TTCT - Nếu có thể cất tiếng, hẳn Trái đất không chỉ hát về những gì loài người đang đánh mất, mà còn ngân nga về những điều chúng ta có thể cứu vãn Minh họa: FANATIC STUDIO/GETTY IMAGESNếu có thể cất tiếng, hẳn Trái đất không chỉ hát về những gì loài người đang đánh mất, mà còn ngân nga về những điều chúng ta có thể cứu vãn. Biến đổi khí hậu, xét cho cùng, khuyến khích thế giới này thêm xanh.Những người đưa tin về môi trường, với thái độ khẩn trương thuần khiết, đôi khi khiến chữ nghĩa giàu tính cảnh báo, chẳng hạn "thảm họa khí hậu" hay "khủng hoảng sinh thái", trở thành một thứ ngôn ngữ đầy đe dọa, tạo tâm lý bi quan. Nhưng không nhất thiết phải thế.Chúng ta khép lại "năm nóng nhất từng được ghi nhận" bằng thỏa thuận đầu tiên trong lịch sử về việc "rời xa" nhiên liệu hóa thạch - trước sự đồng ý của gần 200 quốc gia. Nhìn lại năm 2023, nhiều chuyên gia khí hậu cho rằng thế giới đã đạt được một số tiến bộ, đáng để họ thêm lạc quan."Ngày hôm nay tôi cảm thấy hy vọng hơn bao giờ hết, mặc dù biến đổi khí hậu đang trở nên ngày một rõ nét" - Jonathan Foley, giám đốc của Project Drawdown (một tổ chức ở Mỹ tập trung vào các giải pháp) chia sẻ trong một bài viết trên tạp chí Atmos.Nhiên liệu hóa thạch đang "hít khói"Còn năng lượng tái tạo đang tăng tốc và vươn lên. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), trong thập niên qua, giá điện mặt trời đã giảm khoảng 90% trong khi giá điện gió trên bờ và ngoài khơi giảm từ 40-70%. Ở hầu hết các nơi, việc xây mới một nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió sẽ có lợi về giá hơn so với việc xây mới một cơ sở than đá hoặc khí đốt; và các chi phí vẫn đang trên đà giảm. Ngược lại, việc sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch đã đạt hiệu suất cao nhất rồi - nghĩa là không thể tối ưu nữa, và hoạt động khai thác tài nguyên như than đá hay dầu mỏ vẫn rất tốn kém, theo một phân tích trên ấn phẩm khoa học Our World In Data.Theo Báo cáo Điện năng toàn cầu mới nhất của Tổ chức nghiên cứu Ember, năng lượng gió và mặt trời đang chiếm 12% tổng sản lượng điện của thế giới. Châu Á có ba trong số năm nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời lớn nhất thế giới gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Nhiều nhà nghiên cứu dự đoán rằng chỉ một đến hai thập niên nữa thôi, quang điện sẽ thống trị ngành sản xuất điện toàn cầu.Ảnh: Earth.orgCùng lúc đó, các công ty nhiên liệu hóa thạch đang ra sức trì hoãn quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, điển hình là khoảng 2.500 nhà vận động hành lang đã được cử đến hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 vừa qua - tăng gấp bốn lần so với năm trước đó. Nó có giống như cú giãy đành đạch của một con cá sắp lên thớt?Những nỗ lực cuối cùng của giới dầu mỏ vẫn còn tác động mạnh mẽ lên công cuộc xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch, như ta đã chứng kiến ở COP28, nhưng "dường như chính những kẻ hưởng lợi đó cũng biết rằng thời của họ đã hết, đặc biệt là trong ngành năng lượng" - nhà khoa học Paul Behrens của Đại học Leiden (Hà Lan) trả lời Atmos.Song song đó, xe điện cũng đang trở nên rẻ hơn và hấp dẫn hơn so với các loại xe uống xăng. Một báo cáo của Viện Rocky Mountain (RMI) hồi tháng 9 dự đoán: giá pin sẽ giảm còn một nửa trong thập niên này, giúp giá bán xe điện rẻ ngang bằng với xe xăng ở mọi thị trường vào năm 2030. Theo RMI, sự tăng trưởng nhanh chóng của các mẫu xe điện ở châu Âu và Trung Quốc "ngụ ý rằng doanh số bán xe điện sẽ tăng ít nhất gấp 6 lần vào năm 2030".Người gây ô nhiễm phải thay đổiNăm 2023 cũng chứng kiến nhiều tiến bộ quan trọng trên mặt trận chính sách và pháp luật.Lâu nay, trong Liên minh châu Âu (EU), vấn nạn "rò rỉ carbon" xảy ra khi các công ty chuyển hoạt động sản xuất vốn phát thải nhiều carbon của mình ra nước ngoài. Nhưng một chính sách mang tính bước ngoặt đã có hiệu lực vào tháng 10: "Cơ chế điều chỉnh carbon từ ngoài biên giới" (CBAM), nhằm đảm bảo giá carbon của hàng nhập khẩu tương đương với giá carbon của hàng nội địa. Khi đó, các doanh nghiệp nhận thấy phải làm ăn với những nước nào đã có cơ chế định giá carbon (carbon pricing). Động thái này có thể thúc đẩy nhiều quốc gia khác bắt tay vào định giá khí thải carbon, Behrens giải thích, và sẽ "thực sự cách mạng hóa cấu trúc của nền thương mại toàn cầu".Mặt khác, methane - loại khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt gấp 80 lần khí carbonic - cuối cùng cũng nhận được sự quan tâm thích đáng. Tại COP28, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) tuyên bố rằng: nước này sẽ sớm yêu cầu các công ty dầu khí phải giám sát lượng khí thải methane trên khắp đường ống, giếng và các cơ sở, đồng thời phải giảm mạnh tình trạng xả vent, đốt đuốc và rò rỉ. Một nhóm các tập đoàn dầu khí lớn bao gồm BP, Exxon và Saudi Aramco đã cam kết cắt giảm ít nhất 80% lượng khí thải methane vào năm 2030.Biến đổi khí hậu cũng bắt đầu làm nóng các tòa án khắp thế giới. Tại đó, có một phong trào đang lớn mạnh: kiện các chính phủ vì đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu. Quay lại châu Âu, hành vi "không hành động về khí hậu" được cho là vi phạm các quyền cơ bản của con người. Một tòa án ở Bỉ đã tiến xa hơn khi ra lệnh cho chính phủ nước này phải cắt giảm phát thải carbon nhanh hơn nữa. Hoa Kỳ cũng đã "bắt kịp" xu hướng toàn cầu này, khi một thẩm phán ở Montana ra phán quyết rằng: việc phát triển nhiên liệu hóa thạch có thể vi phạm quyền hiến pháp của một nhóm thanh niên, cản trở họ có được một môi trường sạch và tốt cho sức khỏe.Thêm cơ hội cho Mẹ Thiên nhiênĐiều khiến nhà sinh thái học Vigdis Vandvik của Đại Bergen (Na Uy) có thêm hy vọng trong năm nay là sự công nhận ở cấp Liên Hiệp Quốc rằng cuộc khủng hoảng khí hậu và cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đòi hỏi những giải pháp giống nhau. Xét cho cùng, việc bảo vệ các hệ sinh thái có khả năng lưu trữ carbon là rất quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ngược lại.Ngày 19-12 năm ngoái, thế giới đã thông qua một thỏa thuận lịch sử, mang tên "Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal". Đó là một loạt chính sách được thiết kế bài bản, mặc dù không mang tính ràng buộc, nhằm ngăn chặn và đảo ngược vấn nạn tàn phá thiên nhiên. Và vào tháng 8 năm nay, gần 70 quốc gia đã cùng ký "hiệp ước biển khơi", thắp lên niềm hy vọng về tương lai khỏe mạnh của các hệ sinh thái ở vùng biển quốc tế, vốn bao trùm một nửa bề mặt hành tinh này.Hai động thái mang tính đột phá nữa đến từ EU: kể từ tháng 6-2023, khu vực giàu có này ngừng nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào có liên quan đến nạn phá rừng. Theo đó, công ty nhập khẩu các mặt hàng như đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê và cao su "phải chứng minh được rằng các sản phẩm đó không đến từ nơi bị phá rừng trong thời gian gần đây, hoặc không góp phần dẫn tới suy thoái rừng". Quy định này cũng ảnh hưởng đến sôcôla và đồ gỗ nội thất.Trong khi đó, Luật "Phục hồi thiên nhiên" sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp khôi phục thiên nhiên trên ít nhất 20% diện tích đất và biển của liên minh vào năm 2030, và tất cả các hệ sinh thái cần phục hồi vào năm 2050.Ở phía bên kia Thái Bình Dương, nạn phá rừng tràn lan dai dẳng ở Amazon cuối cùng cũng đang chậm lại, giảm gần 50% so với năm ngoái. Đó là một bước đi đầy hứa hẹn hướng tới tầm nhìn của tổng thống Brazil về một Amazon không còn nạn phá rừng vào năm 2030 - dẫu tầm nhìn này vẫn còn gây tranh cãi giữa các quốc gia Nam Mỹ.Trả lời Atmos qua email, Vandvik viết: "Sự tha thứ vĩ đại của thiên nhiên, sức mạnh tiềm tàng của nó, khả năng phục hồi và lấp đầy những khoảng trống mà chúng ta cho phép, có lẽ là nguồn hy vọng lớn nhất của tôi".Hướng về các giải phápSusan Joy Hassol - giám đốc của Climate Communication, một tổ chức chuyên về truyền thông khí hậu, lo ngại rằng "climate doomism" (thái độ bi quan rằng con người đã bất lực trước biến đổi khí hậu) đang làm lu mờ những tin tức tươi sáng và những tiến bộ có thực.Theo khảo sát của tổ chức nói trên, trong khi chỉ có 13% người Mỹ cho biết họ tin rằng đã quá muộn để làm bất cứ điều gì về biến đổi khí hậu - con số này tương đối ổn định theo thời gian, thì người dân khắp thế giới đang ngày một lo lắng hơn khi phải chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, giới truyền thông lại có xu hướng bàn về vấn đề hơn là giải pháp.Mặc dù việc truyền đạt các mối đe dọa là cần thiết, nhưng việc nêu bật những tiến bộ trong hành động về khí hậu cũng quan trọng không kém. Theo John Kotcher, nhà khoa học xã hội tại Đại học George Mason (Mỹ), khi đối diện một vấn đề, mọi người cần cả hai loại thông tin để có đủ cảm hứng đưa ra những phản ứng mang tính xây dựng nhất, vì giải pháp khi đứng một mình có thể tạo ra cảm giác hy vọng và tự mãn sai lầm. Nghiên cứu khác chứng minh rằng người ta sẽ sẵn sàng tham gia giải quyết vấn đề hơn, nếu họ biết được rằng mọi cố gắng không phải bắt đầu từ số 0, Hassol bổ sung.Hassol tìm thấy hy vọng ở rất nhiều người trên khắp thế giới đang chiến đấu chống biến đổi khí hậu. Không chỉ có các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia, sự ngưỡng mộ của cô còn dành cho các cộng đồng bản địa đang ra sức bảo vệ rừng và những người đang cất tiếng nói trên đường phố hoặc chất vấn ngân hàng của họ về chuyện cấp vốn cho nhiên liệu hóa thạch.Mỗi người chúng ta cũng có thể tạo ra "nốt thăng" để hòa thanh, bao gồm việc bày tỏ mối quan ngại của mình với các nhà hoạch định chính sách, hay việc lựa chọn một ngân hàng sẽ không đầu tư tiền tiết kiệm của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch. Behrens gợi ý rằng: ăn ít thịt và dùng ít sữa hơn sẽ là hành động đáng kể nhất, bởi vì ngành chăn nuôi chịu trách nhiệm cho khoảng 15% lượng khí thải toàn cầu. Mời bạn đọc khám phá những nốt thăng của trường ca khí hậu qua nhạc phẩm "Audyssey" của nhà soạn nhạc Eduardo Del Signore và tổ chức The ClimateMusic Project (tôn chỉ của họ là "Khoa học + Âm nhạc + Hành động").https://www.youtube.com/watch?v=4_j7liU5-mQ Tags: Khí hậuBiến đổi khí hậuNăng lượng tái tạoNhiên liệu hóa thạchNăng lượng gió
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm quốc phòng là sự kiện đối ngoại lớn và quan trọng NAM TRẦN 22/12/2024 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định qua triển lãm quốc phòng quốc tế đã thấy công tác chuẩn bị rất toàn diện, triển khai thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp.
Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại TP.HCM CẨM NƯƠNG 22/12/2024 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn lãnh đạo đã đến thăm, chúc mừng Giáng sinh Tổng giám mục Nguyễn Năng và Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh.
Chi tiết toàn bộ bảng lương công chức áp dụng năm 2025 THÀNH CHUNG 22/12/2024 Dưới đây là chi tiết toàn bộ bảng lương công chức được áp dụng từ năm 2025. Bảng lương được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Concert Sóng 25 có ăn theo các anh trai từ Trấn Thành đến HIEUTHUHAI? HOÀNG LÊ 22/12/2024 Lần đầu tiên Sóng - một chương trình truyền hình phát tối 30 đến qua giao thừa - tổ chức concert. Giá vé từ 2,5 đến 10 triệu đồng, khá 'cứng', lại còn vào thứ tư, có hạn chế?