Đón bệnh nhân - Ảnh: Tác giả cung cấp
Đêm 3-7 tôi nhận được tin nhắn từ một người anh vẫn còn đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung. Anh gửi cho tôi bức ảnh chụp thư viết tay của một cô gái vừa hoàn thành cách ly.
Đọc từng chữ trong bức thư ấy mà cảm xúc lại trào dâng, vội ngồi dậy ghi lại những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn mà tôi cùng các anh chị đồng nghiệp đã trải qua, để sau này khi có ai hỏi đến, chúng tôi sẽ kể lại với sự trân trọng, tự hào và lòng biết ơn sâu sắc dành cho các y bác sĩ, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, an ninh, các bạn tình nguyện viên… những người đã cùng cả nước chống dịch COVID-19.
Từ lúc nhận được tin, tôi vội vàng bàn giao công tác khám, chữa bệnh tại khoa, chạy xe máy về nhà xếp vội vài bộ đồ cá nhân để đúng 2 tiếng sau đó tập trung tại bệnh viện di chuyển đến Trung tâm cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 tại khu B ký túc xá ĐHQG TP.HCM.
Trước mặt chúng tôi là nhiều tòa nhà cao vút, không khí yên ả lạ thường, nhưng nào ngờ đâu đó là bình yên trước một cơn sóng dữ. Ngay trong đêm hôm đó đã phải triển khai ngay hoạt động tiếp nhận người cách ly tại các trung tâm y tế. Và cuộc đời "chinh chiến" bắt đầu từ đó...
Điều trị cho bệnh nhân - Ảnh do tác giả gửi
Có lăn lộn trong thực tế mới hiểu được cảm giác mỗi sáng thức dậy luôn phải trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu", mỗi ngày là một cuộc chiến căng thẳng vô cùng, tình huống nào cũng có thể xảy ra.
Công việc hằng ngày của chúng tôi là tiếp nhận và bố trí phòng cho người cách ly, theo dõi tình trạng sức khỏe 2 lần/ngày, liên hệ và chuyển viện người có kết quả xét nghiệm dương tính từ khu cách ly tập trung sang các bệnh viện điều trị COVID-19.
Nhưng đâu chỉ là thế, có những lúc mới 5h30, nhận tin một người cách ly khó thở nặng, một đội ngũ nhân viên y tế thuộc nhiều đơn vị từ những tòa nhà khác nhau ngay lập tức chạy bộ và cùng nhau có mặt tại phòng bệnh trong bộ đồ phòng hộ cá nhân.
Cả êkip chẩn đoán, xử trí cấp cứu và thở phào nhẹ nhõm khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Hay lúc 2h sáng, một chị mang thai 36 tuần 5 ngày có dấu hiệu sinh, lúc đó vội vàng liên hệ nhờ anh em là bác sĩ sản khoa có mặt tại khu cách ly nhận định tình hình, huy động mọi nguồn lực tại chỗ, liên hệ nơi tiếp nhận để chuyển sản phụ đến bệnh viện an toàn.
Rồi có những tình huống dở khóc dở cười. Một gia đình ba người chung phòng cách ly, bố và mẹ phát hiện dương tính, đứa bé chỉ mới vài tuổi có kết quả âm tính. Lúc đó chúng tôi phải tính toán phương án hài hòa nhất để vừa có người chăm sóc cho bé, vừa chuyển bố mẹ đến bệnh viện điều trị.
Dù có vậy, tôi vẫn luôn tin rằng mọi người sẽ vượt qua để một ngày không xa trả lại công năng vốn có của khu B ký túc xá ĐHQG TP.HCM, đó là đón nhận sinh viên từ các nơi trở về TP.HCM tiếp tục học tập, sinh hoạt.
Ảnh tác giả cung cấp
Trở về bệnh viện sau 22 ngày công tác tại nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19, cảm giác cứ bồn chồn không yên, lòng như lửa đốt vì ở nơi đó những người anh, người chị, những người bạn, người em đang từng giây, từng phút gồng mình chiến đấu.
Và rồi cũng chính từ nơi đây, tôi đã được lớn lên, trưởng thành và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, sự tin tưởng, tình cảm thương yêu của mọi người. Một êkip làm việc khoa học, một đội ngũ những con người sống chết vì lý tưởng, vì sức khỏe của người dân.
Tự hứa với lòng dù ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng sẽ nỗ lực "chia lửa" cùng các anh em tại những "trận địa" vô cùng đặc biệt đó.
Các bác sĩ sẵn sàng lên đường - Ảnh tác giả cung cấp
Đôi khi tự hỏi mình quyết định đi là đúng hay sai, nhưng hôm nay khi có chút thời gian nghĩ về những gì mình đã trải qua mới nhận ra rằng: không bao giờ hối hận vì đã đến nơi này.
Mượn lời kết của bức thư mà người anh đã gửi để nói về cảm xúc trong lòng hiện nay: "Sài Gòn đang bệnh mà, rồi sẽ khỏe ngay thôi…". Hãy cố gắng các đồng chí của tôi, dù ở nơi nào, bất kỳ vị trí công tác nào cũng sẽ mãi tự hào về các bạn.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận