Ảnh: THANH ĐẠM
Mới đây, ông lại cho ra mắt tập sách Chuyện tình cuối mùa đông (NXB Thanh Niên) tuyển những bài viết đã đăng báo, chủ yếu là báo Tuổi Trẻ, đáng chú ý là các bài Ba giờ trong phòng cấp cứu, Thu vàng Bắc Kinh...
Tập sách tập hợp nhiều bài thuộc thể loại tùy bút, tuy nhiên cũng có tác phẩm giống như một truyện ngắn như "Bên kia dốc núi", kể về nhân vật Hoàng, có bóng dáng tác giả, trở về Đà Lạt, nơi mà mấy chục năm về trước chàng sinh viên Trường Y mới tốt nghiệp, nghèo đói, bệnh tật, chưa có việc làm...
Quá khứ, hiện tại, tương lai được kể đan xen vào nhau với nhiều tuyến nhân vật. Hay như "Cô đơn xuống phố" cũng mang không khí truyện.
Nhưng phần lớn bài viết trong tập là những tâm sự về thế thái nhân tình. Có khi mượn hình ảnh của bạn mình về chuyện tình yêu, vượt lên chuyện tình yêu và hôn nhân là triết lý cuộc sống.
Tôi đồng ý với tác giả: "Triết lý của chúng ta hiện nay đang áp dụng cho mọi con người, mọi thể chế xã hội, mọi sắc tộc, tốt nhất là "Chấp nhận sự chưa hoàn thiện để đạt tới sự hoàn thiện" (Sám hối)".
Có khá nhiều bài viết của TS Nguyễn Hoài Nam viết về những ngày tác giả là bác sĩ ở bệnh viện, trực tiếp khám chữa bệnh và mổ xẻ cứu người. Những bài như: "Nhật ký một ngày của bác sĩ" viết về đêm 30, sáng mùng 1 Tết.
Trong những giờ khắc thiêng liêng đó, bác sĩ đã phải khám và chữa bệnh cho bao nhiêu người, không phải khai bút mà "khai đao" "trên da thịt của bệnh nhân".
Bài "Ba giờ trong phòng cấp cứu" hay "Ngày Tết ở bệnh viện"... là những ghi chép về sự vất vả, cực nhọc, lo lắng của người bác sĩ, mà nếu người trong cuộc không viết ra có lẽ chúng ta không thể nào hình dung được.
Tuy thế, bác sĩ vẫn yêu nghề, thậm chí những ngày đi công tác xa lại nhớ, lại thèm cái không khí bận rộn, vất vả, kể cả hơi người của bệnh nhân.
Với người đọc, Chuyện tình cuối mùa đông vì vậy có giá trị phản ánh khi mô tả sự thật nhiều chiều của đội ngũ y bác sĩ hôm nay, lại vừa có giá trị văn chương tươi mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận