01/06/2018 18:22 GMT+7

Bắc Kinh bất ngờ ‘xuống nước’ đề nghị giao lưu quân sự với Mỹ

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Trung Quốc chỉ trích kịch liệt Mỹ vụ hủy mời tới RIMPAC 2018, nhưng giờ thì nước này lại cho thấy thái độ "xuống nước", muốn duy trì các hoạt động giao lưu với Lầu Năm Góc.

Bắc Kinh bất ngờ ‘xuống nước’ đề nghị giao lưu quân sự với Mỹ - Ảnh 1.

Tàu hải quân tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2016 do Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức - Ảnh: REUTERS

Ngày 31-5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bất ngờ ra tuyên bố nói rằng quân đội Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp tục có các hoạt động giao lưu với quân đội Mỹ, mặc dù không được mời tới cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Nhậm Quốc Cường nói rằng hai bên hiện vẫn còn liên lạc để trao đổi về khả năng diễn ra chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ngày diễn ra chuyến thăm này cho đến nay vẫn chưa được công bố.

Thái độ của Trung Quốc rõ ràng có phần khác so với những gì diễn ra cách đây vài ngày.

Đó là khi Lầu Năm Góc hôm 23-5 thông báo không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC, Bộ Quốc phòng Trung Quốc liền nổi giận chỉ trích động thái của Mỹ "không mang tính xây dựng" và tuyên bố "Mỹ không có quyền để đưa ra các bình luận thiếu trách nhiệm" về các động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh dù được mời tới dự tập trận RIMPAC hay không, Bắc Kinh vẫn không thay đổi lập trường về Biển Đông. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Trung Quốc) thậm chí "mạnh miệng" tuyên bố: "Nếu quân đội Mỹ tăng cường các hoạt động của họ ở Biển Đông, thì phía chúng ta (Trung Quốc) sẽ cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai quân sự tới đó".

Mỹ từng mời Trung Quốc tham gia hai lần RIMPAC gần nhất vào năm 2014 và 2016. RIMPAC được xem là cuộc tập trận hải quân quốc tế có quy mô lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần ở Hawaii vào giữa tháng 6 và 7.

Hôm 30-5, Hải quân Mỹ đã công bố danh sách 26 quốc gia tham RIMPAC 2018, dự kiến diễn ra từ ngày 27-6 tới 2-8. Việt Nam, Sri Lanka, Israel và Brazil là 4 nước lần đầu tiên được mời tới tham dự cuộc tập trận này.

Nhưng trong tuyên bố ngày 31-5, ông Nhậm nói bằng một tông giọng đầy "thiện chí": "Một mối quan hệ vững chắc và tốt đẹp sẽ nằm trong lợi ích chung của quân đội hai nước. Chúng tôi hy vọng Mỹ, cùng với Trung Quốc, có thể thực hiện các nỗ lực để đạt được sự nhất trí quan trọng, nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và ổn định".

Nếu Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho thấy "thiện chí" bao nhiêu, thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày ra tuyên bố chỉ trích Mỹ kịch liệt bấy nhiêu. Các động thái như thể vừa đấm vừa xoa, vừa muốn dằn mặt nhưng cũng vừa không muốn mất hòa khí.

"Việc thổi phòng quân sự hóa ở Biển Đông bởi một số người ở Mỹ thật nực cười, nghe như thể vừa ăn cướp, vừa la làng" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản ứng với các tuyên bố của Bộ trưởng James Mattis nói rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông.

Một trong những cụm từ được giới chức Mỹ nhắc tới biển Đông nhiều nhất những ngày qua đó là "Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông". Lầu Năm Góc nêu rõ đây chính là lý do Mỹ quyết định không mời Trung Quốc tới RIMPAC 2018.

Trong quyết định hủy mời Trung Quốc tới RIMPAC, Lầu Năm Góc đã trích dẫn các bằng chứng cho thấy Trung Quốc triển khai trái phép tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và hệ thống gây nhiễu điện tử tới các thực thế ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Yêu cầu Trung Quốc không tái diễn tập trận ở Hoàng Sa Đến lượt Philippines phản ứng Trung Quốc vụ máy bay ném bom ở Hoàng Sa Mỹ lên án Trung Quốc thử máy bay ném bom ở Hoàng Sa
BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên