Bác sĩ hạnh phúc có sự tham gia của các diễn viên: Trần Phong, Khả Ngân, Lâm Thanh Nhã, Trương Mỹ Nhân...
Phim trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội. Khán giả cho rằng bộ phim đã phá hỏng hình tượng của bản gốc Good Doctor.
Diễn viên Bác sĩ hạnh phúc gây thất vọng
Bác sĩ hạnh phúc được làm lại từ bản gốc Good Doctor nổi tiếng của Hàn Quốc. Trước Việt Nam, một số quốc gia khác đã mua bản quyền remake bộ phim và tạo được dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Thành công nhất có thể kể đến The Good Doctor (Mỹ) do Freddie Highmore đóng chính.
Ở Việt Nam, sau gần một tuần ra mắt, Bác sĩ hạnh phúc nhận nhiều đánh giá tiêu cực. Phần nhiều cho rằng diễn xuất của Trần Phong không phù hợp, thể hiện sai bản chất của nhân vật.
Trong Bác sĩ hạnh phúc, Trần Phong đảm nhận vai Nam - một bác sĩ tự kỷ thiên tài. Anh mắc hội chứng Asperger (một dạng tự kỷ chức năng cao). Đây là một chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của một cá nhân.
Tuy nhiên, về mặt diễn xuất, Trần Phong không thể hiện được điều này. Cách diễn phóng đại, liên tục ngoẹo cổ, đảo mắt khiến nhân vật bác sĩ thiên tài của anh bị nhận xét ngớ ngẩn, thiếu chiều sâu.
Khán giả Lạc Tỷ cho biết: “Là một giáo viên dạy trẻ đặc biệt và làm việc với người tự kỷ hơn 10 năm, tôi thấy khó chịu với những vai tự kỷ không ra tự kỷ như thế này”.
Ngoài Trần Phong, Khả Ngân cũng nhận được nhiều sự quan tâm khi đảm nhận nhân vật Trà Mi - một bác sĩ thông minh, xinh đẹp và nhiệt huyết.
Trước đó, cô từng vào vai bác sĩ trong bản remake Hậu duệ mặt trời - vai diễn bị nhận xét là hời hợt, thiếu cảm xúc.
Sau một số dự án phim truyền hình như 11 tháng 5 ngày, Gia đình mình vui bất thình lình..., Khả Ngân đã cải thiện biểu cảm và đài từ. Tuy nhiên, ngoài Khả Ngân, nhiều diễn viên trong Bác sĩ hạnh phúc vẫn còn lối diễn khô cứng, gượng ép.
Với kịch bản vay mượn câu chuyện từ nước ngoài, diễn xuất của diễn viên và mức độ "thuần hóa" của kịch bản đóng vai trò quan trọng trong việc hút khán giả.
Đạo diễn Danny Đỗ cho thấy nỗ lực đưa các yếu tố thuần Việt vào phim, từ hình ảnh làng gốm Bình Dương cho đến các món ăn quen thuộc như phở, gỏi cuốn... Nhưng các yếu tố về kỹ thuật quay phim, góc máy, diễn xuất lại không làm hài lòng khán giả.
Thiếu kiến thức y khoa?
Kịch bản gốc Good Doctor lấy nghề nghiệp bác sĩ làm trung tâm để khai thác. Nhưng xuyên suốt 20 tập phim của Bác sĩ hạnh phúc, những phân cảnh y khoa chỉ được thể hiện một cách hời hợt.
Ở đoạn mở đầu, nhân vật nam chính nhờ kiến thức chuyên ngành cao mà cứu sống bé trai gặp tai nạn. Tuy nhiên, chỉ riêng phân cảnh này đã bị nhiều khán giả trong ngành y chỉ ra các điểm sai trong kiến thức y khoa: gắn ống nội khí quản quá dài, đặt dẫn lưu màng phổi bằng ống hút, dùng sai từ "động mạch cổ"...
Một số khán giả bình luận: "Không nên mang kiến thức mình học được để phân tích những tình tiết khi xem phim này, bởi vì họ sai chuyên môn quá", "Làm phim về bác sĩ thì ít nhất cũng mời bác sĩ cố vấn thêm mấy từ chuyên ngành y khoa. Sao lại là động mạch cổ?"...
Việc chọn diễn viên không phù hợp, non kinh nghiệm cùng lời thoại thiếu thực tế khiến cho các kiến thức y khoa trong phim trở nên sáo rỗng, như đọc lại từ sách giáo khoa.
Cùng kịch bản nhưng The Good Doctor do Mỹ sản xuất lại nhận được sự thành công vượt cả bản gốc nhờ sự chỉn chu, kỹ lưỡng trong việc truyền tải các kiến thức y khoa.
Theo đó, nhiều người hy vọng với các kịch bản "khủng" từ nước ngoài, nhà làm phim có thể chuyển thể cho phù hợp bối cảnh. Đồng thời trang bị kỹ năng, kiến thức chuyên môn cho các diễn viên thay vì tập trung vào việc lựa chọn các gương mặt quen thuộc.
Bởi lẽ, với bản remake, nếu tài năng đạo diễn và diễn viên không đủ, bộ phim rất dễ chìm vào cái bóng của bản gốc và không được công chúng đón nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận