24/02/2004 14:17 GMT+7

Bae Yang Soo- người dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc ra tiếng Hàn Quốc

Theo Tiền Phong
Theo Tiền Phong

Chinh Phụ Ngâm Khúc, một tuyệt tác của văn học cổ Việt Nam vừa được Tiến sĩ Bae Yang Soo, Giáo sư khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc) dịch sang tiếng Hàn Quốc.

e1m7yzDG.jpgPhóng toTiến sĩ Bae Yang SooChinh Phụ Ngâm Khúc, một tuyệt tác của văn học cổ Việt Nam vừa được Tiến sĩ Bae Yang Soo, Giáo sư khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc) dịch sang tiếng Hàn Quốc.

Thơ càng hay, tiếng Việt càng điêu luyện thì càng... khó dịch ra một thứ tiếng khác. Nhưng có một học giả Hàn Quốc không sợ cái khó ấy và vô vàn cái khó khác (chẳng hạn khó có nơi nhận in, khó bán, khó có người đọc, khó nổi tiếng...), vẫn kiên nhẫn mày mò dịch bằng được áng thơ Chinh Phụ Ngâm Khúc sang một ngôn ngữ khác hẳn tiếng Việt.

Đó là Tiến sĩ Bae Yang Soo, Giáo sư khoa Tiếng Việt, Trường đại học Ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc. Bae sinh năm 1958, có tên VN là Bùi Lương Tú. Đây không phải cái tên tự đặt hoặc bạn bè đặt cho mà là tên khai sinh của anh, viết bằng chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt.

408 câu Chinh phụ ngâm khúc chữ Hàn

Chinh Phụ Ngâm Khúc, nguyên tác chữ Hán của hương cống (cử nhân) Đặng Trần Côn (1710?-1750?) khi chưa được diễn Nôm đã rất nổi tiếng. Tương truyền có một thầy tướng Trung Quốc cùng thời, sau khi đọc 483 câu thơ quán thông hết những danh cú từ đời Hán đến đời Đường đã thất kinh mà than rằng: người nào đã rút hết gan ruột mà làm nên áng văn này, e khó mà thọ lâu! Quả nhiên, chỉ ít lâu sau, Đặng tiên sinh từ trần ở tuổi 40 (theo khảo cứu của cố học giả Hoàng Xuân Hãn)!

Bản chữ Hán nổi tiếng như vậy nhưng còn thua xa sự nổi tiếng của bản diễn Nôm, tương truyền là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Có lẽ bất cứ người Việt nào, đã qua bậc học phổ thông, ngoài Truyện Kiều, hẳn còn nhớ ít ra là một vài khổ thơ Chinh Phụ Ngâm?

Cái "chàng tuổi trẻ" đầy hăm hở của một thời xa lắc xa lơ ấy ăn mặc mới đẹp làm sao "áo chàng đỏ tựa ráng pha/ ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in". Chàng đi lập công danh như thế, để nhớ để buồn cho người vợ trẻ ở nhà mòn mỏi ngóng trông: Đâu xiết kể muôn sầu nghìn não/ Từ nữ công phụ xảo đều nguôi/ Biếng cầm kinh biếng đưa thoi/ Oanh đôi thẹn dệt bướm đôi ngại thùa/ Mặt biếng tô miệng càng biếng nói/ Sớm lại chiều dòi dõi nương song/ Nương song luống ngẩn ngơ lòng/ Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai...

Chinh Phụ Ngâm có những câu thơ hay mà Xuân Diệu từng biểu dương là "không chịu nhường" cả Truyện Kiều vĩ đại, chẳng hạn cái câu tả cảnh này: Hình khe thế núi gần xa/ Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao!

Người Hàn Quốc trước thế kỷ 15 đều dùng chữ Hán và dường như chỉ có giới quý tộc, trí thức là biết chữ. Năm 1446, vua Sejong và các học giả dưới quyền sáng tạo ra một thứ chữ, trông nhang nhác chữ Hán (cũng có thể viết theo khối vuông) nhưng là chữ ghi âm 100%, gồm 28 ký tự được dùng rộng rãi cho đến ngày nay. Đó là thứ chữ mà các học giả gọi là chữ Nôm Hàn (phân biệt với chữ Hán Hàn). Nôm Hàn xuất hiện gần như cùng thời với chữ Nôm Việt (thế kỷ 15, với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, 1380-1442) nhưng có vận mệnh dài hơn, ngày nay nó vẫn là văn tự chính thức của người Triều Tiên, cả Bắc và Nam.

Công việc của Bae Yang Soo là chuyển một bản Nôm Việt sang một bản Nôm Hàn! Tất nhiên anh không cần kì công đọc thẳng vào bản Nôm Việt (rất khó, ngay cả với tuyệt đại đa số người Việt bây giờ!), đã có các học giả VN (Lại Ngọc Cang, Hoàng Xuân Hãn, Tôn Thất Lương...) phiên âm sang quốc ngữ từ lâu.

Cuốn sách của Bae Yang Soo, bởi vậy, chỉ có ba văn bản (bản dịch chữ Hàn, bản chữ quốc ngữ, nguyên bản chữ Hán của Đặng Trần Côn).

Giá như thêm một bản chữ Nôm Việt nữa thì độc giả Hàn Quốc, nhất là giới nghiên cứu, sẽ có một tập tư liệu thật đầy đủ. Phải chăng Bae Yang Soo gặp khó khăn trong việc in ấn chữ Nôm Việt? Nếu đúng là như vậy thì tôi xin mách anh tham khảo cuốn Chinh Phụ Ngâm Hán Nôm hợp tuyển do Nguyễn Thế, Phan Anh Dũng biên soạn, Nguyễn Đình Thảng hiệu đính (Nhà xuất bản Thuận Hoá, 2000).

Các soạn giả đã tạo lập được phần mềm chữ Nôm Việt trên máy vi tính, chữ in rất rõ, rất nét, không thua gì chữ Hán, có thể dùng để phục dựng, in ấn tất cả các tài liệu Nôm hiện có (trước đó, mỗi khi muốn in một tài liệu chữ Nôm người ta vẫn phải viết tay. Cuốn Đại từ điển chữ Nôm của cụ Vũ Văn Kính in năm 1999, hơn 1.500 trang, tất cả các chữ Nôm đều viết tay!).

Bae yêu văn học Trung đại VN, yêu Đặng Trần Côn, yêu Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Dịch thơ đã khó, dịch thơ cổ khó gấp hai lần, riêng việc đọc cho vỡ những điển cố đã đủ ù tai rồi! Thế mà Bae còn phải làm sao giữ được nhịp điệu cho khúc ngâm nữa! Chẳng hiểu thể thơ song thất lục bát chuyển sang tiếng Hàn Quốc thì phải xoay sở thế nào, chỉ biết bản thơ Nôm của bà Đoàn Thị Điểm (do Nguyễn Thạch Giang phiên âm) có 408 dòng thì bản chữ Hàn của Bae Yang Soo cũng có đúng... 408 câu!

Văn học VN không xa lạ với Hàn Quốc

Trước tết Giáp Thân ít ngày, tôi gặp tiến sĩ Bae Yang Soo tại khách sạn Lake Side, Hà Nội. Bùi Lương Tú, người có cái tên rất Việt ấy, lại là một người phương Bắc điển hình: cao lớn, mắt một mí, nói năng có sự cẩn trọng của một học giả (và cũng vì là lần tiếp xúc đầu tiên nữa?). Qua Bae, tôi được biết văn học VN không đến nỗi quá xa lạ với bạn đọc Hàn Quốc.

Từ năm 1906, cuốn Việt Nam vong quốc sử, (Lịch sử mất nước của Việt Nam) của cụ Phan Bội Châu đã được dịch sang tiếng Hàn Quốc, mà có tới ba bản dịch khác nhau lưu hành!

Hơn 60 năm sau (1968) tác phẩm văn học thứ hai, tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng được một... đại uý từng tham chiến ở VN dịch. Năm 1986, dưới chính thể độc tài Chun Do Hoan, sinh viên sôi sục biểu tình, người ta thấy xuất hiện thêm bản dịch những tác phẩm VN có đề tài tranh đấu như Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng, Sống như Anh của Trần Đình Vân! Năm 1990, thêm Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài). Gần 10 năm sau (1999) là các tác phẩm trung đại: Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh- Kiều Phú).

Năm 2003, bạn đọc Hàn lại được thưởng thức hai tác phẩm lớn của văn học VN: Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) và Chinh Phụ Ngâm Khúc. Một cuốn tiểu thuyết của Văn Lê về đề tài chiến tranh mang tên Nếu anh còn sống cũng được nhiều người tìm đọc.

Triển vọng của mối giao lưu văn hoá Việt-Hàn khá sáng sủa. Bae Yang Soo cho biết: Thanh niên Hàn Quốc hiện nay rất thích học tiếng Việt vì cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp rất nhiều. Trường ngoại ngữ Busan của anh dạy 16 thứ tiếng, chia ra 40 khoa, có 7.500 sinh viên.Sinh viên khoa tiếng Việt đông thứ tư, còn người dự thi vào khoa tiếng Việt hằng năm đông thứ hai, chỉ sau khoa tiếng Anh! Bae khá ung dung với công việc giảng dạy tiếng Việt của mình. Bản dịch Chinh Phụ Ngâm của anh cũng do nhà trường xuất bản.

Anh sang VN lần này là để tìm tài liệu cho chuyên luận mới: "Bi kịch kinh tế thị trường qua truyện ngắn Việt Nam", một đề tài hay!

Theo Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên