27/04/2021 15:57 GMT+7

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - một nhân sĩ tài hoa đi mút mùa với cách mạng

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Buổi ra mắt tập truyện ký 'Trần Hữu Nghiệp - đời là kẻ sĩ' tại Hội Nhà văn TP.HCM sáng 27-4 đánh dấu một tác phẩm viết xuyên suốt chân dung cuộc đời một trí thức Nam Bộ đi theo cách mạng ngay từ buổi đầu.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - một nhân sĩ tài hoa đi mút mùa với cách mạng - Ảnh 1.

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm (bìa phải) chia sẻ về quá trình thực hiện tập truyện ký - Ảnh: L.ĐIỀN

Đây cũng là tin vui tiếp theo khi tháng 3 vừa qua, chính quyền TP.HCM quyết định đặt tên đường Trần Hữu Nghiệp tại Bình Chánh, nơi có Bệnh viện Nhi đồng thành phố và đường dẫn lên cao tốc về miền Tây - quê hương của ông.

Từ phía gia đình, bà Trần Kiều Lan cho biết sau thời gian hợp tác làm việc với nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, bà như được trở lại nhìn tổng thể cuộc đời của cha mình, "càng hiểu ba và thương ba hơn". Bà Kiều Lan tổng kết: "Chưa bao giờ ông nghĩ đến việc ông được gì và mất gì trong cuộc đời".

Độc đáo hơn tất thảy, trường hợp của bác sĩ, nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp là một "ca" đặc biệt khi xuất thân trong gia đình giàu có, trí thức, học trường Tây đến tốt nghiệp bác sĩ, sang Paris tu nghiệp... vậy mà theo tiếng gọi non sông, ông bỏ tất cả cửa nhà, vợ con lại để đi kháng chiến.

Ông đi cật lực, không chỉ ông đi đầu trong các chương trình cứu chữa cho thương bệnh binh từ thời Vệ quốc đoàn và lập trường, mở lớp đào tạo cán bộ y tế, nhìn lại cuộc đời ông với ba lần ra Bắc, ba lần vào Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến, mới thấy cái sự "đi" theo cách mạng của ông dữ dội thế nào.

Đến năm 1954, ông lại tập kết ra Bắc. Vào thời điểm nước sôi lửa bỏng tại Nam Bộ năm 1965, ông trở về Nam, đến năm 1974 lại quay ra Bắc, và đến 1975 trở về Nam đoàn tụ.

Chính vì cuộc đời phong phú và quá nhiều câu chuyện lý thú, nên nhà văn Đỗ Viết Nghiệm thú thật ông đã mất tròn một tháng để nghĩ nhan đề cho quyển sách.

Cuối cùng, ông chọn cách gọi "Trần Hữu Nghiệp - đời là kẻ sĩ", tức nổi trội trong nhân cách con người bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một kẻ sĩ, khí chất ấy theo ông cả một đời, cộng với đặc tính Nam Bộ trong con người ông, làm cho chân dung ông độc đáo, "không thể gọi chung chung là kẻ sĩ Nam Bộ như những trường hợp khác được".

Buổi ra mắt sách có nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - ái nữ của nhà thơ Nguyễn Bính, người từng có mối giao tình với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Bà Hồng Cầu bày tỏ tâm đắc về cách đối đãi nhau của những trí thức thời "các cụ" và trong mắt bà Cầu, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là "một nhân sĩ tài hoa đã đi mút mùa với cách mạng".

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải tiết lộ bà từng "mê tín" bác sĩ Trần Hữu Nghiệp từ thời bà còn là nhà báo trẻ, "trong nhà tôi luôn có quyển Cẩm nang chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc, một báu vật không thể thiếu trong những gia đình thời khốn khó bấy giờ".

Bà Hải đồng cảm với khối lượng công việc mà nhà văn Đỗ Viết Nghiệm phải làm để hoàn thành tác phẩm. Đọc quyển sách này, thấy quả thật đây chính là lời thề Hippocrates của người Việt Nam trong kháng chiến.

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm cho biết ông dựa vào 3 nguồn tài liệu để hoàn thành tập sách: lời kể và tư liệu từ những học trò của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tư liệu từ gia đình, và chính các tác phẩm của Trần Hữu Nghiệp.

"Nổi bật lên ở ông là nhân cách rất cao cả, tấm lòng trong sáng, chất kẻ sĩ là vậy, với cốt cách Nam Bộ phóng khoáng, cởi mở... Có lần chính vì vậy mà ông suýt bị kỷ luật (trong chuyến đi với bác Tôn tình cờ gặp người bạn Nga ở Moscow)", nhà văn Đỗ Viết Nghiệm chia sẻ.

Có thể sẽ còn nhiều trang viết tiếp tục nói về chất Nam Bộ trong con người bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, cũng như sẽ có dịp để các nhà nghệ thuật khai thác cuộc đời ông ở nhiều loại hình tác phẩm khác như nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - hình dung.

Nhưng vắn tắt có thể hình dung qua mẩu chuyện do chính nhà thơ Lê Giang kể về lễ kết nạp Đảng của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, khi cô Lê Giang vì sợ ông xúc động khi lên đọc lời thề sẽ không đúng trọng tâm, nên đề nghị: "Em soạn cho anh Chín sẵn mấy dòng lời thề nhé", ông gạt phắt và đáp: "Không cần, tao tự thề!".

Và cô Lê Giang nói thêm về "sự kiện" ấy: Người nghe cảm giác lời thề của Trần Hữu Nghiệp đâu chỉ có nói cho bản thân mình, ông đang nói hộ thêm cho bao nhiêu người khác nữa, rất thiêng liêng và tràn đầy hạnh phúc.

Lần đầu tiên tổ chức hội thảo cấp Bộ Quốc phòng về Lần đầu tiên tổ chức hội thảo cấp Bộ Quốc phòng về 'Nam Bộ kháng chiến'

TTO - Diễn ra cách đây 3/4 thế kỷ, sự kiện Nam Bộ kháng chiến là trang sử oanh liệt tiêu biểu cho tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm, giữ vững nền độc lập của dân tộc ta.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên