30/08/2021 19:18 GMT+7

Bác sĩ gửi 'tâm thư' hiến kế giảm tử vong bệnh nhân COVID-19 ở tâm dịch

PHẠM DUỆ - QUAN THẾ DÂN
PHẠM DUỆ - QUAN THẾ DÂN

TTO - PGS-TS Phạm Duệ, nguyên trưởng khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, và đồng nghiệp vừa gửi "tâm thư" tới các cấp có thẩm quyền, nêu các giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân COVID-19. Được sự chấp thuận, Tuổi Trẻ Online xin đăng tải.

Bác sĩ gửi tâm thư hiến kế giảm tử vong bệnh nhân COVID-19 ở tâm dịch - Ảnh 1.

Tổ quân y 316, Học viện Quân y chăm sóc F0 tại nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tâm thư" của PGS.TS.BS Phạm Duệ, nguyên trưởng khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, và TS.BS Quan Thế Dân từ tâm dịch về việc cấp thiết cần làm để góp phần giảm tử vong cho bệnh nhân COVID-19:

Chúng ta muốn giảm tỉ lệ tử vong, chúng ta đang cố gắng rất nhiều nhưng giảm chưa được nhiều. ECMO rất tiên tiến hiện đại nhưng rất đắt, khó sử dụng. Chúng ta đều biết điều trị tốt ở tầng 1, tầng 2 sẽ giảm tải cho tầng 3.

Sẽ giảm mạnh số bệnh nhân tử vong, nếu...

1. Tăng số người chăm sóc;

2. Chú ý đến cho bệnh nhân ăn, uống đủ nước và calo;

3. Nếu có người thường xuyên động viên tinh thần, giúp bệnh nhân thay đổi tư thế kể cả nằm nghiêng, nằm sấp, kết hợp vỗ rung, bệnh nhân sẽ đỡ suy hô hấp;

Để trả lời câu hỏi người ở đâu ra để làm việc này? Theo tôi, tại địa phương cần huy động những người đã được điều trị khỏi hoặc những người đã được tiêm vắc xin, hay người nhà bệnh nhân là tốt nhất, hãy tổ chức tập huấn cho họ rồi đưa họ vào phụ giúp điều dưỡng.

Bệnh nhân có thể ăn cháo thịt, sữa, bún phở, hủ tiếu... Cần bố trí đủ lượng và chất để bệnh nhân có sức chống chọi căn bệnh.

Cho bệnh nhân uống thêm Oresol pha đúng tiêu chuẩn, nước dừa hoặc nước hoa quả, sinh tố... người dân và các nhà tài trợ sẽ giúp nếu có hướng dẫn.

Nước dừa xiêm (hoặc dừa các loại) là rất tốt, vừa cung cấp năng lượng và nước, điện giải thiên nhiên vừa là sản vật ta có sẵn.

Bình tiếp nước và ống hút (bình nước của xe đạp thể thao, bình các loại để cấp nước cho bệnh nhân).

Về chăm sóc, các bác sĩ hướng dẫn và làm mẫu cho tình nguyện viên, sau đó sẽ cùng làm lần đầu. Chỉ ngắn gọn như vậy, nếu làm được ngay từ tầng 1, tầng 2 của tháp điều trị, tôi chắc bệnh nhân không phải leo tầng mãi lên và nguy hiểm tính mạng.

Trò ú tim khi cho người bệnh COVID-19 nặng ăn

Hôm lần đầu tiên vào buồng bệnh, tôi choáng ngợp trước quy mô của đại dịch. Bệnh nhân nằm la liệt, khó thở đủ các mức độ. Mà trong các thể loại cấp cứu, cấp cứu suy hô hấp phải khẩn trương nhất, dễ chết nhất. Nhân viên y tế thì vô cùng thiếu, quay như chong chóng trước diễn biến của bệnh.

Người quá thiếu, nhất là điều dưỡng, người trực tiếp chăm sóc. Nếu bác sĩ hiện nay đã làm 200% công suất thì các em điều dưỡng đang làm 300% sức lực, không biết sẽ gục ngã lúc nào.

Vì vậy để duy trì công việc và giúp đỡ lẫn nhau, sau khi khám bệnh xong các bác sĩ đều làm luôn công việc chăm sóc bệnh nhân, thay bỉm, cho ăn, cho uống nước. Các công việc đó nếu trước kia thì không có gì khó khăn, nhưng bây giờ lại khác.

Bệnh nhân COVID-19 thở gấp suốt ngày, phải gắng sức rất nhiều, nên mệt và càng không có sức để hô hấp dẫn đến khó thở hơn. Vòng xoáy này cứ đẩy dần bệnh nhân đến chỗ suy hô hấp không hồi phục rồi tử vong.

Trong đại dịch này chưa ai thống kê được có bao nhiêu người chết vì bão cytokine, bao nhiêu người chết vì suy kiệt. Bác sĩ cùng khoa cho tôi biết một ví dụ rất cụ thể: bệnh nhân của anh oxy máu đang 85, cho ăn xong oxy lên ngay 92. Thật là vi diệu.

Tuy nhiên cho người đang thở mặt nạ oxy ăn cứ như là trò chơi ú tim với COVID-19. Tôi bảo bệnh nhân: nào, ăn nhé. Người bệnh gật đầu. Tôi liền nhanh tay nhấc mặt nạ ra, đưa nhanh một thìa cháo vào miệng người bệnh, người bệnh há miệng nhận lấy thìa cháo xong tôi rút vội thìa ra, ụp mặt nạ oxy xuống cho bệnh nhân, thở tiếp đi.

Làm chậm một tí là oxy máu tụt. Phút sau, nuốt hết chưa, lại ăn tiếp nhé… Ngày đầu chưa có kinh nghiệm, đỡ bệnh nhân dậy, gỡ mặt nạ oxy ra ăn cho nó đàng hoàng, thì chưa được vài thìa đã lăn ra suy hô hấp dữ dội.

Tôi gần 40 năm trong nghề mà bây giờ mới lần đầu gặp dạng khó thở dữ dội đến vậy. Đấy là với những người bệnh vừa phải.

Còn nặng hơn thì chúng tôi đặt sonde dạ dày để bơm sữa nuôi ăn. Nặng nhất thì đặt ven truyền dung dịch dinh dưỡng, tuy nhiên mùa dịch này tìm được dung dịch nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rất khó.

Bác sĩ gửi tâm thư hiến kế giảm tử vong bệnh nhân COVID-19 ở tâm dịch - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Bịa tin Bịa tin 'chờ 2 tiếng mới được qua chốt kiểm soát COVID-19', người phụ nữ bị phạt 10 triệu

TTO - Chị V.T.H. thừa nhận không có mặt tại chốt kiểm soát COVID-19 trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng đã đăng tin sai sự thật lên Facebook với nội dung "đưa con đi khám bệnh về và chờ 2 tiếng đồng hồ mới được qua chốt kiểm soát dịch".

PHẠM DUỆ - QUAN THẾ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên