30/03/2019 10:13 GMT+7

Bác sĩ về huyện nghèo, bệnh nhi hạn chế 'ở 7 ngày, uống kháng sinh'

L.ANH
L.ANH

TTO - Từ ngày có bác sĩ trẻ tình nguyện, bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Ba Bể không còn nhất thiết phải uống kháng sinh, điều trị ở bệnh viện 7 ngày như trước. Đã có hơn 300 bác sĩ như vậy tình nguyện đến nhiều vùng miền khó khăn trong cả nước.

Bác sĩ về huyện nghèo, bệnh nhi hạn chế ở 7 ngày, uống kháng sinh - Ảnh 1.

Bác sĩ Tuấn khám cho bệnh nhi ở Trung tâm Y tế huyện Ba Bể, Bắc Kạn. Đã có hơn 300 bác sĩ tình nguyện đi làm việc ở vùng sâu trong hai năm qua - Ảnh: L.ANH

Thấy con trai 5 tuổi bị sốt cao, chị Triệu Thị Quan ở xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn đưa con đến Trạm y tế xã, bác sĩ ở đó nói chị chuyển con lên huyện. Tại đây, con chị đỡ sốt, chỉ còn hơi đau bụng. Cháu ăn lại được khiến chị thấy yên tâm.

Bác sĩ điều trị cho con chị Quan là Phạm Văn Tuấn, bác sĩ của Bệnh viện nhi T.Ư đang tham gia dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu vùng xa. Tuấn đã ở Ba Bể được một năm rưỡi và theo chương trình, anh sẽ ở đây 3 năm.

Ở tỉnh Bắc Kạn này, Tuấn là một trong hai bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia chương trình. Hồi anh mới lên, Trung tâm Y tế huyện Ba Bể chưa có bác sĩ nhi, khoa nội và nhi là khoa chung. Giờ thì ở đây có khoa nhi riêng, ngoài bác sĩ Tuấn có thêm hai bác sĩ trẻ mới về, đang được đào tạo thêm về nhi khoa.

"Trước đây bệnh nhi vào viện cứ thấy sốt là được chẩn đoán viêm họng, được tiêm kháng sinh, đúng 7 ngày là ra viện. Hồi tôi mới lên, có cháu khỏi bệnh rồi nhưng gia đình thấy chưa nằm viện đủ 7 ngày là chưa ra vì quen thói quen cũ. Giờ thì các bác sĩ đã có thói quen hội chẩn khi thấy ca khó. Các trường hợp bệnh khó được chuyển viện hợp lý, và một năm rưỡi nay không có bệnh nhi nào tử vong tại viện" - bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Một năm rưỡi tham gia một chương trình tình nguyện nguyện, bác sĩ Tuấn và các đồng nghiệp ở Ba Bể đã thực hiện nhiều kỹ thuật y khoa mới tại tuyến huyện để cấp cứu trẻ sơ sinh, điều trị trẻ vàng da, cho trẻ thở máy thở khi cần.... Họ cũng tham gia bình bệnh án, sinh hoạt chuyên môn theo tiêu chí "nhận định đúng, đánh giá đúng và chuyển tuyến đúng".

Theo ông Phạm Văn Tác, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, giám đốc dự án bác sĩ trẻ tình nguyện, nhờ có các bác sĩ tình nguyện, rất nhiều ca bệnh khó đã được xử trí kịp thời. Nếu không, do đường sá đi lại khó khăn, nhiều người bệnh không thể kịp chuyển lên tuyến trên.

"Nhờ có bác sĩ trẻ tình nguyện, ở Pác Nặm, Bắc Kạn đã nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, chỉ nặng xấp xỉ 1kg. Từ Pác Nặm sang Ba Bể chỉ hơn 30km nhưng đi mất 1 giờ đồng hồ. Nếu không có bác sĩ tại chỗ sẽ rất khó"- ông Tác cho biết.

Theo ông, trong hơn hai năm thực hiện dự án, đã có trên 300 bác sĩ trẻ tình nguyện đến làm việc ở các huyện nghèo nhất nước. Rất nhiều huyện nghèo mới thực hiện được mổ đẻ, và các kỹ thuật y khoa mới từ khi có bác sĩ tình nguyện.

Theo ông Tác, các bác sĩ đầu tiên tham gia dự án sẽ tình nguyện làm việc thêm tại huyện nghèo trong 6 tháng, sau khi hết chương trình (2 năm với bác sĩ nữ và 3 năm với bác sĩ nam), trước khi quay lại bệnh viện họ đang công tác.

Trong lúc đó, bệnh viện huyện nghèo sẽ đào tạo bác sĩ để thay thế vị trí của bác sĩ tình nguyện. Như Trung tâm Y tế huyện Ba Bể hiện có 4 bác sĩ đang đi học, 2 bác sĩ đang theo học về nhi khoa với bác sĩ Tuấn.

Niềm vui từ mỗi chuyến tình nguyện của chàng dược sĩ

TTO - Được gọi tên trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu VN 2018, là một trong hai gương mặt trẻ tuổi nhất, chàng dược sĩ nói vui một chút, tự hào một chút rồi lại quay về với giảng dạy, nghiên cứu và không quên vai trò thủ lĩnh thanh niên của trường.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên