24/12/2015 09:56 GMT+7

Bác sĩ cũng đâu muốn khám bệnh kiểu "thần tiên"

LAM XUÂN
LAM XUÂN

TTO - Theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong, trường ĐH Y dược TP.HCM, những gì bạn đọc phản ánh về thực trạng khám bệnh "thần tiên" hiện nay là rất đúng, bệnh nhân không giải bày được, nhiều BS cho thuốc không cần lắng nghe.

Rất đông người dân chờ khám bệnh tại bệnh viện Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Rất đông người dân chờ khám bệnh tại bệnh viện Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Tuy nhiên, cũng cần nhìn thấy thực trạng một bác sĩ BV công hiện nay đang phục vụ quá nhiều bệnh nhân, lắng nghe cho đúng mực thì không giải quyết được vấn đề.  

Bác sĩ Phong cho biết tại phòng khám của bệnh viện hiện nay, mỗi ngày bác sĩ tiếp nhận 60-70 bệnh nhân, trong đó chỉ có 1-2% là bệnh nhân cấp cần được quan tâm hiểu rõ bệnh lý để kịp thời chuyển khoa điều trị, còn lại là những bệnh thông thường, chủ yếu chỉ cần được tư vấn.

Và hiện nay khái niệm bệnh nhân cũng không còn sử dụng mà là khách hàng, bởi họ chỉ cần được tư vấn và kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, với lượng khách hàng quá lớn như trên thật khó để “chiều lòng thượng đế”.

Một đoàn 30 người từ Cà Mau thuê xe lên TP.HCM chủ yếu là để kiểm tra sức khỏe, họ muốn làm thật nhanh để kịp chuyến xe về, bác sĩ chỉ cần đọc các chỉ số kết quả và tư vấn cũng sẽ không tốn nhiều thời gian lắm nhưng vào cùng một lúc trong khi thời gian có hạn, cùng số lượng bệnh nhân/ khách hàng có sẵn cũng là áp lực cho bác sĩ và cả bệnh nhân.

“Bản thân tôi đã từng chứng kiến một bà mẹ mang thai thiếu i-ốt, sau khi khám, thay vì bác sĩ chỉ cần khuyên bà mẹ này bổ sung thì i-ốt thì lại nói rất nhanh để kịp cho số bệnh nhân rất đông đang chờ phía sau “thiếu i-ốt như vậy khi sinh ra, con chị sẽ bị ngu dốt nên tùy chị…”.

Chung quy lại áp lực quá tải rất lớn của bác sĩ cũng là áp lực rất lớn của bệnh nhân, cả hai cũng cần cảm thông cho nhau. Chỉ cần bác sĩ nói với người phía trước dài hơn một chút thì người phía sau có chịu cảm thông mà không hối thúc?”- bác sĩ Phong nói.

Theo bác sĩ Phong, để giải quyết được vấn đề trên thì chỉ có cách giảm tải bệnh viện là mục tiêu tổng quát. Và hiện nay, hệ thống bác sĩ gia đình đang được triển khai góp phần giảm tải này.

“Có bệnh nhân vì chờ lâu, đến khi vào khám thì chỉ được tư vấn quá nhanh lại tỏ ra bất mãn và phản ứng lại với bác sĩ. Điều này bệnh nhân cũng không sai nhưng thực tế bác sĩ biết rất rõ trường hợp nào cần được lắng nghe nhiều hơn để chuyển bệnh hoặc được điều trị cấp thời. Khi một người chọn nghề y, họ không chỉ được đào tạo về nghề khám chữa bệnh mà còn được truyền đạt về y đức. Không bác sĩ nào muốn mình trở nên xấu xí với nghề với người”- bác sĩ Phong tâm sự.

Chính vì vậy, vấn đề nữa mà bác sĩ Phong cho rằng cần được lưu ý là cách giao tiếp của bác sĩ đối với bệnh nhân, một người mắc bệnh ung thư sẽ được bác sĩ thông báo cho người thân hoặc bệnh nhân một cách khéo léo nhất để tránh sốc tâm lý bệnh nhân. Nếu không có thời gian lắng nghe cũng nên ngắt câu chuyện khôn khéo để bệnh nhân không cảm thấy hụt hẫng, không được quan tâm.

Được tâm sự với bác sĩ 60 phút là chuyện ở Pháp

Bác sĩ Phong cho biết tại một trung tâm chăm sóc người bị nhiễm HIV ở Pháp, mỗi bác sĩ chỉ khám và tư vấn cho 5-6 bệnh nhân trong ngày.

Trước giờ khám, thư ký y khoa sẽ gọi cho bệnh nhân nhắc giờ hẹn để bệnh nhân đến đúng giờ. Nhưng đa số bệnh nhân đều đến sớm hơn giờ hẹn, họ ngồi chờ nhưng được phục vụ bánh ngọt, uống trà, đọc tin tức…

Khi vào khám, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về tình trạng, lắng nghe họ nói, trao đổi về những tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra, hay đơn giảm là nghe họ tâm sự vì họ có 1 giờ đồng hồ với bác sĩ.

Không chỉ khám qua loa

Bà N.X.Hương (53 tuổi, quận 7) tâm sự kể câu chuyện bức xúc của mình tại khoa khám phụ khoa:

“Tôi đi khám phụ khoa định kỳ ở khoa khám dịch vụ. Sau khi có kết quả siêu âm niêm mạc thành tử cung dày, bác sĩ liên tục chép miệng khẳng định tôi bị ung thư niêm mạc tử cung.

Tôi đưa kết quả cách đây 7 tháng có tầm soát ung thư cổ tử cung rồi thì bác sĩ nói “tầm soát ung thư cổ tử cung là khác, ung thư niêm mạc thành tử cung là khác, đi xét nghiệm máu để cho kết quả chính xác hơn”.

Vì đi khám một mình nên tôi chỉ muốn khuỵu tại chỗ khi cả bác sĩ và cô thư ký “chép hít” rằng khả năng ung thư ở tuổi này là rất cao, kèm thêm kết quả này nữa thì tỷ lệ ung thư gần như chắc chắn.

Khóc lóc gọi cho con gái. Được giải thích cặn kẽ tại sao thành tử cung dày lên bất thường (13mm so với lần khám trước là 7mm và chuẩn tử cung bình thường chỉ 3mm) và các triệu chứng kèm theo cũng như các chỉ số khác thì tôi bình tĩnh hơn, yên tâm hơn để ngày mai nhận kết quả xét nghiệm máu.

Và kết luận cuối cùng là viêm âm đạo.

Thay vì bác sĩ và cô thư ký khoa xuýt xoa về nghi ngờ ung thư thì cần giải thích cho bệnh nhân rõ hơn về kết quả. Nếu không được con gái giải thích cặn kẽ thì tôi vẫn nghĩ rằng mình bị ung thư mà không về nhà nổi.

Về nhà, nhìn lại giấy khám bệnh còn nản hơn: Bên ngoài thì yêu cầu khám phụ khoa, bên trong là hồ sơ là khám thai”.

 

LAM XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên