Trích đoạn vở Bạch Hải Đường - Video: GIA TIẾN
Vốn mê cải lương nên từ hồi 11, 12 tuổi Ái Như đã coi và thuộc làu các vở cải lương nổi tiếng. Trên sân khấu Hoàng Thái Thanh đã có những phiên bản kịch từ cải lương như Nửa đời hương phấn, Sông dài... và bây giờ là Bạch Hải Đường, và dự kiến Đời cô Lựu cũng sẽ lên sàn kịch.
Khán giả ghiền cải lương ít ai không biết đến vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường. Một vở diễn mà qua nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ Hùng Cường, Trọng Hữu đến Kim Tử Long, đều tạo nên dấu ấn riêng trong lòng khán giả.
E ngại về cái bóng quá lớn của bản dựng cải lương đã nhanh chóng được giải tỏa khi Bạch Hải Đường trên sân khấu kịch mang hơi thở hoàn toàn mới.
Giữa nhiều vở diễn sân khấu nói về thân phận người phụ nữ, Bạch Hải Đường khai thác bi kịch của người đàn ông.
Xem vở, người ta thương Đặng Hoàng Minh (tức Bạch Hải Đường) khi số phận cùng cực thiếu nơi nương tựa đã khiến anh ta đi lệch hướng.
Chứng kiến mẹ mình ra đi trong đau đớn, nghèo khổ và thèm thuồng một cái cái bánh bao mà đến chết vẫn không có để ăn, cái bánh bao vấy máu là thứ đầu tiên mà cậu bé khờ dại cướp đoạt của người khác.
Và nó cũng là nỗi hận, sự mặc cảm thân phận để Đặng Hoàng Minh trượt dài và trở thành Bạch Hải Đường, dù là chỉ cướp của người giàu có và chia sẻ cho người nghèo.
Trí Quang (phải, vai Bạch Hải Đường) và Tuyết Thu (vai Nhung) trong vở Bạch Hải Đường - Ảnh: G.TIẾN
Xem Bạch Hải Đường, có thể thấy được sự tỉ mỉ của đạo diễn Ái Như trong việc mài giũa tâm lý nhân vật. Trí Quang (vai Bạch Hải Đường), Tuyết Thu (vai Nhung) đã dành cả tháng trời ròng rã trên sàn tập để có được những lớp diễn khiến người xem phải day dứt.
Nhung làm người ta "bực mình" vì sự chảnh chọe, được chồng nuông chiều sanh hư, bài bạc, cặp bồ và đỉnh điểm là bán đứng chồng con. Nhưng người đàn bà nông cạn, nhẹ dạ như Nhung của Tuyết Thu cũng khiến người ta se thắt ở lớp diễn tống tiền bà cò Bằng với một chút ngượng ngùng.
Với Trí Quang, Bạch Hải Đường là vai diễn cực kỳ nặng tâm lý. Mọi kỳ vọng đổ dồn lên Trí Quang để vở có thể làm khán giả đau với nỗi niềm của người đàn ông đi lạc lối, bị phản bội lòng tin.
Trí Quang rất nỗ lực và với khả năng diễn xuất ngày càng tinh tế, đây là nhân vật anh hoàn toàn có thể làm chủ được. Dù vậy, Trí Quang cần thêm vài ba suất diễn nữa để thật "ngấm", để khi anh rơi giọt nước mắt đàn ông khán giả cũng cảm được ngay sự vụn vỡ, tan nát.
Các nhân vật hỗ trợ cho cặp đôi chính như ông bà Cò (Thành Hội - Ái Như), Cang (Thanh Sơn), ông bầu Trung (Thế Hải)... mỗi người có hòa phách riêng để góp phần tạo nên những thăng trầm trong cuộc đời của Bạch Hải Đường.
Âm nhạc bàng bạc tâm tư phát ra từ máy hát Akai là một điểm cộng để tăng thêm cảm xúc cho vở. Tuy nhiên, cảnh trong tù khá dài, có thể làm gọn lại để tránh làm loãng cảm xúc của vở diễn.
Trí Quang cho biết khi đọc đoạn độc thoại trên kịch bản, nước mắt anh đã chảy dài. Anh tâm sự: "Hồi mẹ mất, tôi khóc đến ngất xỉu. Người ta phải thảy tôi lên xích lô để đi theo xe tang.
Vì vậy, khi chị Như giao vai này tôi đã không dám nhận. Được mọi người động viên, tôi xây dựng Bạch Hải Đường không theo kiểu một tên giang hồ ngang tàng mà rất tình cảm, tràn đầy ấm áp yêu thương với bạn bè, vợ con.
Lúc nào tập tôi cũng tự dặn phải kiềm chế, phải mạnh mẽ để nước mắt rơi như cứa vào lòng người ta, như giọt nước nhọc nhằn từ những vách đá sâu hoắm. Nhưng cứ ra diễn là tự nhiên cảm xúc đẩy mình lên. Thôi thì ráng qua từng suất diễn...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận