Thuật toán LYNA xác định khu vực khối u ở giữa và phân loại chính xác các khu vực không phải có khối u - Ảnh: GOOGLEBLOG
5 năm trước, là bác sĩ chuyên khoa về siêu âm, ông TRẦN QUÝ TƯỜNG - hiện là cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - không hề nghĩ đến một ngày cái máy siêu âm vốn cồng kềnh giờ có thể di chuyển khắp nơi chỉ với đầu dò thiết kế bao gồm cả thiết bị phát sóng siêu âm và màn hình là màn hình điện thoại. Hiện nay, chúng ta đã có thiết bị điện tim nhỏ trong lòng bàn tay...
* Những ứng dụng rất mới trong y khoa đã được áp dụng ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
- Nói trí tuệ nhân tạo nghe có vẻ xa vời, nhưng đã áp dụng nhiều trong chẩn đoán y khoa ở Việt Nam. Ở Phú Thọ, bệnh viện đã ứng dụng kho dữ liệu có trên 1,5 triệu hồ sơ bệnh án điều trị ung thư ở Mỹ, kho dữ liệu này cũng thường xuyên được cập nhật để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị ung thư.
Trước đây, nếu Phú Thọ muốn chẩn đoán một ca bệnh khó, họ phải hỏi bác sĩ ở Hà Nội, nhưng giờ có kho dữ liệu, họ nhận được những gợi ý từ phương pháp chẩn đoán, điều trị, phác đồ hiện đại tại Mỹ. Có thể coi đây là một "quyển sách" nhiều dữ liệu, cập nhật, khi bác sĩ thật chẩn đoán, nếu còn gì băn khoăn thì "sách" gợi ý thêm, rà soát thêm chẩn đoán của bác sĩ mà không lệ thuộc vào điều trị theo thói quen.
Hay trong dược lâm sàng, trong khuyến nghị về dinh dưỡng cho bệnh nhân, phần mềm sẽ cho khuyến cáo, bác sĩ chẩn đoán sẽ rà soát khuyến cáo đó, nếu ổn thì có thể cung cấp cho bệnh nhân.
Nói theo cách dễ hiểu thì những phần mềm hỗ trợ chẩn đoán điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường… kiểu này là "bác sĩ ảo", khi tích hợp giọng nói nữa thì có thể bệnh nhân hỏi, bác sĩ ảo trả lời. Tất nhiên khi rà soát để có kết luận thì vẫn phải là bác sĩ thật, các phần mềm giúp có thêm gợi ý để bác sĩ thêm phương tiện nhằm chẩn đoán tốt hơn.
Và Việt Nam đều đã và đang áp dụng những tiến bộ này vào chẩn đoán, bác sĩ ảo cũng đã có, chỉ là chưa tích hợp giọng nói thôi. Siêu âm nhỏ, điện tim nhỏ đều đã có ở một số bệnh viện. Hay Việt Nam đã bước đầu triển khai kỹ thuật xét nghiệm gen xem 10 năm sau anh có nguy cơ mắc bệnh gì, nếu 50 tuổi đi xét nghiệm kết quả cho là 60 tuổi có nguy cơ ung thư thì mình sớm thay đổi lối sống, chế độ ăn, tập luyện, tăng cường tầm soát…
* Theo ông, bệnh nhân và cả thầy thuốc sẽ được lợi ích gì khi những bác sĩ ảo, thiết bị thông minh hiện diện?
- Là bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, chỉ 5 năm trước thôi, tôi không nghĩ những trang thiết bị y tế cho chuyên ngành của mình lại thay đổi nhanh như vậy. Trước đây bệnh nhân đi làm nội soi rất phiền hà, giờ người ta đã chế ra thiết bị nội soi dạng như viên thuốc con nhộng. Tất cả những bước tiến này nhằm phục vụ cả bệnh nhân và thầy thuốc.
Hiện đã có 5 bệnh viện tuyên bố không dùng bệnh án giấy, không dùng tiền mặt khi thanh toán trong bệnh viện. Hệ thống quản lý sức khỏe từng cá nhân đang được hoàn thiện cũng đem lại nhiều lợi ích.
Người dân sẽ không còn sợ mất sổ y bạ khám bệnh, lại có thể theo dõi sức khỏe suốt đời, lần trước bệnh nhân đến khám do bệnh lý gì, tình trạng ra sao, đã uống thuốc gì… đều được lưu lại hết. Và tốt hơn nữa, những cải tiến này đều đã có hoặc có trong tương lai rất gần ở Việt Nam.
Giúp nâng độ chính xác trong chẩn trị
Gần đây, nhiều thuật toán dựa trên hình ảnh cũng cho thấy khả năng tương tự của AI trong việc giúp nâng cao độ chính xác trong chẩn trị bệnh của bác sĩ. Về ngắn hạn, các bác sĩ có thể sử dụng những thuật toán này để kiểm tra lại chẩn đoán của họ, đọc dữ liệu người bệnh nhanh hơn mà không lo giảm độ chính xác.
Về dài hạn, các thuật toán được chính phủ cho phép ứng dụng có thể hoạt động độc lập trong các bệnh viện, giúp các bác sĩ có thêm thời gian, sức lực để tập trung vào những trường hợp máy không thể giải quyết. (D.K.THOA)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận