Sáng 28-6, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chủ trì hội thảo trao đổi về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và giải pháp nâng cao chỉ số này trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Thiều cho biết từ năm 2014 đến nay, chỉ số PCI của tỉnh liên tục tụt hạng, đặc biệt năm 2020 ở vị trí "đội sổ" 63/63, năm 2022 đứng 61/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Vì vậy cần làm rõ vì sao PCI "đội sổ", liên tục tụt hạng. Bởi nếu công bố tụt hạng như vậy thì môi trường đầu tư của tỉnh Bạc Liêu khó khăn, nhìn vào chỉ số thấy không hấp dẫn, doanh nghiệp khó đến Bạc Liêu đầu tư.
Ông Thiều cho biết hội thảo này tỉnh mời chuyên gia của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đến trình bày nhiều giải pháp để sở ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu rõ hơn, nhận định chính xác, khách quan hơn trong thời gian tới, đúng với tình hình thực tế của bộ máy chính quyền đối với doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.
"Chính quyền luôn lắng nghe, trao đổi, tuy nhiên doanh nghiệp cũng có trách nhiệm với chính quyền. Cái nào chưa được, cơ quan nào, đơn vị nào làm chưa được thì doanh nghiệp mạnh dạn phản ảnh để chúng tôi điều chỉnh phù hợp, để cái chưa tốt làm cho tốt hơn, chứ doanh nghiệp không nói gì rồi khi được đưa phiếu khảo sát đánh giá vào đó thì không thể hiện tính xây dựng. Khi doanh nghiệp phản ảnh rồi mà chính quyền không quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì đánh giá ra sao, chúng tôi cũng sẵn sàng.
Chúng tôi yêu cầu đánh giá chỉ số PCI đối với chính quyền thì doanh nghiệp nên khách quan, công tâm. Chúng tôi không kêu gọi doanh nghiệp đánh giá tốt, cái nào tốt nói tốt, cái nào không nói không để cái hạn chế, tồn tại đó chúng tôi sửa chữa, khắc phục.
Doanh nghiệp khi nhận phiếu đánh giá chỉ số PCI thì nên tự tay đánh giá. Cầm phiếu đó chủ doanh nghiệp phải đánh giá chứ đừng phó mặc cho thư ký của mình đánh giá thì không chính xác.
Có thể doanh nghiệp không quan tâm, cho rằng đánh giá sao cũng được, không ảnh hưởng gì, quan trọng là hoạt động kinh doanh của mình có tốt hay không thôi, nhưng cái đó lại gây khó khăn cho tỉnh", ông Thiều lưu ý.
Những tỉnh thuộc nhóm đầu chỉ số PCI đã làm gì?
Tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Thạch - phó trưởng Ban pháp chế VCCI - đã chia sẻ một số mô hình và thực tiễn tốt của các tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu về chỉ số PCI những năm qua.
Quảng Ninh với các cơ quan nhà nước và cán bộ trong tỉnh thực hiện phương châm "năm thật" gồm ứng xử chân thành để doanh nghiệp suy nghĩ thật - doanh nghiệp nói thật - chính quyền hành động thật - các nỗ lực của tỉnh có kết quả thật - người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật.
Mô hình "bốn không - một có" của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt và có dữ liệu số.
Ngoài ra, ông Thạch cũng giới thiệu với tỉnh Bạc Liêu một số mô hình thành công khác như Bắc Ninh và mô hình "bác sĩ" doanh nghiệp điều hành bởi chủ tịch UBND tỉnh với sự tham gia trực tiếp của các "bác sĩ" là chuyên gia từ những viện nghiên cứu, các chuyên gia độc lập, các hiệp hội doanh nghiệp.
Mô hình cà phê khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với việc lãnh đạo tỉnh sẽ gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp qua một buổi cà phê sáng để lắng nghe chi tiết vấn đề của doanh nghiệp và tìm giải pháp phù hợp ngay tại buổi cà phê này...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận