TTCT - Không chỉ việc bác sĩ (BS) bị bắt trong vụ việc chạy thận vừa qua, mà nhiều trường hợp BS bị đánh và bị làm nhục đã không được lãnh đạo ngành y và pháp luật lên tiếng bảo vệ, làm giới thầy thuốc không thể không lo nghĩ đến sự an toàn của mình. Y giới đang tự hỏi quy trình nào bảo vệ họ trong khi so với các ngành nghề khác, nghề y luôn có nhiều rủi ro vô hình rình rập mà không phải ai cũng thấy và chia sẻ. Nguy hiểm cho nhân viên y tế đến từ mọi vị trí và có thể xảy ra trong mọi thời điểm. Đó là rủi ro nghề nghiệp và vấn đề này vẫn bỏ ngỏ trên thực tế. Rủi ro và mối nguy hiện nay đến từ mối quan hệ BS với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân. Y khoa là một ngành tương đối khó hiểu đối với những người ngoài ngành. Ai ở trong ngành y mà không ý thức được quá trình đào tạo kéo dài đến 15 hay 17 năm liên tục. 5-7 năm mài đũng quần trong trường chỉ mới là khởi điểm. Mỗi năm, đội ngũ thầy thuốc tiếp tục cập nhật kiến thức y khoa để có thể theo sát sự tiến bộ trong điều trị. Chính vì sự khó khăn như vậy nên không phải bệnh nhân hay người nhà nào cũng hiểu được công việc của nhân viên y tế đang làm. Những diễn biến bất ngờ của một căn bệnh làm không ít người mau chóng quy chụp là do BS yếu kém. Xô xát xảy ra đa số từ những tình huống này. Một nguyên nhân nữa khiến các BS rơi vào tình huống nguy hiểm là tính cấp cứu không thể chờ đợi. Những bệnh nhân chạy thận chẳng hạn, đến kỳ là phải chạy vì nếu không thì họ sẽ chết bởi các biến chứng. BS bị áp lực một bên là tính mạng bệnh nhân và một bên là thủ tục hành chính. Tôi nhấn mạnh thủ tục hành chính vì việc kiểm tra thành phần nguồn nước không phải là nhiệm vụ của BS và BS cũng không thể kiểm tra được. Trong vô số trường hợp khác, nhất là các BS ngoại khoa, việc chỉ định mổ cấp cứu để cứu sống bệnh nhân là việc làm thường xuyên. Với áp lực số lượng bệnh nhân hiện nay, không ít lần cả kíp trực phải lao vào mổ cấp cứu, kể cả trưởng kíp trực. Khi đó, những bệnh nhân khác cần mổ cấp cứu phải có chữ ký của trưởng kíp trực mới được chuẩn bị đi mổ. Chờ chữ ký để rồi bệnh nhân mất đi cơ hội vàng, hay đưa đi mổ để cứu bệnh nhân rồi ký sau? Trường hợp nào BS cũng vướng lỗi vì nguy cơ tử vong hay biến chứng trong các cuộc mổ cấp cứu là rất cao. Hầu hết BS đều chọn cứu người theo đúng lương tâm hơn là chờ thủ tục hành chính. Một trường hợp khác khiến các BS cũng rơi vào tình thế khó khăn là trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân là do BS dùng nhưng họ không có quyền quyết định dùng cái gì cho từng trường hợp bệnh nhân, mà chỉ được quyền sử dụng những gì đã được mua qua đấu thầu. Những than phiền về cách thức đấu thầu gần đây dấy lên quan ngại là không có những dụng cụ hay thuốc tốt nhất cho những ca lâm sàng cụ thể. Cách đây khá lâu có một vụ kiện hi hữu, bệnh nhân kiện BS vì mổ kết hợp xương nhưng sau đó bị gãy nẹp đặt vào trong xương. Khoan bàn đúng hay sai, rõ ràng khi BS phải dùng những dụng cụ không thích hợp hay có chất lượng kém, bản thân họ bị kiện cáo trước đã, không phải người quyết định mua. Vậy quy trình nào bảo vệ BS nhằm giúp họ an tâm và hết sức hết lòng cùng với gia đình cứu bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần? Làm sao để BS cứu sống bệnh nhân với tinh thần còn nước còn tát như họ từng thề, chứ không phải là bảo vệ bản thân trước các mối nguy? Nếu chúng ta đã có những quy trình đảm bảo chất lượng điều trị, chất lượng quản trị bệnh viện thì nhất thiết cần phải có những quy trình quy định điều kiện làm việc, quy trình bảo vệ BS bằng pháp luật khi những nguy hiểm xảy ra. Quy trình đầu tiên cần được soạn thảo là quy trình bảo đảm điều kiện làm việc tối ưu cho nhân viên y tế bao gồm thời gian làm việc (tối đa bao nhiêu giờ trong ngày, bao nhiêu giờ trực trong tuần...), điều kiện làm việc gồm các trang thiết bị cần thiết cho việc điều trị như môi trường làm việc, trang thiết bị khám và điều trị bệnh bao gồm thuốc men và dụng cụ tiêu hao. BS cần được miễn trừ những trách nhiệm mà bản thân họ không thể thay đổi được như sự quá tải, chất lượng thuốc men, dụng cụ vật tư tiêu hao mà họ không quyết định mua, những thủ tục hành chính mà lẽ ra thư ký y khoa có thể làm được. Cần phải có những điều luật mạnh mẽ hơn để hạn chế sự bạo hành trong y tế, xem bạo hành y tế là hành vi nguy hiểm với xã hội vì ảnh hưởng đến tính mạng của chính bệnh nhân và những người khác vì sự chùn tay của y giới trong việc điều trị cho các bệnh nhân.■ Tags: Sự cố y khoaLỗi bác sĩNăng lực bác sĩBác sĩ sự cố
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.