11/01/2020 09:04 GMT+7

Bác xe ôm và Coca-Cola

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Ngay sau mỗi cuốc xe, một tài xế xe ôm đã 'được' hãng xe công nghệ tạm khấu trừ và nộp thuế. Vì vậy, với con số 821 tỉ đồng và việc tìm đủ cách để tránh thuế của Coca-Cola Việt Nam nhiều năm qua khiến ai cũng thấy lạ lùng.

Bác xe ôm và Coca-Cola - Ảnh 1.

Công ty Coca-Cola Việt Nam đã bị cơ quan thuế xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá - Ảnh: TTO

Dù có tiếng liên tục lỗ và không nộp thuế sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, nhưng mọi người đều choáng khi cơ quan thuế có quyết định truy thu và phạt hơn 821 tỉ đồng đối với Coca-Cola Việt Nam.

Sau 20 năm có mặt ở Việt Nam, đến năm 2013 Coca-Cola Việt Nam mới có lãi và bắt đầu nộp thuế từ năm 2015 sau khi đã được khấu trừ các khoản lỗ kết chuyển trước đó.

Ai cũng biết, Coca-Cola Việt Nam liên tục lỗ nhưng vẫn vui vẻ mở rộng đầu tư. Pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, lỗ triền miên, năm này kéo dài qua năm khác nhưng vẫn vui vẻ, kiên trì chịu lỗ và bung tiền tiếp tục đầu tư là có gì đó bất thường.

Là tập đoàn đa quốc gia, Coca-Cola Việt Nam đã tìm hiểu kỹ pháp luật Việt Nam và họ luôn đầu tư rất lớn cho bộ phận pháp chế, quản lý thuế để có được số thuế phải nộp ít nhất.

Coca-Cola Việt Nam có nộp thuế, nhưng phần lớn đều là thuế giá trị gia tăng, tức là thuế do người tiêu dùng nộp, Coca-Cola Việt Nam chỉ là bên thu hộ cho Nhà nước. Trong khi số thuế phản ánh thực chất hoạt động của doanh nghiệp chính là thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng số thuế này Coca-Cola Việt Nam lại nộp không nhiều.

Và để có những đồng thuế thu nhập doanh nghiệp Coca-Cola Việt Nam nộp, đó là cuộc "đuổi bắt" giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp. Như trong số 821 tỉ đồng mà Coca-Cola Việt Nam bị truy thu và phạt theo quyết định của cơ quan thuế, có đến 359 tỉ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vài năm trước, Cục Thuế TP.HCM đã đặt Coca-Cola Việt Nam vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá.

Chuyển giá, hiểu đơn giản là doanh nghiệp làm cách nào đó để mua nguyên phụ liệu của công ty mẹ với giá rất cao, để rồi đẩy "con" ở Việt Nam luôn rơi vào lỗ lã, thực ra là lỗ giả lời thật, để không phải nộp thuế.

Tìm đủ cách để tránh thuế, điều này hoàn toàn xa lạ với hàng triệu người lao động làm công ăn lương khi họ đang chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Với người lao động, sau khi trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc (nếu có) sẽ nộp thuế đầy đủ.

Cụ thể như tài xế xe ôm công nghệ, phải nộp thuế nếu tổng thu nhập trong năm từ mức 100 triệu đồng. Họ được hãng xe công nghệ tạm khấu trừ và nộp thuế ngay sau mỗi cuốc xe. Theo cách này, tài xế xe ôm và những người làm công ăn lương là những người trung thực nhất về thuế.

Chẳng ai bắt doanh nghiệp hay cá nhân nào đó phải trung thực về thuế, bởi vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý. Nhưng ngoài chế tài đó, còn là hình ảnh, thương hiệu, sự tự ái...

Theo luật thuế, người nộp thuế gồm doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được quyền tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm với số tiền thuế của mình. Sự trung thực là ở chỗ đó. Vì vậy, để cơ quan thuế hậu kiểm và truy thu thuế đã là điều không nên. Và càng không nên với những doanh nghiệp có tên tuổi, thương hiệu lớn.

Chẳng lẽ vì những đồng thuế, doanh nghiệp chấp nhận luôn bị đặt trong tầm ngắm có nguy cơ cao về tránh thuế? Chẳng lẽ doanh nghiệp coi tên tuổi của mình luôn gắn với những câu chuyện xấu về thuế là chuyện bình thường?!

Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỉ sau khi bị phạt, truy thu thuế 821 tỉ Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỉ sau khi bị phạt, truy thu thuế 821 tỉ

TTO - Một ngày sau thông tin gây rúng động, Coca-Cola Việt Nam cho biết đã nộp vào ngân sách 471 tỉ đồng tiền phạt và truy thu. Trong khi Tổng cục Thuế cho rằng nếu thấy quyết định của cơ quan thuế chưa chính xác, doanh nghiệp này có thể khởi kiện.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên