15/01/2019 11:34 GMT+7

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao

HÀ THANH - MINH PHƯỢNG
HÀ THANH - MINH PHƯỢNG

TTO - Được đào tạo bài bản, ra trường với cơ hội rộng mở, nhưng họ - những bác sĩ trẻ ấy đã bỏ lại sau lưng nhiều cám dỗ cũng như sự phản đối kịch liệt của gia đình, xung phong lên vùng khó khăn ở tuyến huyện miền núi để khám, chữa bệnh cho bà con.

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao - Ảnh 1.

Các bác sĩ hướng dẫn thủ tục cho người nhà bệnh nhân trước khi vào phòng mổ - Ảnh: HÀ THANH

Bác sĩ Loan khám cho con mình nhiệt tình, nói nhẹ lắm. Đi viện sợ nhất là bác sĩ nặng lời vì nhiều cái mình không rành phải hỏi tới hỏi lui.

Chị LÝ THỊ CHỨ (dân tộc Mông)

Chiều chủ nhật, kíp trực tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) vẫn căng mình. Giáp tết, tiết trời buốt giá, bệnh nhi đến bệnh viện đông hơn. Tiếng trẻ con khóc ré. Một bóng áo trắng ân cần: “Em ngoan, ngoan rồi về với mẹ nha...”.

Áo trắng ấy là bác sĩ Trần Thị Loan (30 tuổi, khoa nhi), dáng người nhỏ nhắn nhưng năng lượng tràn đầy. Cô luôn dỗ trẻ, ân cần dặn dò phụ huynh cách dùng thuốc, ân cần với nụ cười trên môi.

Bác sĩ Loan là một trong số rất nhiều được đào tạo chuyên môn bài bản (chuyên khoa I), ra trường với cơ hội rộng mở nhưng xung phong lên vùng khó khăn ở tuyến huyện miền núi để khám, chữa bệnh cho bà con.

Đến đây là cái duyên

Nụ cười của bác sĩ Loan tạo sự an tâm cho bệnh nhân. Chị Lý Thị Chứ (23 tuổi, dân tộc Mông) nói: "Bác sĩ Loan khám cho con mình nhiệt tình, nói nhẹ lắm. Đi viện sợ nhất là bác sĩ nặng lời vì nhiều cái mình không rành phải hỏi tới hỏi lui".

Trong vòng tay chị Chứ, cậu con trai Mùa Tinh Ca đang ngủ ngon lành.

Tháng 8-2017, Trần Thị Loan và Cao Thị Hồng Yến (29 tuổi) là hai nữ bác sĩ đầu tiên xung phong về khám chữa bệnh ở vùng khó khăn theo dự án thí điểm đưa về công tác tại vùng khó khăn (dự án 585) của Bộ Y tế. Cả hai được phân về Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương.

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao - Ảnh 3.

Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà - Ảnh: HÀ THANH

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao - Ảnh 4.

Những khoảnh khắc yên bình trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương - Ảnh: HÀ THANH

Nhớ lại những ngày đầu theo chân dự án với chồng chất khó khăn, có lúc bác sĩ Loan tự hỏi sao mình chọn dự án này. Nhưng suy nghĩ ấy thoáng qua rất mau, chị nói cái duyên đã gắn chị với vùng đất, con người nơi đây.

Ngày còn là sinh viên, Loan thường đi tình nguyện, đi khám bệnh, cấp phát thuốc cho bà con ở vùng biên giới. Những lần ấy, cô hiểu bà con rất vất vả, nhất là điều kiện chăm sóc y tế còn hạn chế.

Năm 2013 ra trường, với tuổi trẻ nhiệt thành, chị đăng ký ngay vào dự án, qua nhiều thủ tục và năm 2017 được về Mường Khương.

Ban đầu tham gia dự án, cô bác sĩ trẻ nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ đồng nghiệp cũng như sự phản đối kịch liệt của gia đình, nhất là lúc chị vừa được Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng ký hợp đồng.

"Sau 9 tháng định hướng và bước vào dự án lên vùng khó, tôi tiếp tục học chuyên khoa I trong hai năm. Học y mất 6 năm, ra trường đã 24 tuổi. Sau đó lại tiếp tục đi học và còn về vùng khó khăn công tác, gia đình tôi phản đối rất nhiều.

May mắn tôi được anh trai và người yêu (chồng chị Loan hiện nay - PV) ủng hộ. Đó cũng là động lực để tôi đến Mường Khương" - Loan nhớ lại.

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao - Ảnh 5.

Nụ cười luôn thường trực trên môi bác sĩ Trần Thị Loan - Ảnh: HÀ THANH

Tự nhận mình là người "vô tư vô lo" nhưng nữ bác sĩ Trần Thị Loan thừa nhận: làm việc ở vùng khó khăn đúng là... khó khăn thật! Chị và đồng nghiệp luôn căng mình với những ca trực 24 giờ, không kể cuối tuần hay ngày lễ.

Áp lực nhất, bất lực nhất là khi không đủ máy móc để điều trị. Những lúc ấy, chị phải linh hoạt để xử lý tình huống.

Gần hai năm ở đây, bác sĩ gặp không biết bao nhiêu là ca bệnh khó. Khó nhất là bà con không biết nói tiếng Kinh và quan điểm về trị bệnh cũng khác. Vì thế, chị phải từ từ giải thích cho bà con hiểu, "phải gần gũi bà con, dần dần bà con sẽ tin tưởng và nghe theo cách điều trị của mình".

Đến tháng 7-2019, chị Loan sẽ kết thúc công tác ở đây.

Trước khi rời xa vùng đất này, chị trăn trở mong góp chút gì nhỏ nhoi cho bà con nơi này, và chị đã tham vấn cho Bệnh viện Nhi trung ương hợp tác với Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương hỗ trợ đào tạo nhân lực ngay tại chỗ cũng như hỗ trợ trang thiết bị, từng bước giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao - Ảnh 6.

Bóng dáng nữ bác sĩ Trần Thị Loan nhỏ thó ở bệnh viện, nhưng chị nói nhỏ là một lợi thế gây thiện cảm cho bà con - Ảnh: HÀ THANH

Tình nguyện vì tuyến dưới

Chúng tôi gặp bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (30 tuổi, khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) vào trưa thứ hai, lúc đó anh đã thức trắng hai đêm liền với các ca trực, mổ kéo dài từ suốt đêm thứ bảy đến giờ này.

Bác sĩ Quyết là một trong số những bác sĩ đầu tiên xung phong tham gia dự án thí điểm về vùng khó chữa bệnh. Nếu các bác sĩ nữ như chị Loan gắn bó hai năm thì những bác sĩ nam như anh Quyết sẽ có ba năm gắn với rẻo cao này.

Nhớ lại động lực đưa mình đến Bắc Hà, chàng bác sĩ có gương mặt điển trai này tâm sự: "Trước khi lên đây công tác, tôi đã từng đi xe máy từ Hà Nội lên Bắc Hà khám phá đời sống bà con.

Vẫn biết tuyến dưới có nhiều khó khăn, một bác sĩ phải đảm đương một lúc nhiều chuyên khoa, tôi thấy khâm phục họ và muốn đi về các bệnh viện tuyến dưới đóng góp sức trẻ của mình, cùng chăm sóc sức khỏe cho bà con".

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao - Ảnh 7.

Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (phải) là người mổ chính của nhiều ca mổ ở bệnh viện - Ảnh: HÀ THANH

Về đây rồi, bệnh viện thiếu nhân lực, có khoa chỉ có một bác sĩ, trang thiết bị còn hạn chế, bác sĩ Quyết cố gắng giải quyết hết mức tại bệnh viện, trường hợp khó sẽ xin ý kiến hội chẩn từ tuyến trên nhưng chủ yếu qua... điện thoại.

Anh không thuê trọ mà ở luôn tại bệnh viện để hỗ trợ kịp thời cho các bác sĩ khác khi có ca cấp cứu nặng.

Chủ nhật mổ liền 4 ca, cấp trên nhắn tin cho bác sĩ Quyết ngủ bù ngày thứ hai nhưng bệnh viện thiếu người, anh vẫn đi làm. Ngay chiều thứ hai ấy, anh lại huy động các bác sĩ khác mổ ca apxe ruột thừa. Chàng bác sĩ trẻ cứ miệt mài không biết mệt mỏi như thế.

Nhắc đến bác sĩ Quyết, bác sĩ Nguyễn Như Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà - nhận xét:

"Bệnh viện chỉ có 2 bác sĩ phẫu thuật chính vừa làm công tác quản lý vừa làm chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ trẻ Quyết rất nhiệt tình, chuyên môn được đào tạo bài bản, vững, bệnh viện được hưởng lợi rất nhiều và nhờ đó giảm được quá tải ở tuyến trên".

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao - Ảnh 8.

Bác sĩ Quyết hướng dẫn thủ tục cho người nhà bệnh nhân trước khi vào phòng mổ - Ảnh: HÀ THANH

"Cháu thương bác sĩ Quyết nhất"

bac si quyet-3

Bác sĩ phải vào phòng mổ, ở phía ngoài cậu bé Cường liên tục hỏi thăm bác sĩ Quyết đẹp trai đi đâu mất rồi - Ảnh: HÀ THANH

Khi bác sĩ Quyết đang bận rộn với ca mổ, ngoài hành lang có một cậu bé gầy nhom ngồi bơ vơ trên băng ghế. Cậu chốc chốc lại hỏi: "Bác sĩ Quyết đâu rồi? Bác sĩ Quyết đi đâu lâu thế? Cháu phải đi tìm bác sĩ Quyết thôi. Cháu thương bác sĩ Quyết nhất...".

Cậu bé là Lý Huy Cường (9 tuổi, người dân tộc Phù Lá), nhập viện vì bị trâu húc, đứt niệu đạo nhưng ở bệnh viện không đủ thiết bị để làm phẫu thuật này, các bác sĩ đề nghị chuyển lên tuyến tỉnh.

Bố mất, mẹ lấy chú làm chồng, người chú không mặn mà cứu chữa cho em. Thương cậu bé, bác sĩ Quyết huy động bệnh viện quyên góp tiền, hỗ trợ xe chuyển em lên bệnh viện tỉnh.

Mổ xong 4 ngày thì Cường lại về đây, được các bác sĩ mua cơm, mua cho quần áo mới...

28 bác sĩ trẻ về vùng khó khăn

bac si loan-5

Các bác sĩ luôn căng mình với ca trực, không kể ngày nghỉ hay ngày cuối tuần luôn thăm khám cho bệnh nhi mỗi khi cần - Ảnh: HÀ THANH

Dự án thí điểm "Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" của Bộ Y tế triển khai vào tháng 2-2013, hướng tới mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

Theo đó, tới năm 2020 ngành y tế sẽ đưa hơn 300 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo.

Hiện tại dự án đã đưa 3 đợt bác sĩ về vùng khó khăn với số lượng 28 bác sĩ.

Trong đó, ngày 18-12-2018, 14 bác sĩ tốt nghiệp khóa thứ 3 đã về công tác tại các huyện khó khăn thuộc các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Nghệ An.

HÀ THANH - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên