27/12/2015 15:18 GMT+7

Bác sĩ, bệnh nhân sao "trách móc" nhau hoài?

LAM XUÂN thực hiện
LAM XUÂN thực hiện

TTO - Theo nhiều ý kiến của bạn đọc về việc mình không được bác sĩ lắng nghe, mất tiền, tốn thời gian nhưng chỉ được khám qua loa… Lỗi không ở bác sĩ, cũng không phải lỗi bệnh nhân... Nhưng bệnh nhân và bác sĩ “vẫn hoài xa nhau”.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương - Ảnh: Hữu Khoa
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương - Ảnh: Hữu Khoa

Trao đổi vấn đề này, bác sĩ bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương, và bác sĩ Trịnh Tất Thắng, giám đốc bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho rằng hiện tại khi tất cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang dần được thay đổi thì các phía cũng cần có thời gian để thay đổi và thích nghi.

Thưa bác sĩ, có nhiều ý kiến cho rằng thời gian và thái độ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Không thể lấy thời gian để bao biện cho việc có thái độ không tốt. Bác sĩ có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Bác sĩ Diễm Tuyết: Đây đúng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhưng thực tế lại rất liên quan.

Chúng ta không chấp nhận đổ lỗi do thiếu thời gian mà quát tháo hoặc thờ ơ với nỗi đau bệnh tật, sự lo lắng của bệnh nhân. Sự khó chịu của bác sĩ là áp lực công việc không bằng sự khó chịu do bệnh tật.

Tuy nhiên, cũng có người nhã nhặn, nhẹ nhàng bẩm sinh nhưng khi áp lực công việc quá nhiều thì không thể nở nổi nụ cười.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng: Thời gian và thái độ liên hệ rất logic với nhau trong vấn đề đang bàn này. Bên cạnh đó sự không bình đẳng trong mối quan hệ của người thầy thuốc và bệnh nhân càng khiến vấn đề khó chữa hơn.

Bệnh nhân thì cần nói ra hết những lo lắng của mình. Bác sĩ thì không đủ thời gian nên chỉ tiếp xúc thật ngắn gọn. Bác sĩ thì cho rằng kiến thức y khoa của tôi là giỏi, không cần phải nghe thêm. Còn bệnh nhân thì nghĩ mình là “kèo dưới”.

Chính những điều này khiến sự thấu hiểu nhau không có. Người bệnh không được hài lòng thì phản kháng. Bác sĩ dù đã cố hết sức vẫn không thể đáp ứng được cũng bức xúc. Nhưng giải pháp không phải nằm hoàn toàn ở bác sĩ.

Vậy theo bác sĩ có giải pháp nào để bác sĩ lắng nghe bệnh nhân nhiều hơn?

Bác sĩ Diễm Tuyết: Các bệnh viện tự chủ tài chính, tự thu tự chi thì việc giảm bệnh nhân để đảm bảo chất lượng là không thể. Chỉ có thể tăng bác sĩ, tăng phòng khám.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ bác sĩ nhiều việc hành chính thay để dành thời gian khám chữa bệnh, lắng nghe bệnh nhân nhiều hơn.

Ví dụ những việc khai tên, tuổi bệnh nhân, địa chỉ, chẩn đoán… từ khi khám cho đến khi kết thúc rất mất thời gian. Thay vì ghi thì in sticker dán lên bệnh án của bệnh nhân để bác sĩ tiện theo dõi và giảm thời gian “chết”.

Người dân chờ khám bệnh tại bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân chờ khám bệnh tại bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng: Bác sĩ cần phải nhìn nhận rằng mình cần được đào tạo thêm về mặt tâm lý để khoảng cách với bệnh nhân dần xóa đi, sẽ dịu lại hoặc thay đổi được thái độ của bệnh nhân đối với nhân viên ngành y.

Ví dụ trong ngành tâm thần, một bác sĩ chỉ khám tầm 5 bệnh nhân trong ngày, cùng sự hỗ trợ của nhà tư vấn tâm lý và điều dưỡng. Một ca khám lúc nào cũng hội đủ thành phần như vậy.

Thực tế ở Việt Nam chỉ có bác sĩ và bệnh nhân nên việc khai thác thông tin và hỗ trợ tâm lý cũng như phương pháp điều trị chỉ một mình bác sĩ đương đầu với tất cả.

Vì vậy, trong đào tạo ngành y cũng cần đào tạo điều dưỡng giỏi sẽ giảm quá tải cho bác sĩ, thêm nhà tư vấn không chỉ giúp bác sĩ hỗ trợ tình thần cho bệnh nhân mà còn cho cả bác sĩ.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần “sáng suốt” hơn trong đánh giá. Với điều kiện hành nghề như hiện nay, bác sĩ ở Việt Nam cũng đã nỗ lực hết sức.

Tất nhiên, vẫn có trường hợp bác sĩ tỏ ra trịch thượng, quát tháo hoặc hành xử không đúng mực, nhưng đó chỉ là cá biệt.

Có ý kiến cho rằng, khái niệm bệnh nhân hiện nay bị thay bằng khái niệm khách hàng. Vậy có nên đề ra các tiêu chí phục vụ và có hình thức kỷ luật bác sĩ nếu không đạt không?

Bác sĩ Diễm Tuyết: Điều này sẽ làm, khi những những yếu tố khách quan trên được giải quyết. Nếu bác sĩ chỉ khám 4 bệnh nhân trong 1 giờ mà vẫn có thái độ, ứng xử không thỏa đáng thì sẽ bị kỷ luật.

Nhưng bây giờ thì không thể. Chỉ cần dành thời gian cho bệnh nhân A quá dài, khiến khâu khám bị ùn tắc, sẽ kéo theo các khâu xét nghiệm, trả kết quả, phát thuốc… bị ùn ứ theo, lại dẫn đến bức xúc.

Mà bỏ bệnh nhân để đảm bảo chất lượng thì ai sẽ thông cảm cho những bệnh nhân khăn gói từ quê xa lên Sài Gòn khám bệnh?

Nếu đổ hết cho bác sĩ thì thật rất tội.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng: Bản chất của nghề y nghĩa là phục vụ và người bệnh đang đòi hỏi mình được chăm sóc. Nhưng xem bệnh nhân là khách hàng thì có thể vô tình đẩy người không có tiền thêm khốn đốn, bởi không có tiền là không được chữa bệnh.

Người thầy thuốc đặt hết tâm huyết của mình cho ca bệnh thì không phải chỉ có tiền mới làm mà còn có y đức trong đó.

Xin cám ơn hai bác sĩ!

Rất đông người dân chờ khám bệnh tại bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Rất đông người dân chờ khám bệnh tại bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Bác sĩ khám chậm, bệnh nhân đang chờ sẽ bức xúc

Bạn đọc DrThanh chia sẻ: “Tôi là bác sĩ tuyến trên được cử xuống bệnh viện quận 12 để hỗ trợ theo đề án 1816.

Lúc đầu tôi khám rất kỹ thế nhưng bệnh nhân họ không chịu chờ đợi, họ nhao nhao phản đối... rồi tôi nghe thấy có tiếng chửi" ĐM, bác sĩ bệnh viện tuyến trên mà khám chậm thế à, lần sau không thèm đăng ký khám phòng này nữa".

Vậy đấy ai cũng muốn khám kỹ cho mình, còn người khác thì họ không thèm quan tâm.”

Cùng quan điểm trên, bạn đọc Loan viết: “Ai quan tâm đến người khác đâu. Họ chỉ nghĩ cho mình thôi. Muốn khám, tư vấn kỹ mà bệnh viện không đủ, bác sĩ không đủ, ngày khám trăm mấy bệnh nhân... Bệnh nhân ai cũng muốn khám cho mình thật kỹ còn người khác có nặng hơn cũng kệ họ. Chờ bác sĩ tư vấn cho người khám trước lâu một chút là chửi rủa, gọi đường dây nóng…”.

Nên đi khám buổi chiều cho vắng

Tuy nhiên, cũng có trường hợp, thường là buổi chiều, dù số lượng bệnh nhân ít, nhưng bác sĩ vẫn khám “thần tốc”. Bạn đọc Vĩnh Lộc kể: Tôi đã khám tại BV ĐHYD TP.HCM nhiều lần rồi. Lần khám gần nhất viêm khớp dạng thấp khác thấy nản ghê.

Phí khám bệnh 100 ngàn nhưng chờ đến khi gặp bác sĩ để khai bệnh thì chưa nói được 2 phút đã cho thuốc uống 2 tuần rồi. Bác sĩ nói nhanh quá không nghe kịp còn bị trả lời gắt giọng lại.

Lần tái khám cũng mất 100 ngàn tiền khám nhưng chủ yếu hỏi uống thuốc thấy đỡ không rồi cho tiếp 2 tuần uống nữa rồi về.

Chiều khoảng 15g là các phòng khám khá vắng bệnh nhân rồi nên đâu cần các bác sĩ tranh thủ khám cho hết bệnh nhân sớm vậy.”

Phản hồi bình luận này, bạn đọc Thanh Tâm viết: “Người Việt mình có thói quen làm việc theo mặt trời chứ không theo đồng hồ. Theo thói quen việc gì cũng làm sớm về sớm nên chỗ nào cũng vậy, từ trụ sở uỷ ban đến văn phòng bác sĩ, ai cũng muốn đến sớm về sớm. Kết quả là buổi sáng thì vật vã chờ đợi, còn buổi chiều thì như chùa bà Đanh. Tại sao không đi buổi chiều hay hẹn qua điện thoại.”

Nên làm xét nghiệm định kỳ hơn là than thở

Bạn đọc Thanh Tâm còn cho biết: “Dù là tiền mặt hay bảo hiểm, đi khám bệnh ở Mỹ đều phải làm hẹn trước và phải chờ, thông thường là một giờ để được gặp bác sĩ.

Với bác sĩ nhiều kinh nghiệm thì khám bệnh không phải là quá khó với những bệnh thông thường, nhưng với những bệnh nan y thì bác sĩ cần nhiều lần thăm khám và xét nghiệm. Vì vậy một lần khám bệnh theo tôi chừng 5 phút là quá đủ.

Và mỗi người dù khoẻ mạnh, một năm nên gặp bác sĩ, thử máu một lần và làm một số xét nghiệm cần thiết hơn là than thở với bác sĩ thật lâu. Dù sao bác sĩ cũng cần tiền để nuôi vợ con như mọi người”.

 

LAM XUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên