22/08/2013 14:26 GMT+7

Bác đơn và không trả lại hòn đá bị "bắt giam"

C.MAI ghi
C.MAI ghi

TTO - Sáng 22-8, TAND huyện Chư Sê (Gia Lai), đã tuyên bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị Sắc, đồng thời không chấp nhận việc hoàn trả lại hòn đá mà UBND huyện Chư Sê đã tịch thu và trưng dụng.

XkUDX4ys.jpgPhóng to
Hòn đá do bà Sắc phát hiện trong vườn nhà bị UBND huyện Chư Sê tịch thu và hàn lồng sắt “tạm giam” trong khuôn viên UBND huyện Chư Sê
NIP0BIOG.jpgPhóng to
Bà Trần Thị Sắc tại phiên tòa xét xử - Ảnh: B.D
mUB652Po.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đình Viên – trưởng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Chư Sê – được chủ tịch UBND huyện Chư Sê ủy quyền tham dự phiên tòa - Ảnh: B.D

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “Bắt giam hòn đá”, theo hội đồng xét xử: văn bản xử phạt số 17/QĐ-UBND của UBND huyện Chư Sê xử phạt bà Trần Thị Sắc - nông dân trồng hồ tiêu tại xã H’bông huyện Chư Sê, về hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép là đúng chức năng, thẩm quyền.

UBND huyện Chư Sê có đủ chức năng xử phạt về hành vi này mà không cần phải thẩm định giá trị của tang vật theo như quan điểm trình bày của đại diện người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Sắc.

Tòa cho rằng thời điểm đoàn công tác của huyện chư Sê phát hiện đá thì đá này đang được vận chuyển trên xe, hành vi vận chuyển của bà Sắc không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Việc bà Sắc cho rằng cục đá mà bà phát hiện được nằm trong ao nhà mình, ao này nằm trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bà được sở hữu là phù hợp theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này tòa cho rằng loại đá mà bà Sắc đào lên thuộc nhóm khoáng sản, pháp luật chỉ giao người sở hữu đất được sử hữu tài sản trên đất, còn tài sản trong lòng đất là tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, khi phát hiện đá bà Sắc không báo với chính quyền mà tự ý di chuyển là vi phạm các quy định về luật khoáng sản.

Hơn nữa, đất mà bà Sắc được cấp quyền sử dụng chỉ được trồng cây hàng năm, không được sử dụng vào mục đích đào ao, việc đào ao bà Sắc cũng không xin phép chính quyền địa phương.

Hội đồng xét xử cho rằng sau khi có kết quả giám định thì loại đá được xác định là đá bán quý, không phải loại đá xây dựng thông thường nên việc UBND huyện Chư Sê ra quyết định thu hồi và xử phạt là đúng theo thẩm quyền.

Vì những luận cứ nêu trên, HĐXX tuyên bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị Sắc yêu cầu chủ tịch UBND huyện Chư Sê hủy quyết định xử phạt hành chính đối với bà, không chấp nhận việc hoàn trả lại hòn đá mà UBND huyện đã tịch thu và trưng dụng.

Bà Sắc có nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt hành chính đã ban hành, chịu án phí tại phiên tòa.

Kết thúc phiên tòa sáng nay, bà Trần Thị Sắc cho biết hết sức bất bình với tuyên cáo của HĐXX và cho biết bà sẽ làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Luật sư Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Bản án không thuyết phục

Quyết định xử phạt của UBND huyện Chư Sê đối với bà Sắc về hành vi vận chuyển trái phép khoáng sản là không thuyết phục. Thực tế bà Sắc không phải là người hành nghề khai thác khoáng sản. Việc bà Sắc hay bất cứ người nông dân nào khác tự đào đất nông nghiệp để làm hồ ao, lấy nước tưới tiêu không xin phép diễn ra rất phổ biến ở nhiều nơi. Nếu cho rằng việc tự ý đào ao này là vi phạm thì đó phải là vi phạm quy định về sử dụng đất đai chứ không phải là vi phạm liên quan khai thác, vận chuyển khoáng sản.

Định nghĩa về khoáng sản hiện nay rất mênh mông. Đất, đá, cát... cũng đều có thể được xem là khoáng sản. Nhiều gia đình vẫn đào ao, lấy đất, lấy cát đem bán nhưng có ai bị xử phạt. Hơn nữa, tại thời điểm bà Sắc vận chuyển, hòn đá đó cũng giống như những hòn đá khác, chưa có cơ quan chức năng nào giám định hòn đá đó là đá bán quý cả, bản thân bà Sắc cũng không thể biết đó là khoáng sản quý. Vì thế, bản án tuyên bà Sắc thua kiện là chưa xem xét đầy đủ quyền lợi của người dân.

C.MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên