TTO - Tuy còn khiêm tốn so với các nước, nhưng ngày càng nhiều bệnh viện ở Việt Nam, kể cả bệnh viện tuyến tỉnh sử dụng nguồn vốn xã hội hóa trang bị các loại thế hệ mới, hiện đại để cứu sống người bệnh.


Phẫu thuật bằng robot tại bệnh viện Chợ Rẫy - Clip TVO

Sự kiện Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vừa trình làng "con" robot mang tên Modus V Synaptive thế hệ II với một ca mổ u não thành công đã làm giới y khoa không khỏi bất ngờ.

"Con" robot này có trị giá đến 54 tỉ đồng, được "rước" về Việt Nam với thời gian nhanh kỷ lục chỉ sau một năm sản xuất tại Canada.

Với sự kiện này, Bệnh viện Nhân dân 115 chính thức ghi tên mình là đơn vị đầu tiên của Việt Nam, đồng thời của châu Á ứng dụng loại robot này trong phẫu thuật thần kinh.

Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 2.

TS.BS Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết hiện nay đơn vị có trung tâm thần kinh với khoảng 400 bệnh nhân nội trú, trong đó số bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thần kinh trung bình khoảng 2.350 ca/năm.

Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 3.

Do đó, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại như robot phẫu thuật thần kinh là ưu tiên hàng đầu của bệnh viện.

Để đi đến ca mổ vừa qua là sự ấp ủ nhiều năm của đội ngũ y bác sĩ.

"Chúng tôi đã cử bác sĩ Chu Tấn Sĩ, trưởng khoa ngoại thần kinh, đi đào tạo 2 đợt tại Mỹ vào năm 2017 và Thụy Sĩ năm 2018. Khi robot được lắp đặt tại phòng mổ của bệnh viện, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh tiếp tục được huấn luyện tại chỗ để làm quen với hệ thống hiện đại" - bác sĩ Báu nói.

Trong ngày 15-2, với sự hỗ trợ của GS Amin Kassam - phó chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ), các bác sĩ của bệnh viện gỡ bỏ được sự khó nhọc bấy lâu nay, họ chỉ việc nhìn vào màn hình lớn, sắc nét ngay trước mặt phẫu thuật cho một nữ bệnh nhân ở Tây Ninh chỉ trong 1 giờ 30 phút và không gây tổn thương cấu trúc não kế cận.

"Nhờ có robot, phẫu thuật nhanh hơn rất nhiều so với mổ cổ điển bằng kính vi phẫu (không có robot và định vị) thường kéo dài khoảng 4 tiếng. Thay vì nhìn vào bàn tay, khi phẫu thuật thông qua robot, mọi thao tác đều được thực hiện bằng việc nhìn lên màn hình lớn" - ThS.BS Chu Tấn Sĩ, trưởng khoa ngoại thần kinh (Bệnh viện Nhân dân 115), chia sẻ.

Được "chọn mặt gửi vàng" vận hành hệ thống robot Modus V Synaptive, bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết lợi ích mà robot mang lại rất lớn cho cả người bệnh và bác sĩ.

Ông cho rằng cái lợi đầu tiên là bác sĩ có thêm một phương tiện và khi làm chủ được robot hiện đại này sẽ giúp bác sĩ thêm tự tin thực hiện ca mổ khó cứu sống người bệnh.

"Ngoài độ sáng, nét, chi tiết... rõ hơn rất nhiều để bóc tách khi phẫu thuật ít gây tai biến, robot kèm theo trí tuệ nhân tạo có thể phân biệt được các bó dẫn truyền (cảm giác, ngôn ngữ, thị giác...) của thần kinh ở trong não người bệnh.

Từ đó giải thích, mô tả được triệu chứng tổn thương trước mổ hoặc gợi ý đường vào tốt nhất để tránh gây tổn thương các bó truyền dẫn" - bác sĩ Chu Tấn Sĩ nói.

Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 4.
Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 5.

Phẫu thuật ứng dụng robot được xem là đỉnh cao mới trong lĩnh vực ngoại khoa hiện nay trên thế giới sau kỷ nguyên của phẫu thuật nội soi.

Từ tháng 12-2016, Bệnh viện Bình Dân tiên phong trong ứng dụng robot có tên DaVinci (Hoa Kỳ) vào phẫu thuật điều trị cho người lớn tại Việt Nam - được coi là phụ kiện của ngành y tế nước ta thời điểm đó.

Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 6.

Năm 2002, loại robot này lần đầu tiên được ứng dụng hỗ trợ phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt ghép thận ở Mỹ.

Từ đó đến nay trải qua nhiều đợt cải tiến và hiện nay robot mà Bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, Nhi trung ương... đang dùng thuộc vào loại tiên tiến nhất (thế hệ thứ III), có giá khoảng 70 tỉ đồng.

Tất cả số tiền này, theo một số bệnh viện, xuất phát từ nguồn vốn xã hội hóa và được khấu hao trong quá trình điều trị.

Để vận hành khu phẫu thuật robot, Bệnh viện Bình Dân đã đưa 6 êkip phẫu thuật đi tập huấn và nhận chứng chỉ tại Hàn Quốc về phẫu thuật robot. Đến nay đơn vị đã có tới 10 êkip có thể đảm đương phẫu thuật robot.

Hiện nay, với loại robot này bệnh viện đang áp dụng phẫu thuật cho 14 mặt bệnh ngoại tiết niệu và nhóm ngoại tổng quát, giá cả dao động từ 117 - 131 triệu đồng (tùy vào bệnh lý). Thấp hơn 5 - 7 lần giá cả phẫu thuật ở Singapore (khoảng 600 triệu đồng) và Hoa Kỳ (khoảng 950 triệu đồng).

Bên cạnh đó, người bệnh bị các bệnh lý nang ống mật chủ, tạo hình khúc nối bể thận, niệu quản cho các trường hợp thận ứ nước do hẹp phần nối bể thận niệu quản... khi phẫu thuật robot đều được bệnh viện áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế từ 30 - 40% theo quy định.

Đến nay đã có 585 người bệnh được phẫu thuật điều trị bằng robot.

Đi sau một số đơn vị (cuối tháng 10-2017) nhưng đến nay phẫu thuật nội soi bằng robot DaVinci tại Bệnh viện Chợ Rẫy mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh.

Từ việc phẫu thuật nội soi robot chủ yếu về bệnh lý ung thư, nay bệnh viện đã triển khai hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng phẫu thuật thành công gần 200 ca phẫu thuật robot ở nhiều chuyên khoa như ngoại tiêu hóa, ngoại gan - mật - tụy, ngoại tiết niệu, ngoại lồng ngực.

Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 7.

"Không chỉ làm chủ được công nghệ, các bác sĩ của đơn vị còn hướng dẫn cho một số bệnh viện tuyến dưới kinh nghiệm trong phẫu thuật nội soi bằng robot" - một bác sĩ nói.

Về mức độ tiếp cận của người bệnh với dịch vụ phẫu thuật được cho là "cao cấp" này, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng với chính sách bảo hiểm y tế chưa chi trả như hiện nay thì chỉ có thể phục vụ được bệnh nhân có thu nhập khá, người thu nhập thấp khó tiếp cận bởi chi phí phẫu thuật khá cao.

"Đối với phẫu thuật robot, trước khi mổ đơn vị thường tư vấn và chỉ phẫu thuật khi người bệnh đồng ý với giá cả đưa ra" - đại diện bệnh viện cho biết.

Tương tự, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nói sử dụng robot là xu hướng tất yếu trong việc phát triển công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Trước mắt các trung tâm lớn nên làm vì bệnh nhân đông, còn các trung tâm nhỏ nên tính toán kỹ bài toán kinh tế.

Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 8.
Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 9.
Bác sĩ robot cứu người - Ảnh 10.

HOÀNG LỘC - LAN ANH
TƯỜNG VY
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0