Các y bác sĩ thực hiện một ca mổ tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bạn đọc Tấn Phúc so sánh nếu bác sĩ được trả lương ở mức trên thì chỉ bằng khoảng 1/3 lương cơ bản của công nhân ở Bình Dương, đó là chưa kể bác sĩ phải trực xuyên đêm. Tất nhiên bác sĩ có thể làm phòng mạch, bệnh viện tư nhân nhưng đó chỉ là cái nhìn chung của mọi người, còn để nói số lượng cụ thể, không ai dám chắc 100% bác sĩ có mức thu nhập tốt từ việc làm ngoài, làm thêm giờ.
"Nói chung những ngành nghề trí thức phục vụ nhân dân như giáo viên, bác sĩ hiện nay lương quá là thấp", anh Phúc bày tỏ.
Tương tự, bạn Thuận kể: "Em trai tôi là bác sĩ đi làm liên tục gần 25 năm. Cách đây 5 năm, em tôi đã lấy bằng tiến sĩ y khoa, hiện là trưởng khoa của một bệnh viện hạng 1 nhưng mức lương hiện tại của chú ấy chỉ là 5,4 triệu đồng/tháng. Không hiểu nổi tư duy của các vị soạn ra thang, bậc lương cho ngành y kiểu gì nữa!".
Còn bạn đọc Kiểm lại chia sẻ một trong những bất hợp lý hiện nay là bác sĩ mới ra trường có khi phải vừa làm không công vừa mất thêm tiền - một khoản tiền để "chạy vào" vào "thực hành 18 tháng" theo yêu cầu của "luật chứng chỉ hành nghề". Còn những chỗ cấp lương cho bác sĩ mới ra trường thì cũng dựa vào "luật chứng chỉ hành nghề" rồi yêu cầu ký cam kết nếu nghỉ sẽ đền một số tiền rất khủng lên tới cả trăm triệu.
"Bác sĩ mới ra trường giờ khổ lắm ai ơi, học xong tốn cả đống tiền học phí rồi thêm cả đống tiền do luật này kia ràng buộc. Muốn học lên chuyên khoa thì bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề, nên không còn cách nào khác phải chui vô bệnh viện chịu sự bóc lột. Sau khi học xong chuyên khoa mới được xem là bác sĩ thực thụ, và lúc đó vẫn ăn lương theo hệ số nhà nước, thấp lè tè. Nên thường học xong chuyên khoa, không ít bác sĩ đua nhau bỏ chạy khỏi các bệnh viện công", anh Kiểm chia sẻ thêm.
Trước thực trạng trên, bạn đọc Thành cho rằng quá bất công cho nhân viên y tế và các bác sĩ. Anh Thành nói: "Chúng ta hô hào y bác sĩ cống hiến. Trong khi đó, bản thân các y bác sĩ bị đối như vậy. Tôi nghĩ phải có chế độ đặc thù cho thu nhập những người hoạt động trong ngành y tế để còn có người giỏi học y, chứ cứ như thế này thì còn ai dám học làm y bác sĩ".
Cũng vậy, bạn đọc Phương đặt câu hỏi và kêu gọi: "Tại sao không cải cách tiền lương? Các đại biểu Quốc hội nên quan tâm đến vấn đề này. Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan cần ngồi lại để có giải pháp ngay nhằm nâng lương, mức thu nhập cho các y bác sĩ...".
Nói về chính trường hợp của mình, bác sĩ Minh bộc bạch: "Tôi là bác sĩ. Ngày đậu ngành y, điểm của tôi là 29,5 điểm. Sau đó, ba má còng lưng nuôi tôi ăn học, cuối cùng cũng tốt nghiệp một trường y tốp đầu cả nước sau 6 năm. Thế nhưng, nay lương của tôi tổng cộng là 7 triệu đồng sau 5 năm ra trường và phục vụ một bệnh viện công lớn".
"Số lương ấy thật là nhiều và tôi chẳng biết xài sao cho hết vì tôi chỉ ăn gió uống sương và cũng chưa có gia đình. Và vì thấy sự cống hiến của mình chẳng đáng là bao so với mức lương cao như thế nên tôi đã quyết định nộp đơn xin nghỉ, hiện cũng gần 45 ngày rồi, tôi sắp được giải thoát" - bác sĩ Minh chua chát tự trào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận