Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dùng lời có cánh cùng các cam kết chiến lược mang tính trấn an trong cuộc gặp với người đồng cấp Iran ngày 19-2 - Ảnh: REUTERS
Trong quá khứ, Trung Quốc thường chỉ cố gắng đóng vai trò nhỏ trong các nỗ lực ngoại giao và dàn xếp xung đột ở Trung Đông. Thế nhưng, sự phụ thuộc vào dầu mỏ đã buộc Bắc Kinh phải tìm cách nâng cao vị thế của mình, đặc biệt trong thế giới Ả Rập.
Tuần này là một thời điểm nhạy cảm đối với ngành ngoại giao Trung Quốc khi phải vừa tiếp đoàn ngoại trưởng Iran, vừa phải chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm của thái tử Saudi Arabia, vốn được kỳ vọng sẽ mở ra hàng loạt cơ hội hợp tác mới giữa Bắc Kinh và Riyadh.
Điều may mắn là chúng không diễn ra vào cùng thời điểm khi phái đoàn Iran do ông Mohammad Javad Zarif dẫn đầu đã đến Trung Quốc trước.
Chính quyền Bắc Kinh có lẽ đang mong chờ những khoản đầu tư nhiều hơn con số 100 tỉ USD mà thái tử Mohammed bin Salman (MbS) đã đưa ra khi đến Ấn Độ ngày 20-2.
Nhưng việc cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục trấn an đoàn Iran, cam kết "làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ chiến lược Iran - Trung Quốc" phản ánh được phần nào nỗi lo của Bắc Kinh sau chuyến thăm của thái tử MbS.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21-2, gặp Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani hôm 20-2, ông Tập khẳng định hai nước đã có một tình hữu nghị lâu dài và chia sẻ niềm tin đã qua nhiều lần thử thách.
"Cho dù tình hình quốc tế và khu vực thay đổi như thế nào, quyết tâm của Trung Quốc trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Iran sẽ không thay đổi" - ông Tập nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng hai nước cần tăng cường hơn nữa niềm tin chiến lược và tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau về các lợi ích cốt lõi và những vấn đề lớn cùng quan tâm.
"Chúng tôi ủng hộ Iran đóng vai trò xây dựng hơn nữa trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực cũng như sẵn sàng liên lạc và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực" - chủ tịch Trung Quốc cam kết.
Thái tử Saudi Arabia MbS (trái) hiện đang ở Ấn Độ và sẽ đến Trung Quốc vào cuối tuần này, nơi phụ vương ông đã từng đến thăm năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Trước đó một ngày, hôm 19-2, Ngoại trưởng Trung Quốc đã dùng từ "người nổi tiếng" để khen ngợi người đồng cấp Iran trong hội đàm.
"Tôi đã thấy cách ông bảo vệ quyền lợi của Iran một cách mạnh mẽ và rõ ràng tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức tuần rồi. Hàng trăm triệu người Trung Quốc cũng đã thấy cảnh đó. Ông giờ đã là người nổi tiếng rồi đó" - ông Vương Nghị khéo léo khen ngoại trưởng Iran.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc cùng với Nga và một số nước châu Âu đã phản đối Mỹ một cách mạnh mẽ khi ông Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015. Tehran hiện là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ tư cho Bắc Kinh, theo Hãng tin Reuters.
Trong khi đó, một vài thông tin và hình ảnh vệ tinh được tiết lộ gần đây trên báo Mỹ cho thấy Trung Quốc đang ngầm giúp Saudi Arabia xây dựng năng lực tên lửa đạn đạo. Theo báo USA Today, Bắc Kinh đã bán hàng loạt phiên bản tên lửa Đông Phong cho chính quyền Riyadh.
Dù những thông tin này ngay lập tức vấp phải sự phủ nhận của Bắc Kinh, không thể phủ nhận sự kỳ vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc trước cơ hội làm ăn mới với Saudi Arabia.
Trong bối cảnh đang gặp khó khăn với phương Tây từ sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại, chính quyền Riyadh dưới sự điều hành thực tế của thái tử MbS đã bắt đầu "hướng đông".
Chuyến công du đến Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc của ông MbS trong tuần này đã phản ánh sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Saudi Arabia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận