Bác sĩ Chung trao đổi với chị Chẩy về việc đưa hai con đi Hà Nội chữa bệnh và phẫu thuật - Ảnh: PHÀN GIÀO HỌ |
Mới ra đời được một ngày với bao nhiêu sóng gió, hai bé đang chờ đợi thêm những phép mầu từ những người thầy thuốc áo trắng.
Bởi trước đó một ngày, hai bé đã được những người áo trắng như vậy đón ra đời, rồi ra chợ Vị Xuyên đứng 2 giờ đồng hồ xin tiền giúp các bé kịp đi Hà Nội mổ.
Bác sĩ Chung luôn tận tụy với bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo. Mà vùng đất Vị Xuyên này thì rất nhiều người nghèo. Khi khoác chiếc áo blouse trắng tôi nghĩ ai cũng mong muốn làm được điều tốt nhất cho người bệnh như bác sĩ Chung |
Bác sĩ VŨ ĐỨC GIANG (phó giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên) |
“Không chuẩn bị trước”
Sáng 14-7, Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên đón một cặp song sinh con chị Phàn Thị Chẩy, 20 tuổi, người dân tộc Dao, trú ở thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên.
Đây là lần sinh thứ hai của chị Chẩy, chị cũng thấy đau đẻ như lần sinh đầu tiên, nhưng khi mổ bắt con cho chị, các bác sĩ ngỡ ngàng, còn gia đình chị Chẩy hốt hoảng vì thấy hai bé dính liền ở phần bụng, phải đưa ngay vào chăm sóc đặc biệt vì các cháu không thể tự bú được.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, phó giám đốc bệnh viện và cũng là bác sĩ chuyên khoa sản, lần đầu tiên trong đời gặp một ca song sinh dính liền như thế, anh biết cần phải chuyển các cháu đi Hà Nội nhanh chóng.
Nhưng cha mẹ các cháu đều nghèo, lại là người dân tộc thiểu số nên anh không hình dung được cha mẹ các cháu sẽ xuống Hà Nội như thế nào, ăn ở ra sao, khoản tiền chăm sóc các cháu lấy ở đâu ra... Anh Chung hỏi cả gia đình chị Chẩy, cả mẹ ruột và mẹ chồng của chị nhưng không thấy ai nói gì.
Sau khi suy nghĩ mông lung, anh Thiệp, bố hai đứa bé, mới đồng ý đi Hà Nội, nhưng rầu rĩ bảo trong túi chỉ có 200.000 đồng và cho biết thêm nếu để anh về hàng xóm vay mượn thì có thể được 2 triệu đồng. Lúc này, anh Chung cảm thấy lo lắng thật sự.
Bác sĩ Chung cho biết anh đã từng đến xã nơi gia đình chị Chẩy sinh sống, ở đó người dân rất nghèo. Nếu vay được 2 triệu đồng thì đi Hà Nội chỉ tiêu được mấy ngày mà hai đứa nhỏ song sinh thì chắc chắn phải chữa bệnh lâu dài.
Thế là anh nhớ đến cách quyên tiền từ thiện mà các Facebooker thường làm trên mạng là cầm thùng đến xin nơi đông người.
“Tôi mặc nguyên áo blouse ra chợ Vị Xuyên đứng xin trong vòng 2 giờ đồng hồ, từ 10g-12g trưa. Sở dĩ mặc áo blouse vì tôi ngại nếu mình mặc quần áo bình thường thì người ta không tin, mặc dù huyện tôi rất nhỏ, bà con gần như biết hết mặt tôi.
Tôi cũng chụp ảnh các cháu rồi ra nhờ cửa hàng photo in ra để bà con biết được tình trạng các cháu mà giúp đỡ. Giờ nghĩ lại thì thấy đây là việc làm hoàn toàn không có chuẩn bị trước, vì hai đứa bé mà tôi làm thôi” - bác sĩ Chung nói.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, phó giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên (Hà Giang), đã ra giữa chợ vận động hỗ trợ phẫu thuật cho hai bé song sinh dính liền nhau - Ảnh: NGUYỄN THỊ MAI |
Trong vòng 2 giờ đứng xin tiền ở chợ, bác sĩ Chung đã kiếm được 7.470.000 đồng, số tiền chỉ tương đương một bữa liên hoan vừa vừa ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhưng là khoản tiền khổng lồ đối với vợ chồng chị Phàn Thị Chẩy.
Đó cũng là tấm lòng của những người đi chợ, của những tiểu thương ở một chợ huyện miền núi nghèo tiếp sức cho một bác sĩ giàu tình thương yêu và một gia đình trẻ lúc nguy nan.
Số tiền ấy đã được trao cho vợ chồng chị Chẩy, để anh chị có thể đưa hai con lên đường về Bệnh viện Việt Đức ngay buổi chiều cùng ngày.
Hai bé dính liền nhau hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội - Ảnh: THÚY ANH |
Tấm lòng nối tiếp tấm lòng
Trong hơn một ngày qua, thật khó có thể nói hết đã có bao nhiêu tấm lòng muốn hỗ trợ cho hai bé con chị Chẩy.
Từ bảng giấy đặt giữa chợ, bác sĩ Chung cũng đưa câu chuyện của chị lên mạng xã hội và cuối cùng số người tiếp sức đông lên, bệnh viện đã cử một cán bộ đứng ra ghi chép những khoản tiền mà cán bộ y bác sĩ bệnh viện này, của bạn bè bác sĩ Chung và những người muốn tiếp sức cho hai bé sơ sinh đáng thương.
Khoản hỗ trợ ấy vẫn đang được tiếp tục thống kê, đến chiều 15-7 là 40 triệu đồng, các y bác sĩ cũng đã giúp chị Chẩy có riêng một tài khoản ngân hàng đầu tiên trong đời, để chị có thể tự nhận được những tấm lòng của các nhà hảo tâm.
Cũng trong buổi chiều 15-7, sau khi biết được câu chuyện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tặng bằng khen cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, đồng thời yêu cầu Bệnh viện Việt Đức tạo mọi điều kiện tốt nhất chăm sóc cho hai cháu bé. Khi biết điều này, bác sĩ Chung cứ nói anh rất ngại, việc anh đã làm là rất nhỏ, thậm chí không đáng gì.
Tôi không dám hỏi mức lương của bác sĩ Chung và các đồng sự của anh, vì tôi biết ở một bệnh viện huyện nghèo, nơi vẫn đang dùng máy siêu âm đen trắng và còn nhiều trang thiết bị y tế thô sơ, các anh đã cố gắng rất nhiều để có thể làm tốt chức trách của người làm nghề chữa bệnh.
Lan tỏa trên Facebook * Bác sĩ Chung và đồng nghiệp mang panô xuống chợ, lấy tên tuổi và uy tín cá nhân của mình để kêu gọi lòng thiện xã hội trợ giúp con người. Đất đai Vị Xuyên không giàu, bà con Vị Xuyên nghèo nhưng gom lại cho anh được gần 7,5 triệu đồng. Rồi sự việc loan truyền, cho đến chiều tối, từ ngọn lửa tấm lòng của những người thầy thuốc, xã hội xung quanh đã xúm vô để góp thành số tiền 40 triệu đồng cho người bố đưa hai con xuống Hà Nội để mưu cầu cho chúng những cuộc đời độc lập. Những đứa trẻ tưởng chừng không may mắn ấy lại trở nên may mắn nhờ những người là thầy thuốc thật sự. Cuộc đời có những thứ không ai có quyền lựa chọn là sinh ra ở đâu và sinh ra như thế nào. Người ta chỉ gồng mình lên cải thiện số phận bằng mọi cách khi họ đã nhận biết được mình đang ở đâu. Còn đây, hai trẻ nhỏ vùng Vị Xuyên này, chúng dính vào nhau như một số phận trời ban, và tách chúng ra, trả về với bước khởi đầu độc lập là do... người ban. Và những người đầu tiên khởi động hành trình trẻ thơ của chúng chính là những người thầy thuốc đáng yêu này. Họ cũng biết mình có thể bị phê bình hoặc bị nhắc nhở “trái quy trình” khi tự tiện “xuống đường” nhưng họ đã làm. Bởi quy trình đúng đắn của cuộc đời là một quy trình bắt đầu từ trái tim. Và khi mang theo trái tim, người ta sẽ được cuộc đời hưởng ứng. Có lẽ không chỉ hai đứa trẻ, mà bắt đầu từ hôm nay, bác sĩ Chung và những y bác sĩ ở Bệnh viện Vị Xuyên sẽ trở thành những cái tên thân thuộc khi ai đó về ngang thị trấn địa đầu Tổ quốc này. Người sống vì dân, hành động vì dân sẽ mãi là những người được dân ghi nhớ! * Thật khó tin. Thật đáng khâm phục! Thoạt nhìn, cứ tưởng cảnh này chỉ có ở trong phim Hàn. Nhưng đây là sự thật, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung - phó giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên, Hà Giang - đã nghĩ ra cách này để quyên góp tiền để cứu hai bé song sinh bị dính liền. Trước đó anh đã thử nhiều cách quyên góp nhưng không có hiệu quả... Anh nói làm cách này tuy bị lãnh đạo trách, nhưng anh thấy vui... Hãy làm điều tốt, bạn sẽ thấy vui! * Ở nơi cuộc sống của người dân còn muôn vàn khó khăn nhưng tình người thì luôn chan chứa. Khi biết bệnh nhân của mình không có tiền xuống Hà Nội phẫu thuật tách con, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên, Hà Giang đã chạy ra chợ căng một tấm ảnh hai bé song sinh dính nhau, và mấy người mặc áo blouse trắng đứng quanh tấm ảnh ấy để quyên tiền. Hành động vội vã ấy của những người thầy thuốc khiến tôi tin cuộc đời vẫn còn những điều tốt đẹp, còn những người biết sống cho người khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận