Bach ở Burger King

THEODORE GIOIA (*) 17/10/2018 21:10 GMT+7

TTCT - Nhạc cổ điển đã được “vũ khí hóa”, được dùng để xua đuổi người vô gia cư và tội phạm. Những cấy ghép nghịch nhĩ trong một thế giới thương mại hóa điên cuồng đã làm suy vi một thứ âm nhạc nghiêm túc và vĩ đại...

Minh họa

Ở góc phố số 8 giao phố Chợ tại San Francisco, bên một cầu thang tàu điện ngầm đóng cửa, ngoài một quán Burger King, một bản nhạc khác thường đang phát. Một cái loa màu be, gắn trên đỉnh của một ô cửa sổ trên cao, phát tiếng đàn clavecin Baroque với âm lượng chát chúa. Tiếng nhạc vang mãi không thôi. Đêm cũng như ngày, nhạc Bach, Mozart và Vivaldi rớt từ trên mái quán Burger King xuống những con phố vắng.

Tuy nhiên, những con phố vắng không phải là đối tượng của bản hòa nhạc này. Danh sách phát được chọn để xua đi người nghe bên vỉa hè, nhất là những người vô gia cư ở Chợ Chính từng tụ tập bên ngoài những cánh cửa nhà hàng vốn là nơi đầu mối hoạt động của người nghèo khổ trong khu. 

Bên ngoài chiếc thang cuốn hỏng, nơi đóng quân của các xe đẩy hàng và túi ngủ từng phát triển thành một khu ổ chuột vỉa hè, thu hút hàng tá người ngồi chồm hỗm và cư dân đường phố. “Ở đó từng có cả đống người - một người dân địa phương nhận xét - nhưng giờ chắc chỉ còn một, hai”. Khi đi qua góc phố, dấu hiệu duy nhất của sự sống mà tôi thấy là một người đàn bà run rẩy khép nép trên vỉa hè, hai tay ôm đầu, trong lúc tiếng đàn clavecin cổ điển bao vây đôi tai bà.

Đề xuất ra chiến thuật này là một tổ chức mập mờ có tên Central Market Community Benefit District (Quận ích lợi cộng đồng Chợ Chính - CMCBD), một tổ chức phi lợi nhuận của các chủ sở hữu bất động sản trong khu, với sứ mệnh khiến người ta liên tưởng đến tác phẩm của George Orwell: “CMCBD đưa Chợ Chính trở thành một khu vực an toàn hơn, hấp dẫn hơn, một nơi đáng mong ước hơn để làm việc, sinh sống, mua sắm, đặt trụ sở doanh nghiệp và tài sản riêng bằng cách đem đến những dịch vụ nằm ngoài những dịch vụ mà thành phố San Francisco có thể cung cấp”. Những dịch vụ dân sự cao cấp này dường như cốt yếu là tìm những cách lắt léo để xua đuổi người nghèo.

Cảm hứng cho kế hoạch Burger King, theo một nhân viên CMCBD, đến từ hệ thống tàu điện ngầm London. Năm 2005, họ bắt đầu phát các bản nhạc giao hưởng ở 65 trạm tàu điện ngầm trong kế hoạch ngăn chặn các hành vi “phản xã hội”, sau thành công bất ngờ của một chương trình thí điểm năm 2003. Kết quả đáng chú ý của chương trình thí điểm - số vụ cướp giật trên tàu giảm 33%, số vụ phỉ báng nhân viên giảm 25% và số vụ phá hoại giảm 37% chỉ sau 18 tháng phát nhạc cổ điển - đã lọt vào con mắt của cộng đồng thực thi pháp luật toàn cầu. 

--------------------------------------------

Bởi vậy mà một hiện tượng quốc tế đã ra đời. Kể từ đó, thứ nhạc cổ điển được “vũ khí hóa” đã lan khắp Anh và thế giới: các đơn vị cảnh sát trên khắp hành tinh đã triển khai bản tứ tấu đàn dây để bổ sung kho vũ khí chống tội phạm của họ, tuyển dụng sĩ quan Johann Sebastian vào ngành.

Các chuyên gia đã lần theo nguồn gốc của cách làm này về một cửa hàng 7-Eleven buồn tẻ ở British Columbia, nơi một tay quản lý khôn khéo người Canada đã bật nhạc Mozart bên ngoài cửa hàng để xua đuổi những kẻ lai vãng trong bãi đậu xe. Mozart-ở-bãi-đậu-xe đã thành công trong việc gõ đầu đám thanh niên lêu lổng đến mức 7-Eleven đã triển khai chương trình này ở hơn 150 cửa hàng, trở thành công ty đầu tiên chống các hành động phá hoại bằng cây đàn viola.

Sau đó, ý tưởng này lan đến West Palm Beach, Florida, nơi cảnh sát giải quyết một góc phố buôn thuốc tấp nập bằng cách đặt loa phát nhạc Beethoven và Mozart. “Các sĩ quan đã rất bất ngờ khi thấy mới 10h đêm đã không còn ai xuất hiện ở góc phố” - thanh tra Dena Kimberlin nói. Chẳng bao lâu, các sở cảnh sát khác cũng “bắt đầu hưởng ứng”. Kể từ đó, chiến thuật này - nay đã được pháp điển hóa thành một nghiệp vụ trong sổ tay Cảnh sát thanh lịch - trở nên phổ biến với cả các công ty tư nhân và các tổ chức công. Trong thập niên qua, “an ninh giao hưởng” đã quét qua toàn cầu như một quy trình chuẩn từ Úc đến Alaska.

Ngày nay, việc răn đe bằng nhạc cổ điển đã trở nên thời thượng đối với các hệ thống vận tải của Mỹ. Các đầu mối trung chuyển giao thông từ bờ Tây sang bờ Đông bật nhạc cổ điển cho các mục đích bảo vệ. Brahms giội khắp các trạm xe buýt và các khu nhận hành lý. Hành khách mua vé Amtrak để nghe nhạc Baroque ở nhà ga Pennsylvania; những bản scherzo của Schubert ngân lên trong khu chờ Greyhound ở trạm xe buýt cửa ngõ New York, bản nhạc nước của Handel lả lướt khắp các nhà ga của hệ thống tàu điện ngầm Atlanta.

Chiến thuật này kéo đến các thị trấn nhỏ và các vùng ngoại ô trên khắp lục địa. Ở Duncan, British Columbia, giọng nam cao của Pavarotti tuần tra quanh công viên để giải tán đám côn đồ đêm khuya, trong khi thư viện Lynchburg ở Virginia dọn dẹp công viên bằng một danh sách phát với điểm nhấn là những bản nhạc lung linh như Mozart for Monday MorningsA Baroque Diet. Trong diễn biến kịch tính nhất của bản concerto chống tội phạm, Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc ở Columbus, Ohio được cho là đã giải tán một cuộc cãi vã đường phố giữa hai tay buôn thuốc chỉ đơn giản bằng cách bật bản Bốn mùa của Vivaldi.

Nhạc Baroque có vẻ là chất xua đuổi mạnh nhất. “Trừ một vài ngoại lệ xác quyết của thời kỳ cuối Lãng mạn như Mussorgsky và Rachmaninoff - nhà phê bình Scott Timberg nhận xét - nhạc dùng để giải tán đám lai vãng là nhạc tiền Lãng mạn của các nhà soạn nhạc Baroque hoặc thời kỳ cổ điển như Vivaldi hay Mozart”.

Các nhà quản trị công hiếm khi suy ngẫm về những lý do vì sao âm nhạc hiệu quả đến thế, nhưng lại thường khoe khoang kết quả với một niềm tự hào nôn nóng nhất định. Như một quan chức ở Cleveland giải thích: “Có điều gì đó trong nhạc Baroque mà những bọn thanh niên du thử du thực không ưa”. Cảnh sát trưởng Tacoma, Washington, lặp lại cùng một logic (và cùng một cách nói): “Bằng cách bật nhạc cổ điển, chúng tôi hi vọng tạo ra một môi trường khó chịu đối với bọn tội phạm và đám a dua”. Một nhà quan sát hệ thống tàu điện ngầm London diễn đạt thẳng thắn cái tâm lý thách thức đằng sau chiến lược này: “Đám thanh niên lêu lổng kia sẽ nói: Chúng ta hoặc ở đây nghe thứ nhạc rác rưởi này, hoặc có thể mang cái trò phạm pháp của mình đi chỗ khác”.

“Mang cái trò phạm pháp của ngươi đi chỗ khác” có thể là thông điệp ngầm dưới mỗi giai điệu trong phong trào chống tội phạm bằng nhạc cổ điển. Cần nhớ rằng chiến thuật này không nhằm ngăn chặn, cũng không nhất thiết giảm thiểu tội phạm, mà là để di dời nó. Hơn nữa, những biện pháp ít tốn kém như vậy nhắm đến chủ yếu là các vi phạm nhỏ như phá hoại và lai vãng - những tội phạm ảnh hưởng đến tài sản, chứ không phải là con người và thường là tài sản của nhóm có quyền lực. “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính quyền - Lily Hirsch nhận xét trong cuốn Âm nhạc trong việc phòng chống và trừng phạt tội phạm ở Mỹ - đang nắm lấy âm nhạc cổ điển không phải như một sức mạnh đạo đức hóa tích cực, mà là như một thứ đánh dấu lãnh thổ”.

Minh họa

Trong một biến chuyển lạ lùng, nhạc cổ điển từ một “ngôn ngữ phổ quát của nhân loại”, thứ nhắc nhở mọi con người về bản chất chung của họ, biến thành một hàng rào âm thanh để bảo vệ những khu vực đặc quyền khỏi đám đông, nói với những người mới đến trong một thứ mã âm thanh rằng: “Ở đây, các người không được hoan nghênh”.

Bởi vậy, phép ẩn dụ về sức mạnh của âm nhạc sẽ phải thay đổi từ thuốc chữa bách bệnh sang sự trừng phạt, từ sức thống nhất sang sức chia rẽ, khi mục đích của nó đi từ sự thanh cao về thẩm mỹ hay tinh thần sang sự di dời cho mục tiêu kinh tế. Mozart đã đổi nghiệp từ bác sĩ cho tâm hồn sang làm nhân viên trục xuất người nghèo.

Và bởi vậy âm nhạc trở lại với chức năng tiến hóa lâu đời nhất của nó: tuyên bố lãnh thổ. Nghiên cứu trong lĩnh vực động vật học gợi ý rằng chức năng ban đầu của tiếng hót không chỉ là thu hút bạn tình (như Darwin lập luận), mà còn để khẳng định quyền lãnh thổ. Các thí nghiệm đã chứng tỏ rằng các loài chim thường hạn chế đi vào những nơi có phát tiếng ghi âm chim hót. Khía cạnh hung hăng này của tiếng chim đã mở rộng sang con người thời kỳ đầu.

Nhà linh trưởng học Thomas Geissman suy đoán: “Âm nhạc thời kỳ đầu của loài người có thể có chức năng giống như tiếng hú của vượn người [...] bao gồm tuyên bố lãnh thổ, đe dọa và phân chia không gian giữa các nhóm”. Các bài hát đã thay đổi nhưng giai điệu thì vẫn vậy: Cảnh báo: tài sản cá nhân. Âm nhạc đẽo không gian công cộng thành những lãnh thổ cá nhân, ra dấu hạn chế một số nhóm tiếp cận một số khu vực thông qua sự “đe dọa” bằng dàn nhạc. Và không có thể loại nào mang nhiều mối liên hệ với tầng lớp thượng lưu hơn nhạc cổ điển.

Minh họa

Tuy thế, chiến thắng của sự phân chia bằng âm nhạc này lại cho thấy một thất bại lớn hơn của nhạc cổ điển. Chúng ta đều biết âm nhạc ảnh hưởng đến con người ở bên dưới tầng nấc suy nghĩ chủ động, thầm thì vào tâm trí vô thức của chúng ta. Tôn vinh những mối liên hệ thiếu thân thiện của nhạc cổ điển như một lực lượng trưởng giả hóa sẽ có nguy cơ làm tổn hại thêm thái độ mặc định của công chúng đối với hình thức nghệ thuật này, từ thờ ơ sang trốn tránh. Rất có thể chiến lược đe dọa bằng âm nhạc đang xua đi thành công không chỉ đám đông những người lang thang, mà còn cả những thế hệ thính giả tiềm năng. Nhạc cổ điển có thể đang làm nản lòng cả đám thanh niên lêu lổng lẫn đám thanh niên ham tìm tòi. Nó ngăn chặn cả lượn lờ lẫn lắng nghe.

Có lẽ chúng ta từng nghe thấy những âm thanh của sự vĩnh cửu trong những bản nhạc giao hưởng cổ điển. “Bản giao hưởng số 5 của Beethoven - E. M. Forster nói - là tiếng ồn siêu việt nhất từng thâm nhập vào tai loài người”. Nhưng khi nghe Beethoven qua loa trên vỉa hè quán Burger King, giai điệu ấy cảm giác không giống như một lời mời gọi đến sự siêu việt, mà giống hơn một lời nhắc nhở xấu xí rằng: “Hãy đi đi!”.

 "Bằng cách bật nhạc cổ điển, chúng tôi hi vọng tạo ra một môi trường khó chịu đối với bọn tội phạm và đám a duA

(Cảnh sát trưởng Tacoma, Washington )

Vũ khí hóa nhạc cổ điển chỉ là bước tiếp theo trong việc thương phẩm hóa thể loại này. Ngày nay, đa số người trẻ gặp nhạc cổ điển không phải như một hình thức nghệ thuật đại chúng, mà như một thứ biểu thị giai cấp, một tập hợp những ngụ ý trong một hệ thống truyền thông mã hóa rộng hơn mà các doanh nghiệp thương mại đã khai thác để bố trí lại các mối liên hệ xã hội của chúng ta với âm thanh giao hưởng.

Hàng thập niên định hình điều kiện văn hóa đã rèn cho công chúng nhận định nhạc giao hưởng là chỉ dấu âm thanh cho địa vị xã hội - nói rộng ra là sự loại trừ khỏi địa vị đó. Một người Mỹ bình thường không xem hợp âm mở đầu Bốn mùa là âm thanh của mùa xuân, mà là âm thanh của sự trưởng giả. Trên màn hình, Baroque là nhạc nền cho giới tiền cũ, xã hội thượng lưu và sự kẻ cả. Về bản chất, nhạc của họ không phải để thưởng thức, mà là để đánh đồng và những sự đánh đồng ấy vô cùng tinh hoa chủ nghĩa.

 ----------------------------------------------------

Nhạc cổ điển từng là một phần được chào đón trong văn hóa đại chúng, đủ nổi tiếng để được người ta giễu nhại. Thỏ Bugs nhại vở Anh thợ cạo thành Sevilla; tính cách nổi bật của nghệ sĩ dương cầm Schroeder trong bộ truyện Peanuts là ngưỡng mộ Beethoven. Nhưng đến năm 2014, bác sĩ Hannibal Lecter (1) trên kênh NBC đã xẻ xác trong bản Giao hưởng số 9 ở giờ vàng để chuẩn bị công thức trứ danh cho món osso buco của ông ta.

Với Hollywood đương đại, nhạc cổ điển là tiếng gọi rắc rối của những thiên tài lập dị, những thần đồng chín tuổi và những tên tâm thần có chứng nhận của bác sĩ. Tập đàn violin là một nét tính cách của những vị thám tử mắc rối loạn lưỡng cực hay những tên tội phạm chủ mưu - nhưng không phải là thói quen lành mạnh của người bình thường. Từ truyện tranh đến những kẻ ăn thịt người, những đại diện chính thức của văn hóa chúng ta cho nhạc cổ điển đã trải qua một sự dịch chuyển nhân khẩu học đáng ngại.

Trong thời đại truyền thông đại chúng, công chúng nói chung chủ yếu tiếp xúc với nhạc cổ điển qua những đoạn trích rời từ những bản nhạc lớn hơn, được rút ra để đem sức mạnh biểu tượng của chúng đến cho một nghị trình thương mại. Các nghệ sĩ và nhà quảng cáo mổ xẻ các bản nhạc cổ điển thành những giai điệu ngắn - các đoạn trích dẫn được, tách ra khỏi bối cảnh ban đầu của nó - để lắp thành một menu những nét âm nhạc chủ đạo nhằm thúc đẩy thông điệp của họ bằng một tông, điệu hay một mối liên hệ đáng muốn. 

Như hương liệu nhân tạo cho tai, những đoạn trích giao hưởng ấy đưa cảm xúc tổng hợp theo lựa chọn vào các khung cảnh. Cần một chút ve vuốt sang trọng châu Âu? Mozart sẽ khiến đoạn quảng cáo xe minivan ấy bỗng nhiên lãng tử. Lo một đoạn tiết tấu chậm làm khán giả ngủ gật? Đánh thức họ bằng cách tiếp ngay một chút adrenaline với bản William Tell Overture. Quảng cáo bánh của bạn thiếu nút thắt? Dẫn lại bản Ride of the Valkyries của Wagner từ Valhalla về Ngôi nhà bánh quốc tế (2).

"Khi nghe Beethoven qua loa trên vỉa hè quán Burger King, giai điệu ấy không giống như một lời mời gọi đến sự siêu việt, mà giống một lời nhắc nhở xấu xí rằng: “Hãy đi đi!”"

Hệ quả nghệ thuật của những cách làm như vậy là rất khủng khiếp. Phác họa các nàng Valkyrie của Wagner như những nhân viên bán bánh tất yếu sẽ làm giảm hiệu ứng của họ trong nhà hát opera. Một số đoạn bị trích dẫn thường xuyên đến mức mối liên hệ thứ cấp của chúng đã vượt lên và hạ thấp giá trị của bản gốc. Carmina Burana (3) vĩnh viễn trở thành một sáo mòn âm nhạc. “O Fortuna” (4) của Orff chỉ gợi lên cái kitsch; người nghe có thể có một cuộc gặp đích thực với nó trong hoàn cảnh nào bây giờ nữa?

Một nền văn hóa với những đoạn âm thanh rời rạc như thế sẽ phủ nhận giá trị chung cuộc của tác phẩm âm nhạc cổ điển: sự phát triển sâu rộng các chủ đề âm nhạc phức tạp. Các hình thức âm nhạc sâu rộng cho phép người nghe thưởng thức sự tương tác tinh tế giữa môtip với chuyển động - và sự thưởng thức tinh tế này chính là cái mà việc cắt ra để trích dẫn làm cho mất hiệu lực.

Có một cơ chế gồm hai phần để trích và ghép một giai điệu: tách một chủ đề 15 giây ra khỏi một bản giao hưởng 45 phút (trong đó nó có chức năng như một phần tích hợp vào một khối hữu cơ) rồi gắn vào một chủ thể lạ. Nhấc “O Fortuna” ra khỏi một bản cantata Latin để có thể ghép nó vào một đoạn quảng cáo pizza Domino’s trong trận Super Bowl.

 Những sự cấy ghép ấy tạo ra một bản lồng ghép nghịch nhĩ, gây ra một tác dụng phụ độc hại khác: bằng cách luôn trích dẫn tác phẩm ở bên ngoài bối cảnh của nó, công chúng quên đi rằng nó cũng có một bối cảnh. Người xem quên đi rằng “O Fortuna” cũng có thể rất hào hùng trong bối cảnh ban đầu của nó vì quảng cáo lố bịch cho Domino’s Pizza. 

Tóm lại, trong hệ sinh thái truyền thông tái phối ấy, những tác phẩm nổi tiếng đã suy vi từ thứ âm nhạc nghiêm túc xuống thứ âm thanh trang trí, bị dùng làm giấy dán tường để phủ một lớp bề mặt sâu sắc lên những ý định tầm phào.

Ví dụ điển hình vị thế mâu thuẫn của nhạc cổ điển trong nền văn hóa tư bản của chúng ta là Khúc dạo đầu (The prelude) cho Tổ khúc số 1 cung sol trưởng cho cello của Bach. Được một nhà bỉnh bút gọi là “Mọi thứ vừa có được một khúc ca cổ điển”, đoạn nhạc hai phút này được triển khai cho một loạt mục đích đáng kinh ngạc. Trang IMDB liệt kê 73 lần ghi nhận với bản lý lịch bao gồm các trụ cột giờ vàng như loạt Smallville và ER (5), các chiến dịch quảng cáo cho súplơ đông lạnh của Hãng Healthy Choice và thức ăn cho chó của Hãng Pedigree, những bộ phim màn ảnh lớn từ Elysium The Hangover II đến một vai ngắn trong Mega Shark vs. Giant Octopus.

 "Có điều gì đó trong nhạc Baroque mà những bọn thanh niên du thử du thực không ưa 

(Một quan chức ở Cleveland)

Trong một sự tương phản lạ lùng, các nhà làm phim và các nhà quảng cáo đã khai thác những mối liên hệ của Khúc dạo đầu trong vai trò một biểu tượng của vị thế giai cấp nhằm gợi lên hai cảm xúc đối lập. Một mặt, các bộ phim dùng nó để nhấn mạnh thói trưởng giả, đạo đức giả của giới giàu có, làm nổi bật cách mà một con người bình thường dễ mến không có chỗ trong xã hội thượng lưu. 

Mặt khác, các quảng cáo thương mại trích nó để đưa một nét thanh lịch vào những lời chào bán hời hợt, ngầm liên kết sản phẩm của họ với khao khát khó nói của công chúng đối với một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nói cách khác, Khúc dạo đầu vừa được dùng để châm chọc thói đạo đức giả của tầng lớp thượng lưu, vừa được dùng để khơi dậy những khát vọng vươn đến nó của công chúng.

Một quảng cáo xe Cadillac CTS gần đây còn gọi hẳn Khúc dạo đầu của Bach bằng tên. Trong đoạn quảng cáo đó, một cặp đôi phong cách lái xe trên một con phố thẳng tắp và bật radio lên. “Tổ khúc số 1 cung sol trưởng của Bach” - người lái xe vừa được khai sáng cho biết và camera xoay vào nội thất trong xe cho thấy nhan đề của đoạn nhạc sáng lên trên bảng điện tử. 

Hàm ý ở đây tất nhiên là anh không chỉ mua một chiếc xe, mà còn sắm cả tư cách thành viên để bước vào một tầng lớp xã hội tinh hoa. Đó là lời mời tham gia một câu lạc bộ đặc quyền, trở thành típ người nhận ra các tổ khúc của Bach bằng tên và bằng số. Với một vài cú kéo lên cây đàn cello, một quảng cáo xe hơi rỗng tuếch đi vào một tầm nhìn vĩ đại về một tương lai hạnh phúc hơn: một hứa hẹn về sự biến chuyển cá nhân thông qua sức mạnh của việc mua sắm cá nhân.

Điều này đặt Khúc dạo đầu ở đâu và nói rộng ra là cả âm nhạc cổ điển? Từ đánh thức mấy con “siêu cá mập” đến bán xe Cadillac, Khúc dạo đầu cho Tổ khúc số 1 cho cello của Bach đã được điểm mặt để hỗ trợ nhiều mục đích. Nhưng một thứ mà nó hiếm khi hỗ trợ là chính nó. Sau khi bị ép phục vụ quá nhiều nghị trình bên ngoài - quảng cáo, phim ảnh và nghiệp vụ cảnh sát, Khúc dạo đầu mất đi căn tính của nó như một tác phẩm nghệ thuật độc lập, đòi hỏi được nhìn nhận như là chính nó. Nó khó đem đến cho bất cứ thính giả nào ngày nay một trải nghiệm nghe “thuần túy” đích thực.

Sự xói mòn này là một số phận phổ biến đối với nghệ thuật đại chúng ngày nay. Những mối liên hệ phụ đang dần dần bóp nghẹt những trải nghiệm chính. Bất kể một bản nhạc có mạnh mẽ đến đâu, qua thời gian, Hollywood, đại lộ Madison và Phố Chợ đe dọa sẽ vắt kiệt sức sống, thậm chí của thứ âm nhạc vĩ đại nhất, đến khi chẳng còn lại gì. Báo cáo của điều tra viên: Chết vì bị trích dẫn!

Suy cho cùng, một giai điệu cũng chỉ có thể được dùng trong một số lần nhất định để xua đuổi người vô gia cư hoặc quảng bá phẩm cách của thức ăn cho chó trước khi chúng ta quên đi rằng nó cũng có thể tôn vinh phẩm giá của nhân loại.■

Nguyễn Huy Hoàng dịch

 

(*): Theodore Gioia là nhà phê bình ở San Francisco.

(1): Một nhân vật hư cấu trong loạt truyện trinh thám kinh dị của Thomas Harris, xuất hiện trong loạt phim truyền hình của NBC từ năm 2013.

(2): International House of Pancakes (IHOP) là một chuỗi nhà hàng phục vụ theo phong cách nhà hàng đa quốc gia của Mỹ, chuyên về các món ăn sáng.

(3): Một bản cantata của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff.

(4): Một trích đoạn tiêu biểu của bản Carmina Burana

(5): Tên các bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận