Nhưng nếu không đề xuất, cứ để như vậy, mức phụ cấp hiện hành (áp dụng từ năm 2011) sau rất nhiều nhiều lần tăng lương cơ sở rồi trượt giá hằng năm, đã trở nên khó tin.
Nhìn vào bảng, phụ cấp ca mổ loại đặc biệt cho bác sĩ mổ chính, người gây mê/tê chính mới được 280.000 đồng, ca mổ loại 1 phụ cấp này giảm xuống còn 125.000 đồng và loại 3 phụ cấp chỉ còn 50.000 đồng.
Với phụ cấp trực, chế độ thường trực 24/24 giờ ở bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt mới có phụ cấp 115.000 đồng, bệnh viện hạng 2 mức này giảm còn 90.000 đồng. Các bệnh viện còn lại phụ cấp còn 60.000 đồng/đêm trực, ở trạm y tế xã giảm còn 25.000 đồng.
Một bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội chia sẻ các bác sĩ nữ ở khoa anh đã ra làm bệnh viện tư hết, chỉ còn các bác sĩ nam vì bệnh viện này trực 4/1, tức cứ 4 ngày lại có 1 ngày trực đêm, mà trực đêm ở đây là trực cấp cứu, bận rộn cả đêm, mệt đến hết ngày hôm sau trong khi phụ cấp chỉ 115.000 đồng.
Rất nhiều người thấy bất hợp lý về phụ cấp này, nhưng đã 13 năm nó cứ đứng yên một chỗ. Giờ đây khi lương cơ sở vừa tăng, y bác sĩ được tăng lương thêm một chút thì tin vui lại tới, phụ cấp trực cũng sắp tăng.
Tuy nhiên với các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên, tiền đâu để trả phần tăng thêm này lại đang rất vướng. Từ ngày 1-7 lương cơ sở tăng 30% nhưng viện phí vẫn giữ như cũ, một bệnh viện có 4.000 y bác sĩ cho biết họ đã phải chi thêm 12 tỉ đồng riêng trong tháng 7 vừa rồi cho việc tăng lương. Tháng 8 lại thêm 12 tỉ đồng, cứ như thế mà nguồn thu không tăng.
Chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam như thế nào? Người nào cũng thấy bệnh viện quá đông, ít điều dưỡng chăm sóc, bác sĩ điều trị nhiều kinh nghiệm nhưng nhiều giường nằm ghép, khám thì phải xếp hàng lâu.
Muốn giải quyết ổn thỏa vấn đề này thì phải cải cách thu nhập, hỗ trợ bệnh viện công trong đầu tư ban đầu... Vì thế, đề xuất tăng phụ cấp cho thầy thuốc được quan tâm, nhưng khi nào tăng và tiền đâu để tăng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận