹ các nhà văn ủng hộ đồng bào đang khốn khó vì dịch COVID-19 ở Sài Gòn, cô nhân viên là con một cựu binh từng ở Trường Sơn đã hỏi tôi một cách thân tình: "Theo bác thì bao giờ dịch mới kết thúc? Bố cháu vừa hỏi có thấy bác viết gì mới về trận chiến này không?". Riêng điều này thì những dòng chữ bạn vừa đọc là lời đáp của tôi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận