“Bác sĩ Google”: hỏi phải đúng cách

YÊN LAM 29/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - “Bị bệnh mà đi hỏi “bác sĩ Google” thì coi chừng mang họa!”. Đây là lời cảnh báo quen thuộc, nhưng thắc mắc về sức khỏe vẫn không là ngoại lệ của “cái gì không biết thì tra Google”...

BS Google

Một thăm dò của Pew thực hiện năm 2013 cho thấy 35% số người được hỏi có tra Google các triệu chứng của mình để tự chẩn đoán. Trong số những người tìm đến “bác sĩ Google” này, chỉ có khoảng 46% sẽ đi khám bác sĩ ngoài đời thật, trong khi 38% quyết định chữa “tại gia”.

Không khó để tìm thấy các bài báo cảnh báo về chuyện lợi bất cập hại khi thấy mệt hay có vấn đề trong người nhưng không tìm đến bác sĩ hay chuyên gia, mà gõ lọc cọc vào ô tìm kiếm.

New York Magazine giật tựa thống thiết “Bác sĩ thật sự muốn bạn ngừng tra Google khi có triệu chứng bệnh”, còn Business Insider đưa tin theo kiểu câu view “Đây là lý do tại sao tra cứu triệu chứng bệnh trên Google là ý tưởng tồi”, còn trang sheknows.com còn giật gân hơn với tít “Tự tra Google, triệu chứng bệnh của bạn còn nguy hiểm hơn ung thư”.

Bất chấp các khuyến cáo đó, thực tế cho thấy khoảng 1% các câu lệnh tìm kiếm trên Google liên quan đến các triệu chứng sức khỏe.

Tỉ lệ 1% tưởng không đáng kể, nhưng cũng tương đương hàng triệu lượt tìm kiếm trên cỗ máy tìm kiếm khổng lồ này. Theo trang Quartz, Google là công cụ tìm kiếm thông tin hữu hiệu, điều này không cần “quảng cáo”.

Với sức khỏe cũng thế, nếu biết cách vẫn có thể tìm được câu trả lời hữu ích từ “bác sĩ” Google. “Thật ra tác hại của việc tìm kiếm các chứng bệnh trên Google đã bị “làm quá”, khiến người ta quên đi thật sự vẫn có cách để Google giúp chúng ta trong chuyện này” - tác giả Sara Gorman viết.

Bí kíp không có gì cao siêu, chỉ là biết cách thẩm định “lời khuyên” của “bác sĩ Google”, đồng thời kiểm soát cảm xúc khi bắt đầu tìm kiếm và khi thấy kết quả.

Để tránh “bói ra ma, Google... ra bệnh”

Tác hại lớn nhất của việc tra cứu thông tin sức khỏe trên mạng chính là hội chứng cyberchondria, ghép giữa cyber (không gian mạng) và hypochondriac (bệnh tưởng, tức lo lắng quá mức cho sức khỏe).

Những người bị “bệnh tưởng vì Internet” thường đọc thông tin trên mạng rồi tự chẩn đoán các triệu chứng, vốn dĩ rất bình thường, thành bệnh nghiêm trọng. Thuật ngữ này cũng dùng để chỉ hiện tượng liên tục “lùng sục” thông tin về sức khỏe trên Internet.

Người bị hội chứng này thường cảm thấy lo lắng bất an, tin rằng mình bị bệnh mỗi khi đọc các thông tin chưa kiểm chứng về sức khỏe trên mạng và người bị nặng thậm chí còn không thèm nghe lời khuyên của bác sĩ rằng sức khỏe của họ vẫn ổn, chỉ là họ đang... tưởng tượng mà thôi.

Chứng “Google ra bệnh” khiến nhiều người tự nhiên phải tốn tiền đi bác sĩ, hoặc mua thuốc dù sức khỏe của họ vẫn ổn.

Khi gặp bác sĩ, những người bị “bệnh tưởng” thường khăng khăng đòi thầy thuốc kê đơn giống thông tin họ đọc trên mạng, hoặc tự “chỉnh sửa” bệnh tình cho khớp với chứng bệnh nào đó mà “bác sĩ Google” vừa mách họ.

Chẳng hạn, một người chỉ bị nhức đầu nhẹ nhưng lại khai thêm buồn nôn, mờ mắt vì tin rằng mình bị đau nửa đầu (vì đã đọc triệu chứng của bệnh này trên mạng).

Câu chuyện “cứ tra Google là nhìn thấy bệnh” cho thấy lỗi ở người tìm kiếm lớn hơn bản thân cỗ máy tìm kiếm. Vì thế, theo Quartz, có thể áp dụng các quy tắc của liệu pháp nhận thức - hành vi để tra Google các vấn đề về sức khỏe hiệu quả hơn như sau.

- Trước khi tra Google bất kỳ vấn đề về sức khỏe gì, hãy ngồi lại và đánh giá tinh thần mình đang thế nào. Viết ra các ý nghĩ trong đầu, nếu toàn là hoảng loạn hay nghĩ đến những kết quả tồi tệ, hãy tạm xa máy tính vài phút đến khi bình tĩnh lại.

- Phải hiểu động cơ chính khi tìm thông tin về sức khỏe trên mạng. Nếu động cơ liên quan đến cảm xúc như “lo lắng” hay “tra coi sao cho chắc ăn” thì chưa nên mở Google ngay, hãy dành vài phút bình tâm lại.

- Suy nghĩ câu lệnh tìm kiếm cẩn thận. Kết quả tra Google tùy thuộc vào cách ta đặt câu hỏi. Hãy liệt kê nhiều câu lệnh khác nhau cho cùng một vấn đề và chọn cái trung dung nhất. Chẳng hạn, nên tìm “bị xyz là bệnh gì?”, thay vì “bị bệnh A có chết không?”.

- Đừng dành quá nhiều thời gian “cày xới” các kết quả tìm kiếm. Ta có thể trở lại nếu cần thêm thông tin.

- Hiểu rõ giới hạn của việc tìm kiếm thông tin sức khỏe trên mạng rằng chúng chỉ là một trong những cách để ta chăm lo sức khỏe cho mình mà thôi. Cần phải tham khảo thêm những nguồn hữu ích khác, chẳng hạn bác sĩ, người thân.

Những lời khuyên này nghe có vẻ như chuyện đương nhiên, ai chẳng biết, nhưng với những người đang cảm thấy cơ thể khác thường lại mắc “bệnh tưởng Internet”, rất khó để họ đủ tỉnh táo và làm theo.

“Biết nghiêm khắc với chính mình để biết dừng lại và rời xa máy tính, khi tìm kiếm có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc sử dụng Google hữu ích hay phản tác dụng” - tác giả kết luận trên Quartz.

Một giải pháp hiệu quả khác được các bác sĩ khuyến khích là đừng tự mình tra Google, mà hãy nhờ người khác làm giúp.

Thăm dò nói trên của Pew cho thấy hơn 50% trong số những người trả lời có dùng Internet để tìm thông tin về sức khỏe cho biết họ tra cứu cho người khác. Những người này thường đặt câu hỏi tốt hơn và tiếp nhận, xử lý thông tin nhận được cũng tốt hơn những người đang có bệnh mà tự tra Google.

Tra Google các triệu chứng khi không thấy khỏe trong người là cách tốt nhất để tin rằng bạn sắp chết.
Tra Google các triệu chứng khi không thấy khỏe trong người là cách tốt nhất để tin rằng bạn sắp chết.

 

Người Ta hỏi “Bác sĩ Google” điều gì?

CNN hôm 15-12 cho biết theo phân tích dữ liệu của Google trong năm 2017, mười vấn đề sức khỏe dân Mỹ hỏi “bác sĩ Google” nhiều nhất là “Nguyên nhân nấc cụt/sỏi thận/cao huyết áp?”, “Làm sao ngưng ngáy?”, “Tại sao tôi hay mệt trong người?”, “Bị cúm chừng nào hết?”, “Huyết áp bao nhiêu là bình thường?”, “Làm sao giảm cholesterol?” và “Bệnh ADHD [rối loạn tăng động giảm chú ý] và lupus [ban đỏ hệ thống] là gì?”.

Còn trên phạm vi toàn cầu, các lệnh tìm kiếm về sức khỏe với từ khóa “tại sao” phổ biến nhất trong năm là “Tại sao nghiện (cái gì đó) lại xem là bệnh?”, “Tại sao mặt trên lưỡi của tôi đau?”, “Tại sao dấm táo lại tốt?”... Với từ khóa “là gì”, các thắc mắc phổ biến nhất là hỏi về phương pháp ăn kiêng ketogenic (ăn nhiều mỡ và giảm đường, tinh bột để ép cơ thể đốt cháy mỡ lấy năng lượng) hay thuốc giảm đau nhóm opioid (thuốc phiện).

Còn ở Việt Nam? Thử dùng cách của CNN, kết quả người Việt thắc mắc “Đau ngực/ói ra máu/ngủ ngáy to/nước tiểu có bọt là bệnh gì?” hay “Tại sao bị chuột rút?”...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận