Bên trong khu cách ly của bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để điều trị các ca nghi mắc COVID-19 - Ảnh: Bác sĩ Trương Uyên Cường
BVDC 2.2 đã lường trước chuyến thăm không mong đợi của "Cô-Vy" (tiếng lóng gọi dịch COVID-19) nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng các kịch bản ứng phó để kiểm soát và ngăn chặn đà lây lan của mầm bệnh.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Ngày 5-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận trường hợp nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên ở Nam Sudan là một nữ bệnh nhân 29 tuổi đến từ Hà Lan.
Tuy nhiên, trước đó, trong tháng 2 và đầu tháng 3 năm nay, ban giám đốc BVDC 2.2 đã tham gia hàng loạt khóa tập huấn bắt buộc dành cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình về phòng chống dịch COVID-19 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) qua cầu truyền hình, diễn tập tình huống phát hiện, xử lý bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. Sau đó, ban giám đốc tập huấn cho các cán bộ còn lại của Việt Nam.
Để đón cuộc ghé thăm bất ngờ của "Cô-Vy", bệnh viện chủ động rà soát cơ số khẩu trang y tế, khẩu trang chuyên dụng N-95, trang bị bảo hộ cá nhân, xà phòng và nước sát khuẩn, thuốc và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch như máy thở, oxy.
Các khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 ở phái bộ đều có đầy đủ các máy móc, trang thiết bị y tế cần thiết. Thông thường, bệnh nhân đến khám chỉ cần mang theo giấy chuyển viện và làm thủ tục đăng ký ở cổng.
Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, kể từ khi các nước láng giềng với Nam Sudan có ca dương tính với virus corona, BVDC 2.2 đã sàng lọc, đo thân nhiệt, tổ chức khai báo y tế đối với tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị.
Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, bệnh nhân sẽ được phân luồng và cách ly ngay. Tại khu cách ly, các quy trình chuẩn của LHQ về chẩn đoán, điều trị, cấp cứu và chuyển tuyến đối với các bệnh nhân này sẽ được áp dụng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, trung tá, bác sĩ Võ Văn Hiển - giám đốc BVDC 2.2 - cho biết rất may là hiện tại chưa có ca nghi nhiễm nào được ghi nhận ở phân khu Bentiu, thành phố Bentiu, thủ phủ của bang Unity.
Theo trung tá Hiển, kế hoạch tổng thể phòng chống dịch COVID-19 và triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện trong điều kiện dịch COVID-19 như phát hiện sớm, cách ly phù hợp, điều trị ổn định bệnh nhân trước khi chuyển lên các tuyến điều trị cao hơn theo quy định... được đoàn kiểm tra của LHQ đánh giá cao.
Trong đợt kiểm tra đánh giá khả năng sẵn sàng thực thi nhiệm vụ đối với BVDC 2.2 về các mặt quân sự, chuyên môn y tế và hậu cần kỹ thuật... đoàn kiểm tra của tư lệnh quân sự thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ đánh giá BVDC 2.2 đã có sự tiến bộ đáng kể so với lần đánh giá trước. Kết quả đánh giá chung ở mức rất tốt (very good), trong đó có nhiều mặt đạt mức xuất sắc (excellent).
Phái bộ cũng đánh giá cao về sự chủ động của BVDC 2.2 trong phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là phương án cách ly điều trị bệnh nhân nghi nhiễm virus corona.
Cán bộ bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam gửi thông điệp động viên quê nhà chiến thắng dịch bệnh - Ảnh: Bác sĩ Trương Uyên Cường
Nỗ lực vượt khó
Từ ngày sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, thay thế bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, các cán bộ BVDC 2.2 cho biết sau 5 tháng khô hạn họ mới chứng kiến cơn mưa đầu mùa làm dịu cái nóng lên đến 50 độ C ở quốc gia châu Phi này.
Trung úy, bác sĩ Từ Quang - Đội cấp cứu đường không (AMET) - cho biết thêm BVDC 2.2 của Việt Nam được Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ giao nhiệm vụ kiểm soát, sàng lọc y tế tại sân bay Rubkona và cổng căn cứ LHQ ở Bentiu nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
Công việc chủ yếu là kiểm tra yếu tố dịch tễ, đo thân nhiệt khách đi từ Rubkona. Nhiệt độ ngoài trời, vào ban ngày ở đây lên đến trên 50 độ C. Với nhiệt độ nóng bức này, mặc thêm đồ bảo hộ toàn thân khi sàng lọc COVID-19 là một thách thức lớn. Tuy nhiên, những khó khăn của hoàn cảnh sống càng củng cố thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi thành viên bệnh viện.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, trung tá, bác sĩ nha khoa Trương Uyên Cường cho biết nguy cơ lây lan của dịch COVID-19 tại phái bộ là rất cao do môi trường mang tính đa quốc gia tại đây cũng như việc các nhân viên LHQ thường xuyên di chuyển nên có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác đến. Điều kiện y tế của cả nước Nam Sudan còn hết sức nghèo nàn cũng ảnh hưởng đến công tác phối hợp về y tế giữa bệnh viện với cơ sở y tế địa phương.
Những khó khăn liên quan đến tình trạng thiếu về nguồn lực, điều kiện vệ sinh môi trường, khả năng kiểm soát bệnh tật của hệ thống y tế của phái bộ cũng như Nam Sudan cũng khiến nguy cơ bùng phát dịch càng tăng cao.
Khu bảo vệ thường dân của Nam Sudan hơn 100.000 người ngay sát cạnh bệnh viện, với mật độ dân cư cao, điều kiện vệ sinh, y tế, cơ sở vật chất thiếu thốn, người dân thiếu ăn thiếu nước sạch khiến tập thể bệnh viện rất trăn trở.
Tại Bentiu, bệnh viện đã cử đại diện tham mưu cho các đơn vị bạn, tham mưu cho chỉ huy phân khu Unity (nơi bệnh viện đóng quân) để xây dựng kế hoạch phòng chống virus tại các đơn vị, tổ chức khu cách ly, áp dụng các biện pháp: rửa tay thường xuyên, hạn chế đi lại, giãn cách...
Ngoài việc sẵn sàng đối phó với dịch bệnh COVID-19, tập thể 63 cán bộ nhân viên (trong đó có chưa đến 40 cán bộ nhân viên y tế) vẫn đảm nhiệm rất nhiều công việc khác như trực gác 24/7, giữ an toàn cho đơn vị, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho gần 2.000 nhân viên LHQ ở Bentiu.
Bệnh viện đã chuẩn bị và mang từ Việt Nam sang một cơ số thuốc men và các trang thiết bị để sẵn sàng sử dụng khi có dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, theo trung tá Hiển, bệnh viện xác định sẽ phải cân đối để sử dụng tiết kiệm trong một thời gian trước khi nhận được nguồn cung cấp bổ sung từ Việt Nam.
Gần 200.000 người tị nạn nội chiến
Cập nhật đến ngày 26-3 của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ cho thấy các khu bảo vệ thường dân ở Nam Sudan có tổng cộng 187.942 người tị nạn nội chiến. Riêng ở Bentiu, khu bảo vệ thường dân lớn nhất Nam Sudan có 115.479 người.
Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Người tị nạn quốc tế và các tổ chức nhân đạo quốc tế khác đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng người tị nạn. Họ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh nhưng cũng ít có khả năng chống chọi với căn bệnh này.
Tại các trại tị nạn ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông, điều kiện sống chật chội, thiếu dịch vụ y tế và vệ sinh cơ bản, thiếu nước sạch và xà phòng nên việc rửa tay thường xuyên cũng là điều không khả thi.
Tổng thư ký LHQ Antonia Guterres đã kêu gọi các nước hỗ trợ 2 tỉ USD để chống lại đại dịch Covid-19 và ngăn chặn tác động của dịch bệnh đối với người tị nạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận