Đây là tấm hình do một bệnh nhân tên là Barbara Meszaros chụp cho bác sĩ Nhã rồi gửi lại cô qua Facebook trong ngày làm việc cuối cùng của bác sĩ tại trung tâm điều trị COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y. Chị Barbara Meszaros sau khi phục hồi đã tìm gặp bác sĩ Nhã ở nơi làm việc để được biết mặt bác sĩ vì trong khu trị COVID-19 thì không thấy
Làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Semmelweis của Hungary 11 năm qua, TS.BS Lê Ngọc Hòa Nhã chưa từng sống qua một giai đoạn nào đặc biệt như dịch COVID-19. Đây cũng là thời gian tiến sĩ kết nối nhiều hơn cả với bà con người Việt tại Hungary, hiểu thêm về những gì họ cần và những gì mình có thể cống hiến.
Chuyện của BS Nhã thực sự rất giản dị, nhưng vì nhiều điểm, nó vô tình trở thành một "trường hợp điển hình" cho chức trách, sứ mệnh và cả những thử thách cam go nhất mà một "bác sĩ thời COVID-19" đã trải qua.
Bác sĩ đã hai lần nhiễm COVID-19 trong suốt 15 tháng điều trị cho người bệnh COVID-19 không nghỉ ngơi. Vài lần hoãn lễ cưới vì dịch bệnh, người thân của cô mắc bệnh rồi qua đời ở một nơi xa trong khi cô không thể giúp gì và cũng không có cơ hội gặp lại lần cuối, những khủng hoảng tới mức sang chấn tâm lý khi phải bất lực chứng kiến những tình huống quá đau lòng của người bệnh, đồng nghiệp...
Mọi người xung quanh thì tung hô chúng tôi là những chiến sĩ áo trắng, xông pha nơi trận tiền. Có chăng, họ không hiểu rằng chính họ mới là những chiến sĩ can đảm để chúng tôi, những người gác thành lũy cuối cùng của tử sinh sẽ không trào nước mắt, hụt hẫng vì sự mất mát từng ngày, từng giờ. Nếu họ có thể can đảm nói KHÔNG với những tụ tập, những phút giây yếu lòng mong muốn gần gũi người thân qua bao tháng ngày cách ly, những ích kỷ nhỏ nhoi, những chủ quan không cố ý chạy vèo ra siêu thị mua tí đồ, những khoảnh khắc quên khẩu trang... thì có lẽ chúng tôi, những người gác tuyến cuối, cũng sẽ bớt đau lòng.
Trích những dòng nhật ký đăng ngày 15-1 năm nay trên trang Sức khỏe cộng đồng Việt Nam tại Hungary của bác sĩ LÊ NGỌC HÒA NHÃ
Tìm con đường riêng
Sinh trưởng ở TP.HCM, trong một gia đình có truyền thống y học nhiều thế hệ, cha mẹ cô đã từng giữ các vị trí quan trọng trong các bệnh viện tiếng tăm của thành phố. Nếu chọn lối đi bình yên, Nhã sẽ có một sự yên ấm dễ dàng.
Nhưng cô đã không chấp nhận điều đó, bởi "nếu tôi ở lại thành phố làm việc, dù tôi có cố gắng đến đâu, mọi thành tựu của tôi vẫn sẽ luôn bị cho là bởi vì nhờ ba, mẹ mà có, vậy nên tôi muốn được thừa nhận một cách công bằng về những gì mình làm được, dù điều đó nhỏ bé đến đâu", như Nhã chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Nhã chọn du học Canada, rồi sau đó theo đuổi giấc mơ áo trắng ở Đại học Debrecen, Hungary, tiếp tục giành học bổng toàn phần của Chính phủ Hungary để hoàn tất bậc tiến sĩ. Sau khi hoàn thành nội trú, cô được nhận vào làm việc tại bệnh viện của trường, tất cả chỉ vì cô muốn quyết liệt chứng minh bản thân đã tự đi bằng chính đôi chân mình.
Ở trời Tây chẳng ai biết Nhã là "con nhà ai", "ba mẹ làm gì", họ chỉ biết cô gái Việt Nam này đã học và làm nghề rất giỏi, rất tận tâm, xứng đáng được trao một vị trí bác sĩ chuyên khoa nội tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Y Semmelweis.
Nếu không có dịch COVID-19, hẳn lúc này Nhã đã vui vẻ ấm êm xây dựng tổ ấm đôi vợ chồng trẻ. Nhưng 15 tháng liên tục (từ tháng 3-2020 đến tháng 5-2021) được điều động gia nhập hàng ngũ tuyến đầu điều trị người bệnh COVID-19, trải qua ba làn sóng bùng phát căng thẳng của dịch bệnh hồi năm ngoái ở Hungary đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của cô.
Sống ở cùng thành phố nhưng lúc chưa có vắc xin, hai vợ chồng Nhã mỗi người một nơi vì cô không dám về nhà sợ mang bệnh cho gia đình. Đăng ký kết hôn xong cũng không thể làm đám cưới vì cứ mỗi lần định tổ chức thì lại xuất hiện một làn sóng mới.
Những cái chết quá nhanh của người bệnh, của đồng nghiệp làm Nhã sang chấn tâm lý dù chính cô cũng tưởng mình đã quen với mọi cảm xúc buộc phải đối mặt của nghề y.
"Tôi vẫn nhớ như in ngày nhận được tin ba chồng mất vì COVID-19. Lúc đó tôi gần xong ca trực buổi sáng, vừa ký giấy báo tử cho ba người bệnh xấu số, đặt xong máy thở cho một số người khác. Khi được mẹ chồng gọi điện báo tin, tôi cảm thấy mình không còn chút sức lực nào nữa.
Tôi ở xa cha mẹ đã lâu nên thương ba mẹ chồng như ba mẹ ruột. Trong khi tôi ở đây chăm sóc cho những người bệnh khác thì người thân của tôi qua đời ở một nơi tôi không thể gặp mặt lần cuối. Tôi cảm giác dịch bệnh cứ như luôn trêu ngươi mình vậy", Nhã nói.
Bác sĩ Nhã trong buổi sáng nhận được tin ba chồng mất vì COVID-19, hình do một đồng nghiệp vô tình chụp được, không hề biết cô vừa nhận được tin buồn - Ảnh: NVCC
Giúp bà con người Việt
Những ngày không dịch, có tới 99% số người bệnh Nhã tiếp xúc mỗi ngày là người Hungary, nhưng khi COVID-19 xảy tới, cô gặp và nói chuyện nhiều hơn với bà con người Việt tại địa phương. Lúc đó, Nhã chợt nhận ra nhiều người trong họ rất thiếu thông tin về dịch bệnh, một phần do hạn chế ngôn ngữ.
Cảm thông với điều đó, Nhã chọn cách làm phù hợp với hoàn cảnh bận rộn của mình nhất, cô livestream và sau đó lưu lại trên tài khoản YouTube các nội dung chia sẻ về thông tin, kiến thức liên quan tới dịch bệnh COVID-19, giúp bà con người Việt tại Hungary hiểu rõ và bớt hoang mang hơn.
Không chỉ COVID-19, sau này Nhã cũng dành nhiều buổi chia sẻ thông tin về chuyên môn chính của cô là các vấn đề sức khỏe liên quan nội tiêu hóa. Khi nói chuyện, Nhã luôn đặt mình vào vị trí người nghe, hiểu được mong muốn và đặc điểm của họ để cung cấp những thông tin cần thiết nhất theo cách nói giản dị nhất.
"Làm free (miễn phí) thôi nhưng thực sự chuẩn bị rất cực", Nhã cười. "Những ngày đầu tìm được một từ chính xác để diễn tả đúng ý mình thực như đãi cát tìm vàng vậy", cô nhớ lại.
Người xem của cô giờ không chỉ là người Việt ở Hungary mà đã có ở khắp nơi.
"Tôi muốn giúp người bệnh hiểu được một cách cơ bản về căn bệnh của họ, hiểu được các nguyên lý chính của việc khám chữa bệnh, từ đó biết cách trao đổi với bác sĩ, giúp bác sĩ hiểu rõ hơn vấn đề sức khỏe của họ để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất", Nhã nói thêm về mục đích của các buổi chia sẻ kiến thức online.
Cũng từ đây, Nhã tham gia hoạt động của Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), một tổ chức thành lập năm 2011 có trụ sở tại Paris, với mục tiêu kết nối các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có khát vọng đóng góp cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.
Tâm đắc với sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức này, Nhã đã tham gia nhóm COVID Taskforce của AVSE với mục tiêu chung sức giúp Chính phủ và nhân dân Việt Nam chống đại dịch COVID-19. Nhóm COVID Taskforce này đã và đang huy động được rất nhiều đóng góp nguồn lực vật chất và chất xám hỗ trợ trong nước chống dịch.
Ước mơ của Nhã
Nhã kể từ lúc còn là sinh viên y khoa, cô đã để ý tới những bài thuốc Đông y của ông nội, nhưng càng về sau cô mới thấy càng cần phải học nhiều hơn về chúng.
Trong gia đình Nhã, chỉ có Nhã và ba cô sau này theo Tây y, còn đời ông cố và ông nội đều theo Đông y. Những trải nghiệm hành nghề y sau cả chục năm khiến Nhã hiểu được ý nghĩa lớn của việc kết hợp hai trường phái y học này trong điều trị.
Cô ấp ủ thực hiện một dự án kết nối với các bác sĩ Đông y của Việt Nam để chia sẻ kiến thức y học cho người dân hiệu quả hơn bên cạnh những kiến thức Tây y.
"Ba tôi dạy, khi mình làm một việc gì đó, nếu lợi ích chung hòa hợp với lợi ích riêng thì nên làm, tôi chọn chia sẻ kiến thức y khoa trên mạng cũng là vì vậy", Nhã nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận