Chú hề người Nhật diễn hài cùng bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM dịp xuân Giáp Ngọ 2014 - Ảnh: Hữu Khoa |
Trong nhiều năm liên tục, ấn phẩm mang tên Die Leber waechst mit ihren Aufgaben của bác sĩ Eckart von Hirschhausen, tạm dịch là Lá gan lớn lên vì trọng trách, đã trụ hạng trong bảng top ten của sách bán chạy nhất ở Đức. Nếu tưởng tác phẩm của Hirschhausen nói về chuyện hình sự xã hội đen theo kiểu bắn giết liên hồi, hay tình cảm éo le sướt mướt từ trang đầu đến trang cuối thì lầm. Sách của Hirschhausen chỉ gồm một số bài phiếm luận ngắn gọn về những chuyện rất đời thường, nhưng được tác giả kết dính vào điểm nào đó trong y học để mượn việc này nói sang chuyện khác.
Lý do rất dễ hiểu. Hirschhausen xuất thân là bác sĩ chuyên khoa mổ xẻ, nhưng sau hơn chục năm tìm cách cứu người giúp đời đã nghỉ việc vì tìm được nghề khác khoái chí hơn. Đó là diễn hài với sở trường là thể loại độc diễn. Niềm vui của Hirschhausen khi đổi nghề là tuy không còn cho thuốc nhưng vẫn được người người trân trọng với lời khen sau buổi diễn qua câu: “Cảm ơn bác sĩ rất nhiều”, cứ như họ hết bệnh nhờ đúng thầy, đúng thuốc!
Chọc cười người bệnh
Tỉ lệ tái phát nhồi máu cơ tim giảm rõ rệt ở số bệnh nhân mỗi ngày được chú hề bất ngờ thăm viếng, thay vì chỉ tiếp thân nhân đến dò la... di chúc! |
Sách của Hirschhausen rất đơn giản, chẳng hạn với lời trần tình của lá gan về nỗi khổ phải đành lòng hóa xơ vì gia chủ uống rượu thả giàn! Ấy thế mà thầy thuốc cứ chê đè lá gan bị bệnh như lỗi của gan trong khi gan một đời tận tụy đến độ trở thành chai cứng! Nếu tưởng ở không viết sách khỏe re thì lầm. Công việc của Hirschhausen không đơn giản chút nào vì tuy khi ngồi vào bàn viết, lúc lại nhảy lên sân khấu nhưng anh chưa hề có ngày nào tạm ngưng công việc của thầy thuốc.
Thay vì bỏ nhiều giờ cho cuộc phẫu thuật cam go để cứu chỉ một người bệnh nào đó, Hirschhausen đã quyết định chọn giải pháp giúp cùng lúc nhiều người bằng cách cởi áo blouse trắng để khoác áo xanh đỏ của anh hề mặt thoa phấn trắng bệch, mắt ngấn lệ, mũi cà chua như trong gánh xiếc. Hirschhausen đã phát động chương trình mang tên “Khôi hài giúp lành bệnh”, qua đó anh và các cộng sự viên trong trang phục chú hề, cô tiên... đến tặng hoa, ca hát, kể chuyện chọc cười trẻ bị ung thư, người cao tuổi nằm viện vì bệnh tim mạch giai đoạn cuối.
Kết quả thống kê của Hirschhausen cho thấy không chỉ số ngày điều trị được rút ngắn mà ngay cả hiệu quả của liệu pháp phục hồi cũng được gia tăng ở những bệnh viện có sự tham gia của Hirschhausen và bè bạn của anh, nếu so với các bệnh viện chỉ có gương mặt nghiêm thấy ớn của nhân viên y tế trong các dưỡng đường thừa thuốc nhưng thiếu tiếng cười. Hirschhausen đã chứng minh tỉ lệ tái phát nhồi máu cơ tim giảm rõ rệt ở số bệnh nhân mỗi ngày được chú hề bất ngờ thăm viếng, thay vì chỉ tiếp thân nhân đến dò la về... di chúc!
Nhận xét của Hirschhausen không có gì mới lạ. Có lạ chỉ ở chỗ một thầy thuốc can đảm lột màu xám trắng thê lương của bệnh viện để tô lại màu hồng ngập tràn hi vọng.
Tìm lại hi vọng
Không thầy thuốc nào có thể phủ nhận vai trò quan trọng của yếu tố lạc quan trong phác đồ điều trị. Cũng chính vì thế mà không chỉ Hirschhausen, Strunz - thầy thuốc được cả nước Đức yêu mến vì cổ động cho “y khoa vui vẻ”, Bankhofer - giáo sư Trường đại học Y Vienne ở nước Áo, thầy thuốc, nhà báo nổi tiếng khắp châu Âu nhờ chương trình “Y khoa cho mọi nhà” dù không học nghề y ngày nào... và nhiều thầy thuốc nữa đã từ lâu không ngừng cổ động cho cuộc cách mạng tư duy trong ngành y. Qua đó thầy thuốc không hù dọa mà đồng hành với người bệnh, y khoa không còn tập trung vào biện pháp cấp cứu khi bệnh đã chiếm kèo trên mà chú trọng nhiều hơn vào mục tiêu phòng bệnh hơn chữa bệnh, và nhất là y thuật vị con người thay vì chỉ thỏa đáp nhu cầu tri thức khoa học.
Đáng nói là quan điểm “y khoa với con tim bỗng vui trở lại” thường gặp chống đối từ phía thầy thuốc, trong khi bệnh nhân khắp nơi đồng tình ủng hộ. Lý do rất đơn giản, vì nhiều thầy thuốc không chịu ngồi ngang hàng với người bệnh cho dù trước cổng bệnh viện vẫn còn treo đâu đó tấm biểu ngữ “lương y như từ mẫu” đã bạc màu sương gió!
Có một điều chắc chắn: không biết Hirschhausen có mát tay lúc làm thầy thuốc hay không nhưng với công việc làm hề như hiện nay, Hirschhausen mỗi ngày đã giúp ích cho rất nhiều bệnh nhân để họ tìm lại hi vọng, nghị lực và niềm tin vào ngày mai, vào một ngày xuất viện với nụ cười. Loại thuốc này không mất tiền mua trong thời buổi củi quế gạo châu, tiếc làm sao lại đang thiếu ở xứ mình!
Có ai đó đã dạy tôi “nếu bóng tối của đêm dài có phủ kín tầm nhìn trước mắt thì chỉ để tăng phần rực rỡ cho vầng hồng rạng đông của một ngày mới đang đến rất gần”. Con đường của bệnh nhân tăm tối có thừa! Có khó lắm nếu thầy thuốc bật một que diêm trong bóng tối để còn chút ánh sáng cuối đường?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận