10/06/2020 21:50 GMT+7

Bác sĩ nhi người Nhật tìm ra bệnh hiếm gặp Kawasaki qua đời ở tuổi 95

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Bác sĩ người Nhật Tomisaku Kawasaki, người từng phát hiện căn bệnh lạ - hội chứng viêm hiếm gặp ở trẻ em mà sau này được đặt theo tên ông là bệnh Kawasaki, vừa qua đời ở Tokyo.

Bác sĩ nhi người Nhật tìm ra bệnh hiếm gặp Kawasaki qua đời ở tuổi 95 - Ảnh 1.

Bác sĩ Tomisaku Kawasaki (phải) trong bức hình tư liệu tại Bệnh viện Trung ương Tsukuba ở tỉnh Ibaraki - Ảnh: KYODO

Theo Hãng tin Kyodo, ngày 10-6 Trung tâm Nghiên cứu bệnh Kawasaki Nhật Bản thông báo bác sĩ nhi khoa Tomisaku Kawasaki đã qua đời vào chiều thứ sáu tuần trước (6-6) tại một bệnh viện ở thủ đô Tokyo.

Ông Tomisaku Kawasaki là người đã tìm ra hội chứng viêm hiếm gặp ở trẻ em mà sau này được đặt tên là bệnh Kawasaki.

Thời gian qua, bệnh Kawasaki gây chú ý dư luận vì có những giả thuyết cho rằng căn bệnh này có liên quan tới virus corona chủng mới. Một số nước châu Âu và Mỹ đã ghi nhận trẻ bị COVID-19 có những biến chứng viêm tương tự bệnh Kawasaki và một số em đã tử vong.

Mặc dù cách điều trị bệnh Kawasaki cho tới nay đã gần như đã được thiết lập, song nguyên nhân gây ra bệnh này vẫn chưa được khẳng định. Chưa có bằng chứng xác quyết cho thấy một loại virus hay vi khuẩn nào đã gây ra bệnh Kawasaki.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Kawasaki bắt đầu sự nghiệp y khoa trong vai trò bác sĩ nhi tại một cơ sở là tiền thân của Trung tâm y khoa Chữ thập đỏ Nhật Bản ở Tokyo năm 1950.

Năm 1961 ông lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh chưa từng biết đến ở trẻ em với các triệu chứng gồm sốt cao, phát ban toàn thân, lưỡi sưng. Sau đó ông còn gặp lại chứng bệnh này ở vài chục trường hợp những năm sau đó.

Năm 1967, ông Kawasaki công bố báo cáo nghiên cứu trên Arerugi, một tạp chí chuyên ngành về các theo dõi lâm sàng dị ứng, dẫn 50 trường hợp bị chứng bệnh lạ hiếm gặp, sau đó người ta đã lấy tên ông để đặt cho căn bệnh được ông phát hiện và mô tả khoa học.

Bệnh Kawasaki chủ yếu xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi và có thể làm hạn chế lượng máu lưu chuyển về tim và viêm mạch máu.

Hậu quả tức thời của bệnh Kawasaki có thể không nghiêm trọng, tuy nhiên trong một số trường hợp, các biến chứng lâu dài có thể xảy ra, gồm cả tổn thương động mạch vành.

Sau khi nghỉ hưu tại Trung tâm y khoa Chữ thập đỏ Nhật Bản năm 1990, ông Kawasaki trở thành người đứng đầu một tổ chức sau được đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu bệnh Kawasaki Nhật Bản.

Sau đó, ông trở thành chủ tịch và chủ tịch danh dự của tổ chức này.

Trẻ nhiễm COVID-19 mắc hội chứng lạ giống Kawasaki: làm sao phân biệt hai bệnh? Trẻ nhiễm COVID-19 mắc hội chứng lạ giống Kawasaki: làm sao phân biệt hai bệnh?

TTO - Về cơ bản, triệu chứng của bệnh COVID-19 và Kawasaki khá giống nhau: đều bị sốt, mệt mỏi, đau cơ. Do đó các chuyên gia đang nghi ngờ rằng hai bệnh này có liên quan rất lớn.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên