29/03/2020 15:38 GMT+7

Bác xe ôm nặng lòng với học sinh nghèo

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Buổi trưa nắng nhạt, cơn mưa trái mùa làm không khí trở lạnh, ông Được khoác thêm chiếc áo rồi ngồi ngã ba đường chờ khách cho cuốc xe đầu tiên trong ngày. Buổi sáng, ông bận đi gửi thư ngỏ xin học bổng cho ba cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Bác xe ôm nặng lòng với học sinh nghèo - Ảnh 1.

Người đàn ông 30 năm mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm nhưng có tấm lòng lớn - Ảnh: TRẦN MAI

Thế hệ mình đã khổ cực vì con chữ thiếu trước hụt sau nên không muốn điều ấy lặp lại"

Ông NGUYỄN MẬU ĐƯỢC

Đã 14 năm qua, bên cạnh việc chạy xe ôm mưu sinh hằng ngày, ông Nguyễn Mậu Được (54 tuổi, thôn Phước Luông, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) còn tìm đến những học sinh khó khăn rồi đi gửi thư ngỏ khắp nơi xin học bổng cho các em.

Khuyến học lúc mưu sinh

Trong ngôi nhà ở chợ Đồng Cát, ông Được cười hiền lành kể về lý do đi xin học bổng: "15 năm trước, bọn trẻ thôn Phước Luông nói riêng và xã Đức Hòa nói chung nhiều đứa còn tuổi đi học nhưng gấp sách vở vào Nam mưu sinh. Không phải vì học tệ, mà gia đình khó khăn quá. Đứng ở cái bến này, nhiều lần nhìn các cháu mang balô đứng bắt xe vào Nam mà xót lòng. Tôi tham gia phong trào khuyến học của thôn cũng vì lý do đó".

Người quê, nói chuyện gì cũng giản đơn. Ông Được chìa đôi tay ra rồi cười nói tiếp: "Nếu ngày xưa được đi học chắc giờ cũng không đến nỗi". Nói rồi ông Được rút điện thoại ra xem giờ, nhẩm tính thời gian chuyến xe tiếp theo sẽ ghé bỏ khách để tranh thủ đi gửi thư khuyến học tiếp. Lúc chiếc xe vừa lăn bánh khỏi vỉa hè, ông Được nói vọng lại với bà bán hàng nước: "Có ai thuê chở hàng hay khách lỡ chuyến chị gọi tui với nghen".

Trên đường đi, ông kể về chi hội khuyến học thôn Phước Luông mà ông làm chi hội phó từ ngày ra đời 14 năm qua. Cái vị trí không lương lại thêm cực nhọc, nhưng ông thấy vui khi chẳng còn học sinh nào vì khó khăn mà bỏ học. 

"Cái nghiệp khuyến học cực lắm, phải tranh thủ buổi trưa, buổi tối, chớ buổi chính người ta đi làm hết, ai ở nhà chờ mình gửi thư", ông Được chia sẻ. Những câu hỏi của chúng tôi được ông Được trả lời rất vui, như chuyện có đêm ông chẳng được ngủ vì ghé nhà của nhà hảo tâm trò chuyện rồi uống mớ trà đậm, 2h sáng lại ra bến chờ khách vì xe từ TP.HCM thường đổ về giờ này. 6h sáng tiếp tục đi chở hàng thuê cho tiểu thương ở chợ Đồng Cát.

"Cực nhất là mùa nhập học và sau tết, đi xin xong rồi phải đi trao. Người khác trao cũng được, nhưng tôi muốn đến, động viên các cháu. Lấy mình ra làm dẫn chứng, học hành không đến nơi đến chốn là khổ cả đời" - ông nói giọng hiền lành.

Bác xe ôm nặng lòng với học sinh nghèo - Ảnh 3.

14 năm làm công tác khuyến học, ông Được vui khi nhìn thấy những con cháu khó khăn học giỏi - Ảnh: TRẦN MAI

Cha làm gương, con noi theo

Sau một vòng gửi mấy tờ thư kêu gọi hỗ trợ, ông Được quay về bến, chuyến xe vừa đến chỉ có hai vị khách và đã có bác tài khác rước đi. Chị bán nước trêu ghẹo: "Tối về không có tiền mệt à nha, cái tội lo chuyện bao đồng". 

Ông Được lại cười hiền rồi nói mình không chạy thì cũng anh em trong làng trong xã có thêm chút tiền thôi mà. Rảnh rỗi, ông Được lấy điện thoại ra lướt Facebook, trên trang cá nhân chẳng có mấy thông tin về ông, mà toàn của "hoàn cảnh này, học trò nọ, sinh viên kia. 

Hóa ra ông tập tành chơi Facebook được hai năm qua. Những học sinh nghèo vượt khó, những kế hoạch, kinh phí khuyến học của thôn được ông dành thời gian thu thập, chụp ảnh và chia sẻ lên mạng để kêu gọi, mở rộng nguồn tài trợ. 

Kéo trang Facebook xuống một hồi, ông dừng lại ở bức ảnh trao học bổng đầu năm học 2019-2020. "Đây này, sau khi đọc thông tin kêu gọi thực hiện chương trình Tiếp sức đến trường nhiều người hỗ trợ ghê chưa. Như chị Trần Thị Thanh Nga dù xa quê đã lâu vẫn gửi về ủng hộ 2.000 quyển vở" - ông vui vẻ khoe.

Một loạt cái tên nhà hảo tâm quen thuộc được ông liệt kê ra, đó là những người con Phước Luông xa xứ nay đã có đời sống khá hơn. Họ thấy tấm lòng của ông Được dành cho bọn nhỏ rồi chung tay trợ giúp. 

Như chị Nguyễn Thị Thương sau khi nghe ông giới thiệu cháu học sinh nghèo Trần Phương Thảo Yến có mẹ không may bị suy thận đã đồng hành cùng Yến nhiều năm qua. "Nếu không có bác Được tìm nguồn hỗ trợ hằng năm em đã nghỉ học rồi, em thấy như có chỗ dựa để tự tin hơn" - Yến chia sẻ. 

Còn với ông Được, hạnh phúc lớn nhất là những tờ giấy khen Yến mang về qua những năm học, điều đó khiến ông có thêm động lực để tiếp tục công việc thầm lặng của mình. Với ông, làm khuyến học không chỉ đi xin người khác, mà chính mình phải làm gương. Mỗi năm ông vẫn đóng góp 1,5 triệu đồng vào quỹ khuyến học thôn Phước Luông.

Giản dị và chân tình, ông Được lấy việc làm của mình như bài học cho hai người con đang làm kỹ sư xây dựng và nhân viên ngân hàng ở TP.HCM. Hai người con của ông Được cũng là cái tên quen thuộc trong cuốn sổ tay nhàu cũ ông ghi lại danh sách những người góp tiền cho quỹ khuyến học. Cuốn sổ đó ngoài theo dõi và tri ân những người giúp đỡ con cháu trong thôn thì còn lưu lại cho mai sau. "Tôi muốn các cháu hôm nay được giúp, sau này biết ai đã giúp mình. Các cháu xem cuốn sổ này, lúc thành danh lại giúp đỡ các thế hệ kế tiếp" - ông Được trải lòng.

Anh Nguyễn Mậu Công, con trai ông Được, nói anh được ăn học từ vòng xe đầy mồ hôi của cha, sào ruộng của mẹ nên hiểu những gian khó và mong muốn noi gương cha, sẻ chia khó nhọc cho các em ở quê nhà. 

"Thấy cha tâm huyết với công tác khuyến học, cả nhà đều vui và ủng hộ. Vì hơn ai hết, đi lên từ gian khó, chúng tôi hiểu được rằng những hoạt động khuyến học có ý nghĩa như thế nào. Hai anh em chúng tôi cũng noi gương cha đóng góp cho quỹ khuyến học, với ước mong nếu nhiều người trưởng thành cùng chung tay thì sẽ tạo ra được những giá trị lớn lao" - anh Công tâm sự.

Một tấm lòng ở đời

Ông Huỳnh Minh Thủy, chủ tịch Hội khuyến học xã Đức Hòa, chia sẻ dù bận rộn với việc chạy xe ôm nhưng ông Được luôn ưu tiên công việc khuyến học của chi hội khuyến học lên hàng đầu. Không chỉ là một chi hội phó chi hội khuyến học rất nhiệt tình, mà đáng quý nhất là cả gia đình ông cùng làm khuyến học.

"Một tấm lòng ở đời", ông Thủy đúc kết ngắn gọn.

800 phần quà tết của bạn đọc Tuổi Trẻ đến với học sinh nghèo Tây Bắc 800 phần quà tết của bạn đọc Tuổi Trẻ đến với học sinh nghèo Tây Bắc

TTO - 800/3.700 phần quà tết trong chương trình “Tết sẻ chia với học trò nghèo vùng bão lũ và hạn hán” của báo Tuổi Trẻ đã được chuyển tới học sinh hai tỉnh Sơn La và Yên Bái trong ngày 11 và 12-1.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên