07/03/2016 09:50 GMT+7

Bác sĩ gia đình - thuốc đặc trị cho “bệnh” quá tải

LÊ THANH HÀ thực hiện (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ thực hiện ([email protected])

TT - Người dân luôn mơ ước không phải đến bệnh viện, có bác sĩ gia đình (BSGĐ) gần nhà chăm sóc sức khỏe cùng điều trị bệnh thông thường. Mơ ước đó có thể thành hiện thực hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Ảnh: Thanh Hà
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Ảnh: Thanh Hà
“BSGĐ giống như “bác sĩ riêng”, biết hết bệnh tật, sức khỏe, tâm lý, thói quen, lối sống, yếu tố nguy cơ của từng người dân mà bác sĩ ấy quản lý. Nếu mỗi người dân có một BSGĐ chăm sóc như vậy, hệ thống y tế sẽ tránh được rất nhiều trường hợp phải vô bệnh viện
PGS.TS.BS NGUYỄN THANH HIỆP

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề nêu trên, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - phó hiệu trưởng, trưởng bộ môn y học gia đình Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - nói:

- “Bệnh” của hệ thống y tế hiện nay là quá tải, thuốc điều trị đặc hiệu cho “bệnh” này là mạng lưới BSGĐ.

Nguyên nhân chính là do chúng ta không có tuyến y tế cơ sở hiệu quả để sàng lọc những bệnh thông thường, qua đó tránh được những trường hợp không cần thiết mà vẫn vô bệnh viện.

Cái lỗi của hệ thống y tế là thời gian để gặp bác sĩ khám, nói chuyện về chuyên môn hầu như chỉ dưới 1-2 phút, còn thời gian di chuyển, chờ đợi, xếp hàng lấy thuốc... mất mấy giờ.

Khi mạng lưới BSGĐ phát triển sẽ giúp cải tổ lại toàn bộ hệ thống y tế, bao gồm y tế chuyên sâu, y tế cơ sở, hệ thống nhà thuốc, xét nghiệm và kể cả bảo hiểm y tế (BHYT).

Hiệu quả cho xã hội sẽ là giảm chi phí, kéo dài tuổi thọ người dân, giảm tỉ lệ bệnh nặng, tăng sự hài lòng của người dân về các dịch vụ y tế.

* Ông có thể cho biết chức năng BSGĐ?

- BSGĐ là bác sĩ chuyên khoa có kiến thức tổng quát, người ở gần dân nhất, có nhiệm vụ theo dõi, bảo vệ sức khỏe liên tục, suốt đời cho một cá nhân, một gia đình và cộng đồng xung quanh.

Khi cần thiết phải chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa khác, đến tuyến trên thì BSGĐ là người ra quyết định. BSGĐ là người có đủ khả năng khám, điều trị, dự phòng, giáo dục sức khỏe các bệnh lý ngoại trú, các vấn đề sức khỏe thông thường.

Xu hướng thế giới hiện nay là những vấn đề sức khỏe nào giải quyết được ở ngoài bệnh viện là giải quyết hết. Người ta có cả hệ thống giúp cho người bệnh được khám chữa bệnh thông thường tiện ích nhất, thậm chí khám bệnh tại nhà.

* Theo PGS, chủ trương nhân rộng phòng khám BSGĐ theo mô hình của Bộ Y tế vừa đề ra có phù hợp thực tế và có làm được không?

- Lợi thế của chúng ta là có mạng lưới trạm y tế phường xã, có mạng lưới phòng mạch tư rất gần gũi với người dân. Đây là điểm rất tuyệt vời, các nước khác mơ cũng không có được. Vấn đề là làm sao triển khai những cái tuyệt vời đó theo hướng y học gia đình. Bộ Y tế đang đi đúng hướng.

Muốn triển khai BSGĐ phải có chính sách thực hiện quyết liệt và đồng bộ, cả hệ thống chính trị phải cùng góp sức thì mới làm được. Việc thực hiện phải có lộ trình, từng bước với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cơ quan quản lý y tế, trường đại học y, BHYT và đặc biệt là nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng...).

Cần triển khai theo gói dịch vụ sức khỏe từ thấp lên cao. Phải xây dựng được gói khám chữa bệnh cơ bản thiết yếu, thậm chí là miễn phí cho người dân ở y tế cơ sở. Gói dịch vụ này ngày càng phát triển theo mức gia tăng bình quân thu nhập đầu người.

Khi có một BSGĐ ở gần nhà, có thẻ BHYT, được cấp thuốc, được lấy máu xét nghiệm tại chỗ... thì người dân đâu cần đến bệnh viện. Khi đó bệnh viện sẽ làm đúng chức năng của mình, y tế cơ sở làm đúng chức năng là bảo vệ, chăm sóc, dự phòng và điều trị những bệnh thiết yếu, thông thường cho người dân.

* Nhiều trạm y tế hiện thiếu bác sĩ nhưng phải thực hiện rất nhiều chương trình sức khỏe và nhiệm vụ khác. Liệu có thể đảm đương nhiệm vụ của một phòng khám BSGĐ?

- Để làm được phòng khám BSGĐ ở trạm y tế thì phải có phân loại công việc và tổ chức nguồn nhân lực. Không thể duy ý chí là muốn có phòng khám BSGĐ ở trạm y tế nhưng lại không xem xét những điều kiện để làm được việc này.

Phải có bác sĩ chuyên môn, phải có cả hệ thống IT hỗ trợ công nghệ, hệ thống các trường đại học hỗ trợ cập nhật kiến thức, hệ thống chuyển tuyến và phản hồi thông tin khi bệnh nhân nhập viện, hệ thống hỗ trợ xét nghiệm chuẩn, thuốc thiết yếu tại chỗ hoặc tại nhà thuốc gần người dân nhất.

Ngoài ra, bác sĩ ở trạm y tế phải được đào tạo bài bản về BSGĐ, phải có chính sách tốt để thu nhập không những không giảm mà còn phải cao hơn. Nếu quỹ BHYT thanh toán đủ chi phí khám chữa bệnh thì giai đoạn đầu cần chấp nhận BSGĐ là dịch vụ, người dân khi đến khám bệnh phải chấp tiền chênh lệch khám với mức có thể chi trả được.

Chúng ta cũng nên có tư duy doanh nghiệp, chuỗi hệ thống. Những trạm y tế nào, phòng mạch nào là phòng khám BSGĐ thì nên được quảng bá thương hiệu để người dân nhận biết mà lựa chọn. Vấn đề là Nhà nước phải đảm bảo chất lượng dịch vụ của BSGĐ đúng quy trình chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp, có hệ thống hỗ trợ đầy đủ.

* Theo PGS, BHYT cần làm gì để đáp ứng với việc mở rộng mạng lưới BSGĐ?

- Quy định chi trả BHYT hiện nay giống như đang khuyến khích người dân “hãy bệnh đi tôi mới lo, không bệnh tôi không lo”. Quy định này là bất cập, chưa khuyến khích phát triển BSGĐ theo hướng dự phòng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đúng ra, khi bác sĩ tư vấn, lập hồ sơ sức khỏe cho bệnh nhân chu đáo, người dân chịu đi chích ngừa phòng bệnh thì phải thanh toán tiền tư vấn, lập hồ sơ sức khỏe.

Ngay cả quy định khám xét nghiệm tầm soát bệnh, tư vấn bỏ thuốc lá, tư vấn dinh dưỡng hợp lý, giảm cân, thay đổi hành vi nguy cơ có hại cho sức khỏe vẫn không được BHYT thanh toán, khi lòi ra bệnh mới chịu thanh toán.

Người dân mua BHYT rất muốn có một gói dịch vụ y tế cơ bản để bảo vệ sức khỏe ban đầu. Thật ra không tốn bao nhiêu, bảo hiểm xã hội phải tính đến việc chi trả gói này cho phòng khám BSGĐ để sử dụng theo ca khám hoặc khoán theo định suất.

Nếu bác sĩ bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe cho dân, không có bệnh nhiều thì tiền dư ra bác sĩ được hưởng. Khi đó bác sĩ sẽ cố gắng hướng về dự phòng để làm sao cho người dân đừng bệnh.

* Cơ quan quản lý làm sao giám sát việc chi trả BHYT cho người dân đến từng phòng khám BSGĐ?

- Khi triển khai BHYT đến hệ thống BSGĐ chắc chắn sẽ có quy định giám sát chi trả. Qua giám sát, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ biết được trong năm qua bác sĩ A cho bao nhiêu kháng sinh, cho bao nhiêu lượt siêu âm...

Ở góc độ chuyên môn, nhìn vô sẽ biết được bác sĩ A có lạm dụng hay không. Nếu có dấu hiệu lạm dụng thì lập đoàn kiểm tra, phạt nặng bằng việc rút bằng bác sĩ, xóa chứng chỉ hành nghề suốt đời đối với những người vi phạm.

Khi một bác sĩ làm việc rất nhiều năm mới tạo được uy tín, thì vi phạm một lần về đạo đức nghề nghiệp là coi như thất nghiệp, như vậy sẽ không có bác sĩ nào dám làm sai.

* Nhiều nước trên thế giới quy định mỗi BSGĐ theo dõi sức khỏe cho khoảng 2.000-3.000 dân. Nếu VN cũng thực hiện như vậy, làm sao có đủ BSGĐ thưa PGS?

- Về nguồn lực, không lo thiếu. Giai đoạn một chúng ta có nguồn lực y tế là các bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện, khuyến khích họ làm BSGĐ. Giai đoạn hai chúng ta có lứa BSGĐ tốt nghiệp ra trường, được đào tạo bài bản.

Các bác sĩ đang làm bệnh viện thường buổi tối làm phòng mạch ở nhà, nên không thiếu nguồn lực làm BSGĐ. Vấn đề là có chính sách khuyến khích để các bác sĩ tham gia làm các dịch vụ liên quan đến BSGĐ.

Tại TP.HCM hiện có khoảng 230 trạm y tế, khoảng 17.000 phòng mạch tư, nếu một nửa trong số này làm phòng khám BSGĐ thì cơ bản giải quyết được vấn đề quá tải, chỉ cần 1- 2 năm thì bộ mặt bệnh viện sẽ thay đổi hẳn.

Có vấn đề cần lưu ý là những bệnh viện đang quá tải thật sự vẫn muốn sự quá tải vì nó liên quan đến thu nhập. Để giải quyết vấn đề này rất đơn giản, bài toán kinh tế là khám đúng chuyên khoa và chỉ khám chuyên khoa mà thôi, còn lại là công việc của BSGĐ. Bác sĩ ở bệnh viện vẫn có thể sáng khám chuyên khoa ở bệnh viện, chiều về phòng mạch làm BSGĐ sau khi được đào tạo và có chứng chỉ.

Cần thay đổi tư duy

* Có ý kiến cho rằng để các bác sĩ ủng hộ và tham gia, nhất là người dân tin cậy và đến với BSGĐ là chuyện không hề đơn giản...

- Theo tôi, cần phải có sự thay đổi tư duy của cả hệ thống, từ các cấp lãnh đạo đến người dân. Người dân phải thấy được quyền lợi của mình trong mô hình chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở.

Dịch vụ BSGĐ cũng theo cơ chế thị trường, có cạnh tranh giữa tư nhân và Nhà nước. Người dân sẽ tự do chọn lựa nơi có dịch vụ và chất lượng tốt, tiện ích nhất, gần nơi mình sinh sống nhất.

Yếu tố gần dân nhất rất quan trọng, bởi có như vậy BSGĐ mới hiểu hết được đời sống vật chất, tinh thần, tâm lý người dân, thuận tiện đi lại thăm khám, thân thiện, gần gũi như thành viên trong gia đình.

Phòng khám BSGĐ có thể hoạt động trong giờ và ngoài giờ với cùng một mức giá, tham gia trực gác cấp cứu, các chiến dịch phòng bệnh, giáo dục y tế học đường, quản lý các bệnh mãn tính, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc trước nhập viện, sau xuất viện, chăm sóc cuối đời, chăm sóc mẹ và bé sau sinh, điều phối chăm sóc tại nhà, tuyên truyền giáo dục sức khỏe.

Về phía các cấp lãnh đạo phải có thành viên chính phủ, lãnh đạo bộ ngành chủ lực giao ban định kỳ với các tỉnh thành, quận huyện để theo dõi thường xuyên, thấy có khó khăn gì phải giải quyết ngay. Chúng ta cũng cần có hội BSGĐ - đại diện cho để lên tiếng về những khó khăn, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Trước mắt, ngay trong năm 2016 phải có những cơ chế chính sách giống như một kết cấu hạ tầng cơ sở để làm bệ phóng cho BSGĐ. Tạo điều kiện cho hệ thống phòng mạch tư, trạm y tế làm mới lại bộ mặt để người dân nhận biết có BSGĐ ở đó.

 

LÊ THANH HÀ thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên