Bác sĩ gia đình giải quyết được gì?

BS VÕ XUÂN QUANG 21/05/2016 22:05 GMT+7

TTCT - Để việc tầm soát ung thư hiệu quả, tuyến y tế cơ sở phải thật sự là chốt chặn ngay từ đầu để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường trên người bệnh. Ở nhiều nước, bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã làm tốt điều này.

Ai bảo vệ bạn?
Ai bảo vệ bạn?


Trong tháng 3, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ giai đoạn 2016-2020 quy mô toàn quốc, xem đây là một biện pháp quan trọng để giải quyết vấn đề quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện lớn. Trên thực tế, đây là một vấn đề không dễ dàng.

Bác sĩ gia đình là ai?

Khái niệm BSGĐ được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, là một thành viên của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm ngăn ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe.

BSGĐ cũng được hiểu như bác sĩ tổng quát vì họ chăm sóc cho cá nhân và gia đình - mọi giới, mọi tuổi, mọi loại bệnh trên mọi bộ phận cơ thể. Về mặt đào tạo, chuyên khoa BSGĐ ở Mỹ cũng theo công thức 4-4-3, bao gồm 4 năm khoa học cơ bản, 4 năm y khoa và 3 năm nội trú bệnh viện.

Trong 3 năm nội trú, họ cần đi qua các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, tâm thần, lão khoa, cấp cứu - có thể nói gần như chương trình đào tạo đa khoa 6 năm ở Việt Nam. Các bác sĩ chuyên khoa khác thường cần thêm thời gian, tùy theo nhóm mà có thể thêm từ 2-4 năm.

Về mặt thực hành, các BSGĐ hoàn toàn làm việc ở phòng khám của mình và nhận một số bệnh nhân nhất định để theo dõi và quản lý. Các bác sĩ chuyên khoa hoặc làm ở bệnh viện hoặc có phòng khám riêng và nhận tư vấn cho bệnh nhân từ các phòng khám gia đình.

Bệnh nhân đến phòng khám gia đình để được khám định kỳ hằng năm. Các vấn đề về chuyên khoa được phát hiện sẽ gửi đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám, cho ý kiến hoặc nhận điều trị chuyên khoa. Khi cần can thiệp thì bệnh nhân mới phải vào bệnh viện. Như vậy, mỗi bệnh nhân có một BSGĐ nhưng có thể có nhiều bác sĩ chuyên khoa.

Không thể nói bác sĩ chuyên khoa là giỏi còn BSGĐ là dở. Sự so sánh như thế có phần khập khiễng vì bản thân hai công việc rất khác nhau và sự phân công trong ngành y xuất phát từ các đặc thù của sự phát triển bệnh tật và công tác chăm sóc sức khỏe.

Bác sĩ gia đình ở Việt Nam khác gì?

Ở Việt Nam, rất nhiều người không cảm thấy có nhu cầu về BSGĐ. Chủng ngừa? - Đã có trạm y tế! Bệnh nhẹ một tí? - Ra nhà thuốc sẽ được anh dược tá xử lý đến nơi đến chốn, đủ loại kháng sinh mạnh nhất, giảm đau tốt nhất, thêm vào vài viên thuốc dexa cho mau lành. Bệnh nặng một tí? - Vô số bác sĩ, giáo sư hàng đầu của cả nước, hàng loạt bệnh viện tuyến cao nhất. Mệt mỏi trong người? - Rất nhiều y tá sẵn sàng đến nhà “vô nước biển” cho mau khỏe.

Bác sĩ cũng không muốn thành BSGĐ. Cũng cùng học 6 năm, chỉ cần xin vào bệnh viện, vào khoa tim thì nghiễm nhiên trở thành bác sĩ tim mạch. Vào khoa ngoại, lập tức có cái mác bác sĩ phẫu thuật. Cái sự chuyên khoa ở Việt Nam gắn liền với danh vọng, địa vị và tiền bạc, mà lại đơn giản thế, nên chẳng ai muốn thành BSGĐ cả.

Mặc dù tình hình được cải thiện nhưng số người quan tâm đến việc khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe hằng năm chưa nhiều. Nếu có, phần lớn là các công ty, cơ quan nhà nước phải triển khai khám cho người lao động theo yêu cầu của luật.

Cái sự “định kỳ” này khôi hài ở chỗ là do phụ thuộc chi phí nên việc thay đổi nơi khám hầu như xảy ra hằng năm. Bởi vậy, việc lưu trữ hay theo dõi chẳng có mấy tác dụng và bác sĩ khám chẳng phải là BSGĐ... Các bệnh viện cũng chỉ chú ý đến việc lưu trữ hồ sơ nội trú và bỏ qua việc quản lý bệnh nhân ngoại trú. Có chăng, đó chỉ là những quyển sổ khám sức khỏe mà bệnh nhân phải tự giữ và tự quản lý.

Từ năm 2000, Bộ Y tế đã công nhận chuyên ngành y khoa gia đình nhưng việc đào tạo chỉ là bổ sung, cập nhật kiến thức cho những bác sĩ có nhu cầu. PGS.TS Phạm Lê An - trưởng Trung tâm đào tạo BSGĐ, ĐH Y dược TP.HCM - cho biết sau 14 năm đào tạo, chỉ có hơn 100 bác sĩ chuyên khoa 1 và hơn 300 bác sĩ học thêm định hướng y khoa gia đình (3, 9 và 18 tháng).

Cho đến nay, cả nước chỉ có khoảng 240 phòng khám gia đình với khoảng 1.000 bác sĩ có định hướng gia đình, phần lớn theo mô hình trạm y tế. Nói cách khác, vẫn không phải là một mô hình y khoa gia đình như của thế giới.

Về phía người dân, họ không hiểu ý nghĩa của BSGĐ và vẫn giữ thói quen đến bệnh viện hay tìm đến các bác sĩ chuyên khoa dù chỉ là cảm cúm sổ mũi thông thường.

Làm lại thế nào?

Sự mập mờ trong đào tạo và sự nhập nhằng trong thực hành là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn và quá tải trong công tác khám chữa bệnh hiện nay. Chúng ta đào tạo các bác sĩ đa khoa - bản chất là BSGĐ - nhưng lại không thiết lập được mạng lưới y tế cơ sở.

Do không có hệ thống chăm sóc y tế gia đình hiệu quả, việc chẩn đoán quan sát và phát hiện các thay đổi để phát hiện và điều trị bệnh sớm không có tác dụng. Nền y tế của chúng ta chủ yếu là đối phó với bệnh ở giai đoạn trễ và các tai biến của nó - phần lớn diễn ra ở bệnh viện, dẫn đến tăng nhu cầu số bác sĩ chuyên khoa. Cả quá trình trở thành một cái vòng luẩn quẩn.

Để cắt đứt vòng luẩn quẩn đó, chỉ có một cách: củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, phân biệt rõ ràng ý nghĩa chăm sóc y khoa gia đình và chuyên khoa, đưa dần trọng tâm chăm sóc y tế về tuyến cơ sở thay vì dồn về các bệnh viện tuyến cuối như hiện nay.

Hệ thống phòng khám gia đình hoạt động hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng:

- Quản lý tốt các bệnh mãn tính và giảm thiểu các tai biến, biến chứng.

- Thuận lợi triển khai các chương trình tầm soát ung thư định kỳ theo các tiêu chuẩn thống nhất.

- Giảm chi phí khám chữa bệnh của xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến.

Để xây dựng hệ thống y khoa gia đình, cần giải quyết vấn đề từ gốc. Không thể chỉ cập nhật 3 tháng kiến thức và dựng bảng BSGĐ lên là được. Cũng không thể kêu gọi các phòng khám tư nhân hiện nay đi học thêm và đăng ký hành nghề BSGĐ. Cũng không tự nhiên mà đến năm 2020 chúng ta có 9.000 BSGĐ như mong muốn. Việc xây dựng hệ thống y khoa gia đình cần có sự đồng bộ về nhu cầu xã hội, đào tạo nhân lực và chính sách điều hành.

Trước hết, cần loại trừ lập tức, tuyệt đối và vĩnh viễn cái nghịch lý “bác sĩ bán thuốc, dược sĩ khám bệnh” ở nước ta. Chuyện này vẫn “đánh trống bỏ dùi”, chẳng hề có chút hiệu quả. Những quy định rạch ròi về thuốc kê toa và không kê toa cần được quy định lại với thái độ kiên quyết như việc đội mũ bảo hiểm.

Các hiệu ứng phụ của việc này còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm lạm dụng kháng sinh, giảm tai biến thuốc. Kế đến, phân biệt rạch ròi vấn đề tuyến và chuyên khoa. Bệnh viện không nên là nơi ôm đồm các bệnh nhân mãn tính vốn có thể được theo dõi và điều trị ở tuyến cơ sở.

Bệnh nhân cao huyết áp hay tiểu đường hoàn toàn có thể được theo dõi tốt ở các phòng khám gia đình. Khi có biến động (đường huyết tăng, huyết áp cao khó kiểm soát...), BSGĐ hoàn toàn có thể nhờ các phòng khám chuyên khoa tư vấn thêm. Chỉ khi có biến chứng cần xử lý (hôn mê tăng đường huyết, tai biến mạch máu não...), bệnh nhân mới cần đến bệnh viện. Các quy định hành chính và thủ tục thanh toán bảo hiểm là những công cụ đắc lực để điều phối.

Cuối cùng, phòng khám gia đình là nơi lý tưởng để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu. Công tác tiêm chủng và tầm soát ung thư sớm là những chương trình có thể được thực hiện tốt ở các phòng khám gia đình. Việc tuyên truyền và thông tin về các chương trình này sẽ hỗ trợ cho hoạt động của các phòng khám gia đình.

Phải chuẩn hóa chế độ đào tạo. Việc mập mờ giữa bác sĩ chuyên khoa và BSGĐ hiện nay xuất phát ngay từ chính chương trình đào tạo từ các trường đại học. Do không có sự khác biệt rõ ràng trong đào tạo nhưng giá trị thực tế quá chênh lệch, không có sự thu hút vào chuyên ngành BSGĐ.

Chi phí khám chữa bệnh cần đảm bảo mức thu nhập cho một BSGĐ. Ít nhất, điều này sẽ thuận lợi hơn việc tăng chi phí khám chữa bệnh trong bệnh viện vì hầu hết các dịch vụ thực hiện tại một phòng khám gia đình đều là đơn giản và chi phí thấp. Việc chi trả xứng đáng cho chăm sóc y tế cũng phản ánh sự tôn trọng của xã hội đối với loại dịch vụ này.

Ở Mỹ, thu nhập trung bình hằng năm của một BSGĐ từ 100.000 đến 150.000 USD, thấp hơn vài lần so với các bác sĩ chuyên khoa trong bệnh viện. Ở ta, có lẽ vấn đề của các nhà quản lý là phải tính toán mức thu nhập tương xứng mới có thể đưa mô hình BSGĐ tiêu chuẩn trở thành hiện thực.

Mặt khác, các quy định về phòng khám ngoài giờ rõ ràng không thích hợp với mô hình phòng khám gia đình. Đây phải là những phòng khám toàn thời gian thuộc hệ y tế tư nhân với những tiêu chuẩn cụ thể để quản lý. Các chính sách chi trả của bảo hiểm y tế, một lần nữa sẽ là công cụ điều hòa và chi phối nhu cầu khám chữa bệnh. Ý tưởng cho bảo hiểm thanh toán khi bệnh nhân đến khám phòng khám gia đình vừa được bộ trưởng nêu ra trong một hội nghị ngày 4-3 là một bước tiến mới.

Để kết luận, có thể nhấn mạnh một lần nữa ý nghĩa và tầm quan trọng của sự phân biệt y tế chuyên sâu và y tế cơ sở. Vì nhiều lý do, chúng ta đã bỏ qua nhiều vấn đề hết sức cơ bản của một nền y tế lành mạnh. Việc tập trung nguồn lực đi khắc phục các hiện tượng như quá tải, chất lượng dịch vụ kém, tai biến y khoa... sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Mô hình BSGĐ là một bước đi chính xác, nhưng việc triển khai và thực hiện nó như thế nào để có hiệu quả thật sự phải có quyết tâm lớn.■

Công việc chủ yếu của một bác sĩ gia đình

- Theo dõi tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân, chủng ngừa, điều chỉnh các bệnh mãn tính như tăng mỡ máu, loãng xương, cao huyết áp...

- Phát hiện sớm bệnh, đặc biệt là ung thư. Chỉ định tầm soát ở những thời điểm phù hợp.

- Phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa để có chế độ điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận