22/05/2006 15:37 GMT+7

Bắc Giang: cây dã hương cổ thụ thứ hai thế giới đang bị sâu bệnh phá hoại

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Cây dã hương cổ thụ lớn nhất nước ta và thứ hai thế giới (theo Bộ Bách khoa từ điển Laurouse của Pháp) ở thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã bị sâu cước ăn trụi gần hết lá từ đầu tháng 4-2006 đến nay.

twB6OHFC.jpgPhóng to
Cây dã hương lớn nhất VN - Ảnh: VNN
Cây dã hương cổ thụ lớn nhất nước ta và thứ hai thế giới (theo Bộ Bách khoa từ điển Laurouse của Pháp) ở thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã bị sâu cước ăn trụi gần hết lá từ đầu tháng 4-2006 đến nay.

Cây dã hương này có đường kính 2,59 m, cao gần 30 m và có tuổi khoảng 700 năm, nằm trong quần thể cụm di tích văn hoá đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1989, cùng với đình Viễn Sơn, chùa Phúc Âm Tự ở xã này.

Cây dã hương thuộc chi Cinamomumcamphora, loài long não, là loài cây quý hiếm, có chứa tinh dầu ở tất cả các bộ phận của cây, rễ cây chứa chất safrol, là thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm. Từ gỗ cây dã hương có thể làm được hương trầm, loại hương rất thơm, quý.

Một người dân thôn Giữa cho biết, những năm trước đây, cây dã hương đã có hiện tượng bị sâu cước ăn lá nhưng không nhiều. Từ khoảng cuối tháng 3 Âm lịch năm nay đã có những đợt sâu cước nở rộ, lớn nhanh, có con to gần bằng ngón tay, đã nhanh chóng ăn gần hết lá của cây. Khi chúng tôi đến tận nơi, thấy quá nửa tán cây dã hương này đã bị trụi lá, trơ trọi nhiều cành.

Dưới gốc cây to 6-7 người ôm, có nhiều xác của sâu cước bị chết do chính quyền xã với sự giúp đỡ của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phun thuốc Sherpa 25ec nhiều lần từ ngày 11-4 tới nay và đã có khoảng trên 80% số sâu cước ở trên cây bị tiêu diệt.

Theo chính quyền và nhân dân địa phương, vào năm 1982 do trẻ em đi học ở đình Viễn Sơn gần đó nghịch đốt lửa dưới gốc cây đã khiến cây bị cháy trong ruột, khói, lửa bốc lên tận ngọn, khi đó tỉnh phải cho xe cứu hỏa đến phun nước từ dưới lên, đổ bùn từ trên ngọn bịt xuống thì mới dập tắt được đám cháy.

Tuy thế, sau vụ đó, cây lại xuất hiện nhiều mối, mà có người cho rằng từ chỗ bùn đất mang đến để dập đám cháy mà ra. Những con mối này sống ký sinh trong thân cây, nếu nảy nở sinh sôi nhiều sẽ là mối nguy cho cây bởi khả năng đục khoét, phá hoại của chúng. Chúng tôi đã quan sát cây và nhận thấy trong một số hốc cây có những tổ mối lớn, mùn gỗ bị đục khoét rơi vung vãi, còn trên một số cành cây vẫn treo lủng lẳng một số tổ kén của sâu cước.

Nếu không diệt trừ tận gốc thì nguy cơ sâu bệnh phá hoại cây dã hương cổ thụ này. Bởi theo một số người dân ở đây, sâu cước sau khi ăn lá cây thường làm kén, đến thời điểm khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 năm sau sẽ nở và lại gây hại cho cây. Biện pháp phun thuốc cũng "lợi bất cập hại" vì trước khi phun thuốc thì còn có nhiều chim đến làm tổ ở trên cây, tìm bắt sâu cước (non) nhưng khi phun thuốc rồi thì hầu như chim bay đi hết.

Chủ tịch xã Tiên Lục, ông Nguyễn Đình Lành, cho biết: xã sẽ tiếp tục tiến hành phun thuốc để diệt sâu cước, hiện nay cây đã có một số cành nảy mầm lá. Tuy nhiên, việc diệt trừ tận gốc sâu cước và mối thì địa phương cũng chưa có biện pháp hữu hiệu. Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang đã đề xuất thêm biện pháp tạo dựng các tổ kiến ở trên cây dã hương để tiêu diệt loài sâu cước này.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên