Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn (bệnh xá trưởng đảo Sơn Ca) khám bệnh cho một chiến sĩ - Ảnh: My Lăng
Bệnh xá đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) chỉ có ba phòng bệnh thường và một phòng bệnh nặng. "Nhưng khi ngư dân cần thì bao nhiêu cũng có, bộ đội sẵn sàng chịu vất vả, nhường giường mình cho ngư dân nằm" - thượng úy bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn (bệnh xá trưởng đảo Sơn Ca) mỉm cười nói.
Anh em nói vui chỉ mong được thất nghiệp thôi. Tụi mình mà càng thất nghiệp bao nhiêu thì chứng tỏ bộ đội và ngư dân càng khỏe bấy nhiêu. Khỏe nên mới không cần đến quân y.
Anh Trịnh Công Điển
Kíp quân y trên đảo Sơn Ca
Đội ngũ y bác sĩ đảo Sơn Ca khá trẻ. Bệnh xá trưởng Nguyễn Ngọc Sơn mới 30 tuổi. Y sĩ Mai Trọng Nghĩa 29 tuổi. Y sĩ Nguyễn Tiến Thành 27 tuổi. "Già" nhất là y sĩ Đặng Trọng Minh cũng chỉ mới 33 tuổi.
Thượng úy bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn bảo vừa ra đảo, kíp quân y đã cấp cứu hơn 10 ngư dân trên tàu cá bị cháy. "Hôm đó là ngày 17-10-2019. Sóng to lắm. Ngư dân cố chèo mủng, nhưng cứ vào đến đầu cửa xuồng lại bị đẩy dạt ra. Sợ ảnh hưởng đến tính mạng ngư dân, đảo cử một nhóm chiến sĩ ra kéo người vào cấp cứu" - bệnh xá trưởng Nguyễn Ngọc Sơn kể.
Đảo cách xa đất liền hàng mấy trăm kilômet nên không phải thuốc nào cũng có và không phải cứ thiếu là có thể bổ sung ngay. "Chúng tôi tự nhủ cố làm tốt nhất để ngư dân mau lành bệnh ra khơi bám biển" - thượng úy bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Kíp quân y chỉ có bốn người nên anh em y bác sĩ cố gắng cùng nhau khắc phục những thiếu thốn, khó khăn chuyên môn. Để giúp bà con ngư dân có thêm kiến thức tự giữ sức khỏe cho mình, kíp quân y còn hướng dẫn ngư dân cách tự chăm sóc trên tàu.
Thương và cảm phục bà con ngư dân
"Ra đây toàn bác sĩ giỏi, trình độ thạc sĩ của Viện Quân y 103 đấy. Trước khi ra đảo, tụi mình đã được tập huấn sáu tháng về đa khoa, cấp cứu cơ bản ở viện. Khi vào Vùng 4 hải quân, tụi mình được tập huấn cách cấp cứu các bệnh lý ở biển. Ngoài biển hay gặp nhất là bệnh giảm áp. Rồi còn phải biết những sinh vật biển độc và cách xử trí" - đại úy Trịnh Công Điển, bệnh xá trưởng đảo Nam Yết, cho hay.
Kíp quân y trên đảo Nam Yết có bảy người, trong đó có một bác sĩ nội, một bác sĩ ngoại.
"Khó khăn nhất về chuyên môn ngoài này là do thiếu thốn trang thiết bị. Máy hiện đại nhất của bệnh xá là máy siêu âm từ năm 2014" - bệnh xá trưởng đảo Nam Yết cho hay. Cũng từ thiếu thốn trang thiết bị máy móc mà kéo theo việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân không dễ dàng.
"Tính mạng bệnh nhân đặt hoàn toàn ở mình, dù có trợ giúp qua hệ thống chẩn đoán và tư vấn từ xa telemedicine. Quyết định cuối cùng vẫn là mình, nên trách nhiệm và rất áp lực" - đại úy bác sĩ Trịnh Công Điển chia sẻ.
Bệnh xá trưởng Trịnh Công Điển nói: "Ra đây, tình cảm gắn bó lắm. Bà con ngư dân vào đảo chữa bệnh, tụi mình nấu cơm cho ngư dân ăn. Nhiều người về cứ gọi điện thoại hỏi thăm suốt, hẹn khi nào về mời tụi mình bữa cơm".
Anh Trịnh Công Điển kể anh nhớ nhất là đợt chữa bệnh cho một chiến sĩ 20 tuổi, người TP.HCM bị viêm tụy cấp hồi tháng 9-2019. "Bạn ấy điều trị hơn nửa tháng, lượng thuốc bọn mình mang theo khi ra đây dùng gần hết, phải chuyển vào bờ để có dinh dưỡng thêm cho mau hồi phục" - đại úy bác sĩ Trịnh Công Điển nói.
Kế hoạch ban đầu là trực thăng sẽ bay ra đưa bệnh nhân vào bờ. Nhưng sóng gió lớn quá, trực thăng không thể bay ra được. Sau bệnh nhân tạm ổn, được đưa xuống tàu vào đất liền. Bệnh xá trưởng Trịnh Công Điển nhận nhiệm vụ đi theo chăm sóc bệnh nhân. Đang thời điểm có bão, áp thấp, tàu đi mất ba ngày hai đêm.
"Tàu chỉ có 350 tấn nên lắc lắm. Bệnh nhân quen sóng gió nên khỏe hơn mình, không bị say. Mình say lòi mật, nằm cũng thấy mệt" - bác sĩ Điển mỉm cười khi nhớ lại chuyến đi không thể quên ấy.
Anh Điển bảo quân y ngoài đảo không có thời gian rảnh. "Khi không hoạt động chuyên môn thì mình cũng hoạt động như bộ đội, huấn luyện rồi tăng gia sản xuất theo tất cả chế độ trên đảo" - đại úy bác sĩ Trịnh Công Điển cho hay.
Khá bất ngờ khi thấy bệnh xá trưởng Trịnh Công Điển mang theo nhiều loại sách và cả sách tiếng Anh ra đảo. Anh bảo mang sách để khi rảnh là học. "Khi về bờ mình sẽ làm nghiên cứu sinh, học lên tiến sĩ. Về mình sẽ đăng ký xung phong đi Nam Sudan làm nhiệm vụ ở bệnh viện dã chiến. Nếu được chọn thì ba năm nữa đi Nam Sudan" - đại úy Trịnh Công Điển chia sẻ kế hoạch trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận