27/02/2015 16:38 GMT+7

Bác sĩ có tâm không phẫu thuật khi chưa cần phẫu thuật

TTO - "Một người thầy thuốc thật sự cần phải có được cùng một lúc tầm nhìn của một triết gia, trí tuệ của một nhà khoa học và tâm hồn của một nghệ sĩ". Nhân ngày thầy thuốc 27-2, Tuổi Trẻ online xin giới thiệu tâm tình về nghề của chính các bác sĩ.

Bác sĩ khám bệnh từ thiện cho người dân. Ảnh tư liệu

 

Nghệ thuật của ngành y là xoa dịu nỗi đau của con người 

Y học là khoa học của ngành y tế, có mục đích nghiên cứu phương pháp và kỹ thuật để đem lại sức khỏe cho con người. Khi đề cập đến y học, đôi khi chúng ta nghĩ ngay đến kỹ thuật sinh học đơn thuần mà quên đi khía cạnh văn hóa xã hội của Y học. Thật vậy, Y học không chỉ là khoa học tự nhiên đơn thuần mà còn là khoa học có đặc tính nhân bản.

Theo văn hóa phương đông, Y học là một đạo học. Người am hiểu đạo học ngành Y không chỉ dùng trí để hành nghề mà phải dùng cả cái tâm trong sáng để thực hiện nhiệm vụ cao cả của nghề mình, để sống vui với nó. Đó là Y đạo của ngành Y. Y đạo không chỉ là triết lý, là “tôn giáo” mà còn là cuộc sống, là đường đi của ngành Y.

Hãi Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) đã viết: “Đạo làm thuốc là nhân thuật, bảo vệ sinh mạng của con người, lấy nhiệm vụ cứu sống mạng người làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình, không nên cầu lợi, kể công. Nghề thuốc là nghề thanh cao, phải giữ cho trong sáng, giữ lòng cho sạch, làm ơn không mong đền đáp. Thấy lợi đừng nhúng tay vào. Phải cẩn thận giữ gìn phẩm chất của mình, đừng để người đời khinh rẻ …”

Y học giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con người. Con người là một bộ máy tinh vi, không ai giống ai về cấu trúc sinh học cũng như về khía cạnh ảnh hưởng của môi trường sống (gồm cả thiên nhiên và xã hội). Vì vậy, chúng ta chăm sóc cho một người cụ thể chứ không phải là điều trị cho một căn bệnh nói chung. Thuốc và thiết bị kỹ thuật chỉ là phương tiện giúp thầy thuốc, đừng để thuốc và thiết bị kỹ thuật điều khiển chúng ta. Chỉ có người thầy thuốc biết cách sử dụng phương tiện thích hợp cho từng người bệnh mà thôi.

Một người thầy thuốc thật sự cần phải có được cùng một lúc tầm nhìn của một triết gia, trí tuệ của một nhà khoa học và tâm hồn của một nghệ sĩ.

Là triết gia, người thầy thuốc phải hiểu rõ toàn diện con người không chỉ ở khía cạnh sinh học đơn thuần, mà phải thấy con người đầy đủ vừa thể xác, vừa tâm hồn và đặt con người vào môi trường sống thiên nhiên và xã hội thì mới nhìn được trạng thái của từng người bệnh mà chăm sóc hữu hiệu.

Là nhà khoa học, người thầy thuốc phải luôn luôn tìm tòi, nghiên cứu, học ở Thầy và sách vở, ở đồng nghiệp, ở kinh nghiệm thực tế và ở cả từng trường hợp bệnh, để rèn luyện tay nghề, rèn luyện nghệ thuật và văn hóa cần thiết cho nghề nghiệp.

Người thầy thuốc, trước một người bệnh, phải lắng nghe bằng cái “Tâm” nhưng phải chăm sóc bằng cái “Trí”. Người thầy thuốc phải chú trọng phòng bệnh, bởi vì chỉ có phát triển phòng bệnh mới có thể chấm dứt được bệnh lây lan như hiện hay.

Điều trị và dự phòng phải kết hợp lại với nhau như hình với bóng. Công việc điều trị phải đi tìm người bệnh, đôi khi phải đến tận nhà chứ không đợi người bệnh đến tìm thầy thuốc.

Người thầy thuốc phải có tâm hồn nghệ sĩ bởi vì ngành y không chỉ thể hiện bằng kỹ thuật đơn thuần mà còn là nghệ thuật nữa: Nghệ thuật xoa dịu nỗi đau của con người cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Như vậy, khi đã chọn ngành Y cũng như tất cả các ngành nghề khác trong xã hội, ngoài việc không ngừng trau dồi kiến thức chuyên ngành, nhân viên y tế cần tìm hiểu tường tận về khía cạnh khoa học và ý nghĩa, nhiệm vụ của ngành mình, để tránh được buồn chán trong công việc do không tin tưởng ngành nghề của mình và sẽ không lúng túng làm sai đao lý của nghề Y, tránh gây ra những tác hại nghiêm trọng.

PGS. TS. BS. NGUYỄN DUY PHONG -ĐH Y Dược TP.HCM 

Khi bác sĩ có tâm

Chúng ta đã nói nhiều về y đức với những cách nhìn khác nhau. Theo tôi, người bác sĩ có y đức là người luôn nghĩ đến lợi ích của người bệnh trong mọi quyết định của mình và có khả năng thực hiện cho lợi ích đó.

Để luôn nghĩ đến lợi ích của người bệnh, người bác sĩ cần có TÂM và để có khả năng thực hiện cho lợi ích của người bệnh, người bác sĩ  còn phải có ĐIỀU KIỆN để thực hiện.

Bác sĩ có TÂM sẽ không phẫu thuật những ca không hoặc chưa cần phẫu thuật, sẽ không ghi toa thuốc với những thuốc đắt tiền ngoài chỉ định, sẽ không viết toa với chữ viết mà đôi khi ngay cả mình cũng không đọc được, sẽ không cho những xét nghiệm không cần thiết và nhiều khi rất đắt tiền,…

Bác sĩ không có TẦM sẽ hạn chế tối đa những chẩn đoán sai, từ đó đưa ra xử lý sai hoặc chậm trễ, gây ra hậu quả với nhiều mức độ và nặng nề nhất là sinh mệnh người bệnh.

Với những bác sĩ có TẦM sẽ có nhiều cơ hội để có thu nhập cao và sẽ có không ít “cám dỗ” về vật chất nếu không có TÂM để  đề kháng.

Với những bác sĩ vừa có cả TÂM lẫn TẦM nhưng có quá ít thời gian cho người bệnh và phải làm việc quá nhiều sẽ khó tránh sai sót.

Tâm được xây dựng từ giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội từ nhỏ. Đó là tính vị tha, lòng trắc ẩn, tự trọng, sự trung thực, cẩn thận, ý thức trách nhiệm,…

Tầm có được từ sự chăm chỉ học tập để có một kiến thức vững vàng.

 Y khoa là một ngành học dài và khó nên đầu vào luôn được đòi hỏi cao. Vì sinh viên y khoa cần hiểu, nhớ và vận dụng tổng hợp những kiến thức có được từ nhiều năm học để lý luận mới ra được chẩn đoán và chọn phương án điều trị tốt và hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Do đó không khó hiểu khi các nước trên thế giới đều tuyển chọn sinh viên y khoa từ những học sinh ưu tú, không những học giỏi mà còn có ý thức quan tâm đến xã hội và có lòng nhân ái. Dù vậy, nhà trường chỉ đào tạo kiến thức nền nên sau khi tốt nghiệp, để làm việc hiệu quả người bác sĩ vẫn phải trui rèn, liên tục học hỏi từ đàn anh, từ người bệnh và từ sách vở, với phương châm “ thầy thuốc là sinh viên y khoa suốt đời” trong đó vai trò của ngoại ngữ là rất lớn.

Ở nước ta, bác sĩ đã thiếu lại càng thiếu vì bệnh nhân quá đông, một lượng không nhỏ phải đi học (Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Chính trị Trung cấp, Chính trị cao cấp, Chuyên khoa quản lý,..), một số khác phải tăng cường cho tuyến dưới. Do đó mọi người quay cuồng, căng thẳng và mệt mỏi nhưng kém hiệu quả. Một số không nhỏ không đủ khả năng ngoại ngữ để tự phát triển…

Theo tôi, để có bác sĩ có y đức cần phải làm những điều sau:

Giáo dục đạo đức tốt từ nhỏ

Chuẩn đầu vào y khoa ngoài học lực chung cần phải có chuẩn ngoại ngữ

Nên kéo dài thêm thời gian đào tạo y khoa lên 7 năm thay vì 6 năm và trả về đúng vị trí của một bác sĩ là đã hoàn thành chương trình sau đại học khi tốt nghiệp. Không thể đánh đồng công sức và thời gian dài của họ ngang bằng cử nhân để rồi sau đó phải học sau đại học.

Giảm thiểu tới mức thấp nhất có thể được  những khóa học ngoài chuyên môn.

Trả mức lương hợp lý.

Thay vì phải học (bằng mọi giá) để lấy bằng cấp sau đại học, nên thay bằng sinh hoạt khoa học hữu ích bằng hình thức phổ biến và thảo luận những ca lâm sàng hay, khó và cập nhật kiến thức để mọi người cùng tiến bộ. Một số cá nhân xuất sắc sẽ được tuyển chọn đào tạo thêm ở các nước tiên tiến.

Tóm lại, để có được bác sĩ có y đức cần có một kế hoạch lâu dài từ nhiều phía. Trong đó,  vai trò của giáo dục và chính sách cho ngành y là cốt lõi. Trong thời gian chờ đợi điều này được thực hiện và phát huy hiệu quả, cần hạn chế những hậu quả do thiếu y đức bằng biện pháp giám sát và kiểm tra từ những người có chức năng và phải có… y đức.

 BS ĐIỀN HÒA LỄ (BV Nhiệt đới TP.HCM)

                                                                                       

                                                                                   

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Y đức