Các y bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM tặng hoa cho các bệnh nhân dịp 8-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phòng khám sàng lọc số 1 có hai bác sĩ: một nam, một nữ. Lúc tôi bước vào, cả hai người đều đang chăm chú bấm điện thoại. Tôi nghĩ do vắng bệnh nhân, họ tranh thủ liên lạc với người thân...
Đứng tần ngần giữa phòng hồi lâu vẫn không thấy ai ngước nhìn hoặc lên tiếng hỏi, tôi đến bàn của bác sĩ nữ ở gần hơn. Bác sĩ rất trẻ vẫn mải mê lướt điện thoại, tôi cất lời chào, bác sĩ chỉ tắt điện thoại, không trả lời. Tôi ngồi xuống ghế, và đơn tình nguyện hiến máu nhân đạo trên bàn.
Xem đơn xong, bác sĩ cầm dụng cụ đo huyết áp giơ lên, ý nhắc tôi luồn cánh tay vào. Đo huyết áp xong tôi mới được nghe tiếng nói của bác sĩ. Cô hỏi tôi có muốn hiến máu với mức 350ml như những lần trước không? Tôi trả lời đồng ý, cô điền vào đơn của tôi, ký đóng dấu rồi để trên bàn, trước mặt tôi và lại... im lặng. Biết mình phải "tự hiểu", tôi đứng dậy xếp gọn ghế vừa ngồi, bác sĩ lại lấy điện thoại ra.
Tôi rời phòng khám, lòng buồn tênh. Nếu tôi là người đến đây lần đầu, không biết có được bác sĩ hướng dẫn? Đến đây nhiều lần, đương nhiên tôi biết sẽ sang phòng đối diện để hiến máu. Nhưng tôi vẫn muốn được nghe một câu nói thể hiện sự ân cần của bác sĩ.
Vào phòng hiến máu, tôi nhận được sự quan tâm chu đáo, tận tình và lễ phép của các kỹ thuật viên. Lúc nhận quà, tôi cũng được gặp nhân viên nữ vui vẻ, nhiệt tình, giao quà cho tôi bằng hai tay. Sau cùng, người tiễn tôi về với nụ cười thân thiện và lời cảm ơn chính là một chị đảm trách khâu vệ sinh. Điều khiến tôi được an ủi lại đến từ những nhân viên y tế, lao công.
Tôi nghĩ về quy định "4 xin" (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) của Bộ Y tế về quy tắc ứng xử của các nhân viên y tế với bệnh nhân và nghĩ bác sĩ nào cũng biết. Hôm đó tôi không phải là bệnh nhân, tôi đến để hiến máu.
Tôi không mong nhận lời cảm ơn, tôi chỉ muốn góp ý về thái độ khi đón tiếp người dân dù đến cơ sở y tế với bất cứ lý do gì. Điều người hiến máu quý nhất chính là sự niềm nở, nghệ thuật ứng xử của các nhân viên y tế vì nó sẽ có tác dụng khuyến khích nhiều người tìm đến để "Hiến giọt máu đào. Trao đời sự sống". Bởi lẽ ai cũng biết máu là dược phẩm vô giá.
"Người trong cuộc" từng đặt câu hỏi: "Với người đến hiến máu mà lạnh nhạt thì với bệnh nhân sẽ như thế nào?". Có không ít người bệnh thắc mắc về bệnh tình của mình mà không dám mở lời hỏi thêm với bác sĩ.
Có khi vì phòng khám quá đông, còn bao người chờ, nhưng nhiều khi vì thấy bác sĩ không nói, không cười nên không dám hỏi. Lại có khi bác sĩ trả lời ngắn gọn quá, không hiểu cũng không dám hỏi thêm.
Bác sĩ ơi! Đừng quá kiệm lời! Mỗi ánh mắt, lời nói, nụ cười lương y là liều thuốc quý với bệnh nhân, điều này các bác sĩ chắc hiểu hơn ai hết. Tôi mong ai cũng nhận được những nụ cười và lời ân cần của bác sĩ.
Bối rối vì "cò" bệnh viện
Ngày 7-4, có việc vào thăm khám tại Bệnh viện Phong - da liễu trung ương Quy Hòa (P.Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định), chúng tôi quá ngán ngẩm với hàng rong, hàng nước, hàng ăn chắn ngay lối vào. Một số người ra sức thuyết phục bệnh nhận ra phòng khám tư nhân để khám chữa bệnh. Thấy chúng tôi cương quyết đi vào bệnh viện, họ tỏ ra khó chịu và buông những lời lẽ rất nặng nề.
Quan sát bên trong cổng bệnh viện, khi có bóng dáng công an P.Ghềnh Ráng túc trực thì họ bỏ đi nơi khác. Sau đó lại tụ tập và tiếp tục chèo kéo bệnh nhân.
Đây là bệnh viện lớn ở miền Trung - Tây Nguyên, trực thuộc Bộ Y tế. Bệnh nhân không chỉ tại TP Quy Nhơn, trong tỉnh Bình Định mà còn rất nhiều tỉnh, thành khác đến thăm khám. Cách buôn bán lộn xộn, tranh giành khách như trên cần phải xóa bỏ. Những ai hay chèo kéo khách có lẽ không còn lạ mặt, cần có giải pháp mạnh để chấn chỉnh trật tự bệnh viện và không làm phiền bệnh nhân, nhất là bệnh nhân từ xa đến.
HÀ TIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận