Bằng nhiều cách, những người Việt được đào tạo bài bản về y khoa đã và đang cố gắng tạo ra những kênh tham khảo đáng tin cậy về sức khỏe tâm thần cho người trẻ, trên chính những nền tảng mà họ quen thuộc nhất, từ Facebook đến TikTok.

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 1.

Trong khoảng thời gian từ năm 2015-2018, tức trước khi TikTok thịnh hành, trang web và Facebook của dự án phi lợi nhuận Beautiful Mind Vietnam (Tâm hồn Đẹp Việt Nam) là địa chỉ mà nhiều người trẻ Việt tìm đọc thông tin về các vấn đề sức khỏe tinh thần, tìm kiếm sự trợ giúp về tâm lý. 

Dàn cố vấn chuyên môn và ban quản trị đã trải qua các lớp tập huấn và có chuyên môn về trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý và sức khỏe cộng đồng, đến từ nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Singapore.

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 2.

https://beautifulmindvn.com/

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Đỗ Khả Tú, đồng sáng lập dự án Beautiful Mind Vietnam, bác sĩ nội trú năm 2 tại Bệnh viện Boston

Chị Nguyễn Đỗ Khả Tú, bác sĩ nội trú năm 2 tại Bệnh viện Boston thuộc Trường đại học Boston, Massachusetts, chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: "Nguyên nhân thành lập nhóm đến từ sự tình cờ. Khi tôi và Linh (co-founder) đang lướt Facebook thì thấy một bài viết đưa ra thông tin sai lệch về vấn đề tự tử ở người trẻ. 

Trong lúc tranh luận với chủ bài viết, tôi gặp được những bạn cùng chí hướng và nhận thấy các thông tin khách quan về tâm lý còn rất hạn hẹp, dẫn đến việc nhiều người suy nghĩ sai lầm về vấn đề sức khỏe tinh thần. 

Vào năm 2011-2012, khi tôi đang học tâm lý học thì thấy rằng tài liệu viết về tâm lý bằng tiếng Việt rất hiếm, nếu có thì chỉ là những bài khoa học khô khan đến từ các bệnh viện, thiếu sự kết nối với người đọc. Chúng tôi quyết định thành lập nơi chia sẻ các vấn đề tâm lý hệ thống, bài bản và bám sát khoa học. Bên cạnh đó, Beautiful Mind Vietnam có những buổi workshop để kết nối, tăng cường nhận thức đúng đắn về sức khỏe tinh thần".

Website của Beautiful Mind Vietnam có nhiều bài mang tính kể chuyện, trích dẫn khoa học, ebook về từng loại rối loạn sức khỏe tinh thần. 

"Tôi rất vui vì vấn đề sức khỏe tinh thần ngày càng nhận được nhiều sự chú ý. Những nội dung về sức khỏe tâm lý bằng tiếng Việt càng ngày càng được phổ biến hơn khác hẳn với thời gian đầu khi tôi bước vào lĩnh vực này" - Khả Tú nhìn lại hành trình với Beautiful Mind Vietnam. 

Đến năm 2022, tổ chức quyết định tạm ngưng các hoạt động do những thành viên trong đội ngũ đều có ngã rẽ trong sự nghiệp, dù vẫn thỉnh thoảng có các workshop.

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 4.

Trước khi thành "bác sĩ triệu view" qua kênh TikTok @bs.nguyentrungnghia, thạc sĩ - bác sĩ CK1 Nguyễn Trung Nghĩa - tác giả quyển sách Câu chuyện đằng sau một bác sĩ tâm thần - chia sẻ kiến thức qua kênh YouTube, các podcast của dự án Đuốc Mồi về sức khỏe tinh thần. Sau đó, ê kíp cắt ngắn thành những video nhỏ trên Reels và nhận được phản hồi tích cực của khán giả. 

Lúc này anh băn khoăn có nên sang TikTok không và phải mất đến 3 tháng suy nghĩ mới đi đến quyết định lập kênh.

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 5.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa trong một video trên TikTok.

Anh nói: "TikTok bị đánh giá là một nền tảng giải trí. Trên đấy rất nhiều người không có chuyên môn y khoa hay có chuyên môn nhưng thiếu cái tâm đã sử dụng nó như một kênh truyền thông với mục đích câu view, trục lợi. 

Giới y khoa có cụm từ "bác sĩ TikTok" nhằm chỉ những "bác sĩ" không có chuyên môn, không đáng tin cậy, lan truyền thông tin bậy bạ với mục đích lợi nhuận. 

Bản thân tôi muốn tập trung vào việc khám chữa bệnh nên đã rất cân nhắc". 

Cuối cùng, Nghĩa vẫn lập kênh TikTok với niềm tin "nếu làm cẩn thận, kênh có thể là nơi tổng hợp góp ý để phát triển chuyên môn".

Bác sĩ Nghĩa nói thông thường mỗi video của anh có thời lượng từ 5 phút trở lên, khá dài so với công thức làm video viral trên TikTok (dưới 2 phút), vì anh không tìm cách để đảm bảo thu hút người xem, mà quan trọng nhất là cung cấp thông tin đủ để người xem nhận biết chính xác vấn đề. 

"Nội dung ngắn hiệu quả trong việc dễ nâng cao ý thức, tìm kiếm sự chú ý từ cộng đồng. Nếu mình có khả năng diễn đạt vấn đề đơn giản, mang hình tượng và câu chuyện ẩn dụ trong video thì việc tách kiến thức chuyên môn thành từng clip nhỏ vẫn có tác dụng. Khi người xem đã hiểu vấn đề, có nhu cầu, họ sẽ kiếm những nội dung dài, truyền tải đầy đủ hơn" - anh nói.

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 6.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, Bệnh viện Đa khoa Vinmec, Hà Nội

Với ThS.BSCK 1 Huỳnh Thanh Tân (Bệnh viện Vinmec), cựu giảng viên bộ môn tâm thần Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mạng xã hội là nơi để anh có thể truyền tải thêm những kiến thức dễ hiểu, truyền cảm hứng với cả người trong ngành lẫn ngoài ngành.

Bác sĩ Thanh Tân nói về cách anh phân định nội dung cho từng nền tảng: TikTok là các câu chuyện cá nhân, những video dài trên YouTube chia sẻ thông tin mang tính giáo dục (như bài giảng minh họa, lý thuyết về tâm lý tâm thần), Instagram thì thiên về dạng infographic. 

Facebook mạnh trong việc truyền tải kiến thức sâu hơn vì có những bài dài, có các nhóm chia sẻ tài liệu, những người làm trị liệu chia sẻ những khó khăn khi tiếp cận thân chủ.

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 7.

Trước tình trạng thông tin về sức khỏe tinh thần sai lệch tràn lan trên mạng xã hội, Khả Tú nói về nỗi lo lắng và cả... tức giận: "Chúng tôi luôn lên tiếng, nhắc nhở để mọi người tránh xa".

Bác sĩ Nghĩa cũng chung mối lo về việc người trong cộng đồng đọc những nội dung như xúi giục tích cực độc hại, sử dụng phương pháp điều trị chữa lành không có bằng chứng về mặt khoa học. 

Với anh Tân, "nhiều thân chủ đến với tôi sau khi đã bị thông tin "dắt mũi", hoặc hiểu sai, diễn giải sai. Tuy nhiên đó chỉ là cản trở ban đầu rất nhỏ, khi họ chọn gặp mình ở nhiều buổi trực tiếp, chọn tin tưởng ở mình thì mình hoàn toàn có thể can thiệp được".

Dù chọn không gian mạng để phổ biến kiến thức, các nhân vật trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần đều cho rằng chỉ tham khảo thông tin online là chưa đủ.

Ngoài biên soạn thông tin trên Facebook, năm 2019, 4 quản trị viên của Beautiful Mind Vietnam đã cùng Kim Đồng - Wing Books ra mắt sách dịch Cẩn trọng cái đầu - cẩm nang ngắn gọn và mới mẻ về sức khỏe tinh thần, đề cập đến những vấn đề hiện đại như sử dụng chất kích thích, áp lực xã hội.

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 8.

Trần Diệu Tú Anh, trưởng dự án Inside the Box (xem box), cho rằng những nội dung về sức khỏe tinh thần sẽ có khả năng tác động và mang tính định hướng rất lớn, nên bất kỳ nội dung nào được đưa ra cũng cần được kiểm duyệt, xác thực rõ ràng. 

Do đó, nhà sáng tạo nội dung không nên tùy tiện khuyên người dùng của mình tìm đến một địa chỉ, phương thức chữa tâm lý, tinh thần cụ thể nào, chỉ nên tạo sự hứng thú, gợi mở để cộng đồng tự trao đổi, đánh giá khách quan, tìm hiểu sâu hơn những vấn đề của bản thân, từ đó tự tìm được đúng địa chỉ phù hợp.

"Điều duy nhất tôi mong muốn là thông tin đúng và chính xác về mặt khoa học, liên kết về mặt tinh thần với mọi người hơn. Khi bạn đọc bất kỳ bài viết hay video liên quan đến sức khỏe nói chung và sức khỏe tinh thần nói riêng, luôn luôn tra cứu: (1) Ai là tác giả bài viết, lĩnh vực họ được đào tạo là gì; (2) học vấn, đơn vị công tác của họ trên những nền tảng y khoa uy tín, xác thực; (3) bài viết có trích dẫn đáng tin cậy hay không. Ngoài ra, nên đọc những bài viết từ những tổ chức y tế lớn, phòng khám uy tín" - Khả Tú nói.■

Bác sĩ chơi TikTok: Để dân mạng Việt không bị thông tin dắt mũi - Ảnh 9.
VĨNH ANH
VÕ TÂN
7-12-2023
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên