Là giám đốc tại một phòng khám chuyên trị liệu cơ xương khớp ở quận 7, nhiều lần bác sĩ Paul D'Alfonso gặp những con mèo, con chó ở phía sau phòng khám bị bỏ rơi, có những con bị thương, bị liệt... Là một người yêu thương động vật, bác sĩ Paul và vợ của mình đã giúp đỡ những thú cưng này.
Ý tưởng hình thành từ chú chó "Cherry"
Lần đó, một người bạn của vợ bác sĩ Paul nhận nuôi một chú chó bị liệt trong tình trạng rất yếu bên lề đường. Chi phí điều trị cho chú chó rất cao. Người bạn đó đã nhờ vợ bác sĩ Paul - bà Lyna - hỗ trợ tiền điều trị. Khi đó, bà Lyna đã tổ chức quyên góp tiền điều trị cho chú chó tên là "Cherry" này.
"Tôi và vợ tôi cùng yêu thích động vật, cứu giúp nhiều động vật. Chúng tôi cũng nhận thức được việc kiểm soát số lượng động vật là một việc quan trọng. Vì vậy để ngăn mèo sinh sản nhiều, mất kiểm soát, chúng tôi phải tiến hành phẫu thuật, trị tả... Chúng tôi đã chi trả tất cả chi phí này, nó là khoản chi tiêu kha khá hằng tháng", bác sĩ Paul cho hay.
Nhưng theo thời gian, bác sĩ Paul nhận thấy chỉ lấy tiền cá nhân để chi trả cho những việc này sẽ không bền vững, lâu dài. Từ đó, vợ chồng bác sĩ Paul phát sinh ý tưởng về một cộng đồng chăm sóc thú cưng bị bỏ rơi. Và bà Lyna đã lập ra nhóm cứu hộ động vật tại quận 7 (tên viết tắt là RAD7 - Rescue animals in district 7) vào năm 2018. Hiện mỗi năm nhóm RAD7 giúp được 50 - 100 con chó, mèo.
Nhóm cứu hộ động vật này có bốn thành viên chính, ngoài ra nhóm còn có rất nhiều đối tác và tình nguyện viên tham gia khi cần thiết. Tuy nhiên, bốn thành viên chính là những người đưa ra các quyết định y tế quan trọng và quyết định về các trường hợp nào có thể tiếp nhận hoặc không.
Nhóm tìm kiếm người nhận nuôi, chăm sóc cho những thú cưng này và chuẩn bị cho thú cưng một ngôi nhà mới. Các thành viên trong nhóm đều có công việc toàn thời gian riêng và chỉ thực hiện công việc này ngoài giờ làm việc.
"Chúng tôi là những tình nguyện viên, không nhận tiền thù lao hoặc bất kỳ khoản phí nào. Tiền chúng tôi làm ra hoặc mọi đóng góp đều được sử dụng cho việc tiêm phòng, trị tả, chăm sóc y tế, đào tạo, thức ăn, cát vệ sinh... Càng có nhiều nguồn tài trợ, chúng tôi càng có thể tiếp nhận nhiều động vật bị bỏ rơi hơn", bác sĩ Paul chia sẻ.
Bác sĩ Paul kể hiện trong nhà vợ chồng ông đang chăm sóc, điều trị cho bốn chú mèo con bị ốm. Sắp tới, vợ chồng bác sĩ Paul còn tính nhận nuôi thêm hai chú mèo nữa.
"Chúng tôi liên tục mang về nhà con vật nuôi mà chúng tôi tìm thấy bị bỏ rơi trên đường phố. Cả hai vợ chồng tôi đều thích tạo ra một không gian an toàn cho thú cưng và là nơi tạm thời cho đến khi những thú cưng này có được một gia đình nhận nuôi lâu dài. Chúng tôi vừa chuyển nhà và ngôi nhà mới của chúng tôi có một phòng dành riêng cho việc chăm sóc chó, mèo trong những trường hợp khẩn cấp" - bác sĩ Paul cho hay.
Tìm ngôi nhà cho chó mèo
Theo bác sĩ Paul, người dân Việt Nam đang thay đổi trong việc chăm sóc thú cưng, ngày càng có nhiều người nuôi mèo và chó. "Tôi rất ấn tượng với những chú chó có thể cùng chủ đi trên xe máy. Tôi thấy rất nhiều chú mèo được đặt trong ba lô thú cưng và có vẻ như việc sở hữu thú cưng đang gia tăng. Điều duy nhất tôi hy vọng sẽ được cải thiện là trách nhiệm của chủ nuôi trong việc dọn dẹp sau khi chó của họ phóng uế", bác sĩ Paul nhận định.
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, bác sĩ Paul kể tại nước ông vẫn có những chú mèo, chú chó bị bỏ rơi, mắc bệnh. Tuy nhiên những chú mèo, chú chó này sẽ được các trung tâm cứu hộ động vật, khá phổ biến ở Mỹ, đến cứu và hỗ trợ. Còn ở Việt Nam hiện thiếu những tổ chức như vậy. "Chỉ có một trung tâm ở quận 2 nhưng quá xa, vì vậy tôi rất vui khi RAD7 đã xuất hiện và tập trung vào việc chăm sóc động vật trong khu vực này", bác sĩ Paul hào hứng.
Đối với bác sĩ Paul, cứu hộ động vật là công việc ý nghĩa. Bác sĩ Paul đã từng tìm thấy một số con vật trong tình trạng rất tồi tệ nên không có cách nào điều trị cho chúng. Có rất nhiều chú mèo con chỉ vài ngày tuổi đã bị bỏ rơi và cuối cùng chúng qua đời.
"Ngay cả khi chúng tôi tìm được nhà cho một con mèo hoặc chó thì đó là niềm vui nhưng cũng gây xúc động vì sự gắn kết giữa chúng tôi với chúng, và chúng tôi nhớ chúng rất nhiều. Đó là một cuộc hành trình đầy cảm xúc nhưng cuối cùng đó là niềm đam mê của tôi. Động vật không có giọng nói, vì vậy quan trọng là chúng ta trở thành giọng nói của chúng", bác sĩ Paul chia sẻ tâm trạng mỗi khi cứu giúp được một thú cưng.
Bác sĩ Paul mong muốn có sự phát triển của nhóm cứu hộ ở các quận khác. Cách thức vận hành của nhóm cứu hộ là dựa trên việc chăm sóc tạm thời, chứ không có một trung tâm cứu hộ. Mô hình này là một cách để cộng đồng cùng nhau làm việc vì sự phát triển cuộc sống tốt hơn cho thú cưng.
"Chúng tôi là một tổ chức nhỏ và chúng tôi hy vọng sẽ phát triển nhưng điều đó phụ thuộc vào việc liệu chúng tôi có thể huy động thêm tài trợ hay không. Chúng tôi đang tìm kiếm các công ty hỗ trợ đóng góp hằng tháng và điều này giúp chúng tôi chăm sóc thú cưng bị bỏ rơi tốt hơn và nhiều hơn nữa.
Chúng tôi hiện có khoảng 20 con đang chờ để được nhận nuôi. Số tiền được quyên góp sẽ chi trả cho việc tiêm chủng, thực phẩm, hóa đơn y tế và khử trùng. Chúng tôi đang tìm kiếm nhiều công ty và tổ chức từ thiện hơn để cùng đồng hành".
Bác sĩ Paul tin rằng việc tham gia vào cộng đồng và cùng nhau giải quyết các vấn đề trong khu vực mình sống hoặc làm việc là quan trọng. Cụ thể, cần kiểm soát số lượng mèo sinh sản, đưa những con chó bị bỏ rơi về nơi an toàn để ngăn ngừa tai nạn giao thông hoặc ngăn chặn việc buôn bán thịt chó. Nếu thu hút được nhiều người tham gia nhóm cứu hộ hơn, sẽ có thể tạo ra tác động lớn hơn.
Quen biết nhau vì cùng yêu thương chó, mèo
Căn hộ nhà tôi gần căn hộ của vợ chồng bác sĩ Paul. Ấn tượng đầu tiên của tôi về vợ chồng bác sĩ Paul là họ đưa hai con chó, trong đó có một con chó dị tật ở chân phải dùng chiếc xe lăn đặc biệt để đi ra ngoài dạo chơi. Hai con chó này đều mới được vợ chồng bác sĩ Paul cứu giúp.
Tôi đã tham gia nhóm cứu hộ động vật tại quận 7 trước đó và sau này mới phát hiện vợ chồng bác sĩ Paul ở ngay khu chung cư với mình. Vợ chồng bác sĩ Paul rất thương chó mèo. Trong khi các tình nguyện viên đi tìm nhà mới cho các thú cưng thì các thú cưng sẽ được ở lại nhà bác sĩ Paul trước khi được giao cho chủ mới. Một trong những công việc mà nhóm cứu hộ động vật hay làm là cho những con mèo bỏ hoang ăn và cắt tinh hoàn, triệt sản cho các bé mèo để không sinh ra nhiều nữa.
Nguyễn Ngọc Huyền (33 tuổi, ngụ ở quận 7, hàng xóm của bác sĩ Paul)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận