23/02/2022 12:54 GMT+7

Bác sĩ 'dỏm' trong khu cách ly điều trị COVID-19 có thể bị xử lý ra sao?

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh bác sĩ để vào khu điều trị F0 ở Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM, quận 12 đang gây xôn xao dư luận đang được cơ quan chức năng làm rõ. Từ câu chuyện này, dư luận đặt câu hỏi Khiêm có thể bị xử lý ra sao?

Bác sĩ dỏm trong khu cách ly điều trị COVID-19 có thể bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

"Thẻ sinh viên" của "bác sĩ dỏm" Nguyễn Quốc Khiêm đăng tải trên mạng xã hội

Có dấu hiệu của nhiều tội

Theo thông tin báo chí phản ánh, Nguyễn Quốc Khiêm (26 tuổi, quê Ninh Thuận) học Cao đẳng Sài Gòn - Gia Định, niên khóa 2016-2018 (trung cấp, chuyên môn y sĩ đa khoa). Người này xác nhận chưa bao giờ học ở Trường đại học Y dược TP.HCM và chưa từng thực tập, làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Từ tháng 7-2021, sau khi giả danh là sinh viên Trường đại học Y dược TP.HCM để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung, Khiêm trở thành "thạc sĩ - bác sĩ điều trị", ra các y lệnh điều trị cho các bệnh nhân F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM (quận 12).

Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), với những thông tin bước đầu, Khiêm đã có những hành vi vi phạm pháp luật. 

Cụ thể là Khiêm đã cố tình làm giả các giấy tờ để chứng minh mình là sinh viên của Đại học Y dược TP.HCM để từ đó được nằm trong danh sách tình nguyện viên tham gia chống dịch và được phân công về khu cách ly Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM. Như vậy Khiêm có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Sau khi vào khu cách ly, thay vì chỉ làm nhiệm vụ của một tình nguyện viên như các sinh viên khác: phụ lấy mẫu test, chăm lo bệnh nhân ăn uống… thì Khiêm lại mạo danh mình là thạc sĩ - bác sĩ nội trú, để trực tiếp tham gia vào việc thăm khám và ký vào các giấy tờ có liên quan. Như vậy hành vi của Khiêm có dấu hiệu của tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.

Tương tự, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng hành vi của Nguyễn Quốc Khiêm là vi phạm pháp luật. Theo thông tin ban đầu, Khiêm đã thực hiện hai hành vi khác nhau, là hành vi làm giả con dấu, tài liệu và hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng… thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Còn nếu làm giả 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên… thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, luật sư Tuấn cũng cho rằng hành vi của Khiêm có dấu hiệu tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.

Cần xem xét trong bối cảnh cụ thể

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng hành vi của Nguyễn Quốc Khiêm đáng trách nhưng cũng đáng thương, bởi tinh thần tình nguyện của Khiêm.

Luật sư Phát cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét thật kỹ động cơ, mục đích phạm tội của Khiêm và cần đặt vào bối cảnh phạm tội của Khiêm là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. 

Khi nhiều người không dám ra khỏi nhà thì những người tình nguyện tham gia chống dịch như Khiêm cũng là những người biết hy sinh vì cộng đồng. Đồng thời cần xem xét trách nhiệm của các bên có liên quan.

Đồng tình, luật sư Tuấn cũng cho rằng cần phải xem xét và miễn giảm một phần trách nhiệm hình sự cho Khiêm vì trong suốt quá trình thực hiện Khiêm cũng không gây ra hậu quả lớn, Khiêm cũng không thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản, mà chủ yếu là phục vụ công việc chống dịch trong thời gian qua.

Sở Y tế TP.HCM vào cuộc xác minh vụ Sở Y tế TP.HCM vào cuộc xác minh vụ 'bác sĩ dỏm' trong khu cách ly

TTO - PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đã nắm được thông tin về một người giả danh là sinh viên Trường ĐH Y dược để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung tại Q.12.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên