Khiêm từng xuất hiện trong một bài báo viết về tình nguyện viên chống COVID-19, bài báo này hiện đã bị gỡ - Ảnh chụp màn hình
Ngày 22-2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết Thanh tra Sở Y tế TP đã phối hợp Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TP.HCM để điều tra những nội dung báo chí phản ánh về vụ Nguyễn Quốc Khiêm giả danh bác sĩ vào khu cách ly điều trị cho F0. Cùng ngày, Công an TP.HCM cũng đã mời Khiêm lên làm việc.
"Sai rất lớn"
Trước đó trên một tờ báo đăng bài viết "Giả danh bác sĩ vào một khu cách ly điều trị cho F0", phản ánh việc Nguyễn Quốc Khiêm xưng là "bác sĩ nội trú Trường ĐH Y dược TP.HCM".
Theo nội dung phản ánh, từ tháng 7-2021 sau khi giả danh là sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM để có tên trong danh sách tình nguyện viên, Khiêm đã trở thành "thạc sĩ - bác sĩ điều trị", trực tiếp ra các y lệnh điều trị cho các bệnh nhân F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường CĐ Điện lực TP.HCM (quận 12).
Theo xác minh của Tuổi Trẻ, Khiêm từng học Trường CĐ Sài Gòn - Gia Định, niên khóa 2016 - 2018 (hệ trung cấp, chuyên môn y sĩ đa khoa).
Cùng ngày, trả lời Tuổi Trẻ, Khiêm thừa nhận việc mình giả danh bác sĩ điều trị F0. "Tôi chưa bao giờ học ở Trường ĐH Y dược TP.HCM và chưa từng thực tập, làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ khi tốt nghiệp y sĩ đa khoa đến nay, tôi chưa làm ở đâu cả và có ôn thi lại ĐH hai lần nhưng không đậu", Khiêm nói.
Theo người này, khi dịch bắt đầu bùng phát ở TP.HCM, Khiêm có tham gia trong đội lấy mẫu cộng đồng của quận 3. Trong một lần lên trang "chia sẻ y học...", thấy Trường ĐH Y dược TP.HCM đăng thông tin tuyển tình nguyện viên nên mới ghi danh.
Ngày 13-7-2021, Khiêm có quyết định đến khu cách ly của Trường CĐ Điện lực TP.HCM làm việc cho đến ngày 1-10-2021. Ở khu cách ly, Khiêm chỉ làm các công việc đơn giản như ghi lại số thuốc trong ngày, thăm khám kiểm soát nồng độ Sp02 (oxy trong máu), theo dõi nhiệt độ bệnh nhân. Trường hợp nếu người bệnh chuyển nặng sẽ hỏi ý kiến của các bác sĩ trong khu cách ly để cùng thống nhất đưa ra quyết định chuyển lên tuyến trên điều trị.
Khiêm khẳng định việc giả danh chỉ vì muốn tham gia chống dịch, không hề có mục đích vụ lợi cho bản thân và gia đình. Tất cả tiền mọi người có ủng hộ cho khu cách ly đều do thủ quỹ giữ. "Khi đăng ký tham gia tình nguyện, tôi chỉ muốn góp sức giúp bệnh nhân thôi. Nhưng khi sự việc xảy ra, nhìn nhận lại thấy mình có rất nhiều lỗi và cái sai đó rất lớn, có thể sẽ phải đối diện với pháp luật", Khiêm nói.
Chỉ được phân công nhận bệnh và hậu cần
Ngay sau khi báo chí phản ánh, Sở Y tế TP.HCM đã có thông tin chính thức sự việc. Theo đó, sở khẳng định Nguyễn Quốc Khiêm là tên của một tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch qua Trường ĐH Y dược TP.HCM, hoàn toàn không có tên trong danh sách sinh viên khóa 2012 - 2020 của trường ở tất cả các ngành học.
Kết quả xác minh bước đầu của Sở Y tế TP xác định ngày 9-7-2021 UBND quận 12 có công văn gửi đến Trường ĐH Y dược TP.HCM về việc đề nghị hỗ trợ tình nguyện viên tham gia chống dịch. Nhận được yêu cầu này, trường đã tạo một đường link (google form) kêu gọi các tình nguyện tham gia và đã đăng tải nhóm Zalo.
Lần này, trường tuyển được 8 tình nguyện viên đăng ký tham gia và ngày 13-7-2021 có văn bản cử sinh viên, học viên tham gia hỗ trợ tại khu cách ly Trường CĐ Điện lực TP.HCM để gửi Sở Y tế TP và UBND quận 12, trong đó có tên Nguyễn Quốc Khiêm. Tại khu cách ly Trường CĐ Điện lực TP, Khiêm được phân công làm nhiệm vụ nhận bệnh, hậu cần.
Điều đáng lưu ý là vào thời điểm tháng 9-2021, Trung tâm Y tế quận 12 có yêu cầu Trường ĐH Y dược TP.HCM xác minh Nguyễn Quốc Khiêm có phải là thạc sĩ, bác sĩ của trường hay không. Thời điểm này, trường trả lời Khiêm không phải là sinh viên của trường và thẻ sinh viên không do trường cấp.
Trường ĐH Y dược TP.HCM nói gì?
Ngày 22-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Đạt - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho hay việc trên đã được nhà trường xác minh xử lý xong hồi tháng 10-2021.
Theo ông Đạt, trong thời gian cao điểm chống dịch COVID-19 từ tháng 7 đến tháng 10-2021, Trường ĐH Y dược TP.HCM có hơn 5.700 người tham gia chống dịch. Trong tháng 7-2021 là lúc dịch khá căng thẳng, TP.HCM phong tỏa rất khó khăn, nhà trường quản lý tình nguyện viên trong các nhóm Zalo. Ngày 9-7, UBND quận 12 có công văn gửi đến trường đề nghị hỗ trợ tình nguyện viên gồm 10 sinh viên hỗ trợ khu cách ly của quận 12 tại Trường CĐ Điện lực TP.HCM.
Trong thời gian dịch bệnh đỉnh điểm, đảm bảo 5K và tuân thủ giãn cách xã hội, các hoạt động điều hành, quản lý được thực hiện trực tuyến thông qua các kênh truyền thông, email, mạng xã hội (Facebook, Zalo...). Các đội trưởng sẽ thông báo và tuyển tình nguyện viên phù hợp yêu cầu trong nhóm Zalo tình nguyện viên của trường.
Ngày 10-7-2021, đội trưởng của đội thông báo tuyển tình nguyện viên trong nhóm tình nguyện viên của nhà trường. Kết quả chọn được 8 tình nguyện viên tham gia gồm 6 sinh viên tuyển qua form đăng ký và 2 sinh viên tuyển trực tiếp, trong đó có Nguyễn Quốc Khiêm tự nhận là sinh viên khoa y của trường. Trước khi giao lực lượng cho đơn vị tiếp nhận, quản lý đội hình đã kiểm tra xác nhận về sinh viên thông qua thẻ sinh viên.
"Do trong cao điểm chống dịch, các hoạt động gấp rút và tin tưởng vào tinh thần tình nguyện của sinh viên nên quản lý đội hình chỉ xác minh một chiều thông qua thẻ sinh viên, chưa xác minh lại từ cơ sở dữ liệu của nhà trường", ông Đạt nói.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y dược TP.HCM - cũng cho rằng trong quá trình phòng chống dịch COVID-19 với khối lượng công việc lớn và hơn 5.700 tình nguyện viên tham gia, nhà trường đã thiếu sót trong việc xác minh đăng ký. Một phần cũng do tin tưởng vào tinh thần tình nguyện nên không lường trước việc có trường hợp giả danh sinh viên để tham gia. Nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc quản lý và điều hành thiếu sót trên.
Có thể nguy hiểm cho bệnh nhân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một bác sĩ từng điều trị bệnh nhân COVID-19 cho hay ở các khu cách ly quận huyện, đa phần bệnh nhân nhẹ, do đó chủ yếu theo dõi triệu chứng, cấp phát thuốc các loại như thuốc ho, hạ sốt theo phác đồ của Bộ Y tế.
"Tuy vậy, việc mạo danh chuyên môn vì mục đích gì cũng gây cho người bệnh hiểu nhầm và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu để người không đủ chuyên môn chẩn đoán, điều trị", bác sĩ này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận