Trong Câu chuyện hoa hồng, nhân vật Phương Hiệp Văn (do Lâm Canh Tân đóng) đã nói với Hoàng Diệc Mai (Lưu Diệc Phi đóng): "Em cứ phải đi Bắc Kinh là có ý gì? Rốt cuộc Bắc Kinh có ai ở đó?".
Ngoài chữ "Bắc Kinh", có trời mới biết được câu nói ghen tuông của Phương Hiệp Văn có liên quan gì tới ngành du lịch hay văn hóa ở đây!
Thế mà ngành văn hóa và du lịch Bắc Kinh đã kịp "chớp" lấy đúng từ khóa "Bắc Kinh" để "khuấy động" mạng xã hội, tranh thủ quảng bá điểm đến khiến dân tình bàn luận rôm rả.
Câu thoại khiến Bắc Kinh nóng rần
Trang 163 có hẳn một bài viết tên: Câu nói "Rốt cuộc Bắc Kinh có ai ở đó?" của Lâm Canh Tân thành trend, Sở Văn hóa - Du lịch TP Bắc Kinh đã nóng rần rần, Sở Văn hóa - Du lịch TP Thượng Hải cũng xem có trend nào mà đu đi?
Ngành văn hóa - du lịch Bắc Kinh dẫn các trang mạng về văn hóa, du lịch rồi liệt kê các điểm du lịch và vui chơi, các buổi biểu diễn ca nhạc, cả gấu trúc... như muốn trả lời cho câu hỏi của Phương Hiệp Văn.
Rằng "bây giờ đã biết ai ở đây rồi không, lần sau đừng hỏi những câu ngốc nghếch như vậy".
Sở này cũng tung loạt video ngắn giới thiệu tóm tắt các nơi vui chơi, giải trí ở Bắc Kinh để phản bác, tạo thành một trào lưu vui "mắng" ông chồng cũ của Hoàng Diệc Mai.
Đó là video về Bắc Kinh, giới thiệu 214 thắng cảnh hạng A và hàng trăm di sản văn hóa vật thể như Vạn Lý Trường Thành, bảo tàng Cố cung, Di Hòa viện...
Ngoài ra, cơ quan này cũng nhân tiện giới thiệu luôn những buổi biểu diễn ca nhạc được diễn ra trong tháng 6, tháng 7 ở Bắc Kinh.
Màn tương tác giữa cơ quan này và dân chúng cũng nhận được nhiều tình cảm. Hưởng ứng, người dân Bắc Kinh cũng "rủ nhau" giới thiệu những địa điểm, ngóc ngách ăn - chơi tại thành phố này tạo nên một không khí rất sôi nổi, rần rần trên mạng.
Không giống Đi đến nơi có gió, Sắc xuân gửi người tình - hai phim Hoa ngữ "khuấy động" điểm đến (lần lượt là Vân Nam, Tuyền Châu) nhờ những cảnh sắc tuyệt đẹp trong phim, Câu chuyện hoa hồng rõ ràng là một phim đô thị, không trọng giới thiệu cảnh sắc.
Nhưng ngành văn hóa, du lịch của Bắc Kinh đã biết đón đầu trend một sản phẩm giải trí đang hot để "khuếch tán" hình ảnh địa phương.
Phản xạ nhạy bén của họ cho thấy cách làm truyền thông điểm đến một cách thú vị, sáng tạo, trẻ trung, gần gũi mà cũng hết sức cởi mở, có cập nhật, hợp xu thế.
Bắt trend để làm du lịch
Lâu nay, khi bàn về mối liên hệ giữa du lịch và phim ảnh, người ta hay nhắc đến những bộ phim được đầu tư về bối cảnh, chú trọng cảnh sắc thiên nhiên - con người, văn hóa địa phương.
Điều này hợp nhẽ. Phim Đi đến nơi có gió, Sắc xuân gửi người tình ở Trung Quốc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ở Việt Nam... mang du khách tới địa phương là các ví dụ.
Tuy nhiên, những phim không mang "phong vị" phong cảnh vẫn có thể quảng bá du lịch và văn hóa "ngon lành" nếu biết cách làm.
Câu chuyện Bắc Kinh nhạy bén với trend phim Câu chuyện hoa hồng ở trên là một ví dụ.
Đồng thời cho thấy phim ảnh nói riêng và văn hóa giải trí nói chung chưa khi nào tách rời với du lịch.
Quan trọng, ngành du lịch có "chịu khó" cập nhật trend, đổi mới cách làm, thậm chí đón đầu những dự án nghệ thuật (không riêng điện ảnh mà các lĩnh vực giải trí khác) và "cài cắm" những câu thoại, hình ảnh, nhân vật có thể tạo viral và hiệu ứng để "mời" du khách đến hay không.
Ở ta tới nay, sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vẫn chưa thêm một "cú lội ngược dòng" nào khác có thể khiến người ta xách ba lô lên và đi.
Và ngay cả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thời điểm hot, các đơn vị lữ hành và tỉnh Phú Yên cũng có những động thái khá tích cực, tận dụng "cơn sốt" phim để làm du lịch như mở các tour tham quan, khám phá những địa điểm mà đoàn phim đi qua, tổ chức một số buổi giao lưu với đoàn làm phim, trao tặng bằng khen cho đạo diễn...
Tuy nhiên, những hoạt động đó vẫn mang tính chất "ăn xổi", "ăn theo" bộ phim đang "sốt". Cách quảng bá, truyền thông điểm đến dường như vẫn nặng tính truyền thống, trong khi để đánh thức du lịch địa phương, đương nhiên cần một chiến lược dài hơi hơn, không chỉ của Phú Yên nói riêng mà cả ngành du lịch.
Tận dụng sức nóng của Đi đến nơi có gió, ngày 16-2-2023 Ủy ban Nghệ thuật truyền hình Trung Quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo riêng về phim này.
Tỉnh Vân Nam cũng lấy Đi đến nơi có gió làm điểm khởi đầu cho việc thảo luận chuyên sâu về cách Vân Nam có thể hồi sinh nền kinh tế văn hóa và du lịch bằng các tác phẩm văn học và phim ảnh.
Trong các sự kiện này, các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy việc phổ biến hình ảnh của Vân Nam một cách toàn diện bằng nhiều hình thức đa phương tiện khác nhau.
Qua đó đào sâu những nét đặc sắc của Vân Nam, thay đổi những ấn tượng rập khuôn cũng như thói quen tiêu thụ tài nguyên văn hóa truyền thống của người dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận