Tôi là bác sĩ điều trị ung thư. Rất nhiều bệnh nhân ung thư đã đến với tôi. Nhìn phòng chờ ở khoa luôn đông nghịt người, tôi thoáng chút kiêu hãnh khi sải bước về phía phòng mổ.
Họ đến là vì uy tín của tôi. Lịch mổ của tôi luôn dài dằng dặc, thậm chí khi tôi bận làm luận án tiến sĩ, có cô giáo viên đã xếp hàng chờ tôi gần một tháng.
Tôi hít một hơi dài. Phải, phía sau kính hiển vi kia không chỉ là xương thịt của một bệnh nhân bình thường, mà còn là xương thịt của chính tôi, mang căn bệnh mà chính tôi đang phải chống chọi. Tôi dồn cảm giác vào những ngón tay và chiếc kéo lại bén ngọt như xưa…
Điều khiến tôi suy nghĩ và đôi khi cảm thấy mệt mỏi, không chỉ khi cầm dao mổ mà chính là khi tiếp xúc với bệnh nhân cùng thân nhân.
Tôi quá biết, bị ung thư là một cú sốc. Nhưng mỗi bệnh nhân sốc theo một kiểu khác nhau, mà hơn 20 năm qua tôi vẫn không quen được.
Ở phòng chờ, tôi luôn gặp những khuôn mặt thất thần, đờ đẫn. Họ vào phòng tôi với dòng nước mắt tuôn trào. Rất khó để nói cho họ nghe về bất cứ điều gì lúc đó, trong khi tôi không phải là bác sĩ tâm lý và trong khi đôi tay tôi như rụng rời sau các ca phẫu thuật kéo dài.
Cho đến một ngày, tôi bắt đầu bị ợ chua và có cảm giác buồn nôn. Đấy cũng là giai đoạn tôi phải thức khuya triền miên để làm luận án tiến sĩ. Khi tì laptop vào bụng để hoàn thiện nốt báo cáo, tôi có cảm giác đau...
Ban đầu tôi không tin vào kết quả chẩn đoán của bác sĩ khoa hình ảnh. Trưởng khoa, cũng là bạn tôi, chạy xuống cho chiếu chụp lại, rồi nhìn phim lắc đầu. Tôi chợt hiểu: "Mình, hỏng rồi".
Tôi bị chẩn đoán ung thư ruột giai đoạn 4.
***
Trên đường về nhà sớm, trong đầu tôi chỉ duy nhất có một từ lặp đi lặp lại: "Mình, hỏng rồi". Hàng ngàn con tính ập đến... Lúc đó thú thực, tôi không còn nghĩ đến cái lịch mổ dài dằng dặc hay cô giáo viên mà tôi hứa bảo vệ luận án xong sẽ mổ cho cô trước tiên.
Đó là một ngày thứ bảy, tôi trải qua cái cảm giác mà bây giờ tôi gọi là "bị đơ", tức là không suy nghĩ được bất kỳ điều gì nữa. Tất cả trọng lượng dồn xuống chân như thể một ngôi nhà đổ xuống thành một đống gạch. Đêm thứ bảy là một đêm trắng và âm u.
Tôi lẩn thẩn nghĩ giá như mình không phải là một bác sĩ ung thư, mà là một bệnh nhân bình thường thì tốt biết bao. Ngay lúc này mình có thể tìm một bác sĩ để được động viên. Nhưng oái oăm thay, tôi đã quá hiểu về căn bệnh của mình.
Chính tôi đã đưa ra những hi vọng cho những người giống tôi lúc này, để một số người tiếp tục sống, và một số người không qua khỏi số phận. Tôi chỉ có một cuộc đời. Tôi cần tỉ lệ sống sót là 100%.
Chợp mắt một lúc thì trời rạng sáng, một ngày mới. Lúc đó tôi bỗng nảy ra suy nghĩ, các bệnh nhân đang xếp hàng chờ được tôi mổ sẽ nghĩ gì khi biết tin bác sĩ của họ cũng bị ung thư và biến mất? Họ sẽ choáng váng, rụng rời? Họ sẽ thấy số phận quá nghiệt ngã, không buông tha bất kỳ ai, kể cả cái người mà họ đặt niềm tin vào như đặt niềm tin vào một vị thần, cũng đã gục ngã.
Có thể họ sẽ tìm được một bác sĩ phẫu thuật khác giỏi hơn tôi. Ca mổ của họ có thể thành công hoặc thất bại. Nhưng với họ lúc này và sau này nữa, họ có thể tin vào ai?
Không, số phận có thể nghiệt ngã với tôi và họ, nhưng ít ra tôi cũng sẽ cho họ thêm một "đồng minh" trong cuộc chiến với bệnh tật. Phải, tôi có thể không còn là vị cứu tinh cho họ nữa, nhưng tôi vẫn còn là đồng minh của họ cơ mà.
Tôi gượng dậy với ý nghĩ đó. Hai ngày hôm sau tôi bước vào phòng phẫu thuật, lúc này với tư cách bệnh nhân. Tôi mỉm cười với bác sĩ cầm dao mổ. Anh ấy là bạn tôi, cũng vừa bảo vệ luận án tiến sĩ với tôi. Anh ấy chẩn đoán tôi chỉ bị ở giai đoạn 2, và kết quả đúng như thế.
***
Tôi vẫn mặc chiếc áo blu trắng cũ, lướt qua phòng chờ, tiến về phía phòng mổ. Hơn một tháng trước, bệnh nhân vẫn thường bình luận rằng tôi sải bước quá nhanh, chạy cũng không theo kịp.
Nhưng nếu trước kia tôi bước nhanh vì ca mổ đang chờ đợi phía trước, mà bác sĩ thì không được phép tỏ ra rề rà, thì bây giờ tôi bước nhanh còn vì muốn chứng tỏ một điều khác: tôi vẫn rất khỏe và rất tự tin.
Nhiều bệnh nhân biết tin tôi bị bệnh, ban đầu rụt rè, ái ngại. Dần dà, khi tôi hỏi thăm họ, họ cũng hỏi thăm lại tôi. Và điều kỳ lạ là họ bắt đầu an ủi tôi bằng chính bệnh tình của họ, đang tiến triển rất tốt. Họ mách tôi những liều thuốc, những loại thực phẩm nên ăn.
Tôi mỉm cười. Dần dà tôi quen với sự hỏi thăm qua lại đó. Thậm chí khi bệnh nhân chưa biết tôi bị bệnh, tôi đã chủ động vạch buồng tiêm trên vai để họ biết tôi đang điều trị như thế nào.
Đang điều trị hóa chất, tôi đã trở lại bệnh viện làm việc vài giờ mỗi ngày. Tôi đã cầm lại dao mổ. Ca mổ đầu tiên của tôi sau khi trở lại, vẫn rất đúng hẹn, là dành cho cô giáo viên đã xếp hàng chờ tôi đến lúc đó là hơn hai tháng.
Qua kính hiển vi, chiếc kéo vi phẫu của tôi rung lên như chiếc cần câu. Sức khỏe tôi yếu nên tay bắt đầu run, đó là điều khó tránh khỏi. Tôi hít một hơi dài.
Phải, phía sau kính hiển vi kia không chỉ là xương thịt của một bệnh nhân bình thường, mà còn là xương thịt của chính tôi, mang căn bệnh mà chính tôi đang phải chống chọi. Tôi dồn cảm giác vào những ngón tay và chiếc kéo lại bén ngọt như xưa...
Tôi viết những dòng này khi chuẩn bị cho đợt điều trị hóa chất thứ 4. Phía trước còn 8 đợt nữa.
Khoảnh khắc cầm kết quả nội soi đã biến tôi từ vị thế của một "vị cứu tinh", luôn tràn đầy kiêu hãnh và tự tin... trở thành một bác sĩ "đồng minh" với những người bệnh trong cuộc chiến đấu cho cả hai bên.
Vài tuần nữa, khi nhận bằng tiến sĩ - nếu được phát biểu, tôi cũng sẽ chỉ nói ngắn gọn như thế.
Từ ngày 2 đến 6-7, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Phạm Thanh Thủy, Võ Thị Kim Ngân, Bùi Thị Thúy Hiền, Trần Văn Tám (TP.HCM); Nguyễn Oanh (Hà Tĩnh); Hạ Ngọc Quân (Đà Nẵng); Nguyễn Thị Việt (Lâm Đồng); Nguyễn Bửu Giao (Đồng Nai); Nguyễn Thị Ngọc Bích (Cần Thơ); Thị Lê, Minh Li, Thu Trang.
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email [email protected]. Trân trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận