Những lớp băng còn thưa thớt tại Longyearbyen, Na Uy hè năm 2020 - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo National Geographic, hằng năm vào mùa đông, vùng biển Bắc Băng Dương quanh Bắc Cực thường đóng băng. Đến khoảng tháng 3, băng bao phủ gần như toàn bộ đại dương này với diện tích trên 15,5 triệu km2.
Mùa hè đến, băng ở đây bắt đầu tan chảy. Tuy nhiên đến cao điểm vào tháng 9, nhiều lớp băng vẫn còn trên đất liền hay những tảng băng trôi vẫn xuất hiện trên Bắc Băng Dương.
Theo một nghiên cứu vệ tinh thu thập dữ liệu trong 40 năm qua, diện tích băng ở Bắc Cực vào mùa hè giảm đều theo thời gian. Mùa hè năm 1980, lượng băng ở đây khoảng 10 triệu km2. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, 70.000 km2 băng ở Bắc Cực mất đi vào mùa hè.
Nghiên cứu được một nhóm các nhà khoa học quốc tế thực hiện, dẫn đầu bởi Tổ chức Khảo sát Nam Cực của Vương quốc Anh.
Sông băng Tracy bị "bóp méo" hai đầu vì nhiệt độ cao ở Bắc Cực mùa hè 2020 - Ảnh: MAXAR
Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), tổng lượng khí thải carbon tại Bắc Cực theo ước tính kể từ tháng 1-2020 đến nay là cao nhất trong 18 năm qua.
Bà Clare Nullis - chuyên gia từ WMO - cho biết Bắc Cực đang nóng lên nhanh chóng với tốc độ gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Ước tính mùa hè ở Bắc Cực hiện đã nóng hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp từ 4-5 độ C.
Nhiệt độ cao kéo dài trong mùa hè khiến các đám cháy ở Bắc Cực gia tăng nhanh chóng, kết hợp với băng tan gây biến dạng nghiêm trọng hệ sinh thái trong khu vực.
Nhóm nghiên cứu ước tính với tốc độ biến đổi khí hậu và băng tan như hiện tại, đến năm 2035 vùng biển Bắc Băng Dương nhiều khả năng sẽ không còn băng vào mùa hè. Kết quả được nhóm đăng trên tạp chí uy tín Nature Climate Change.
Tiến sĩ Maria Vittoria Guarino cho rằng Trái đất sẽ cảm nhận được các tác động khủng khiếp khi băng ở Bắc Cực không còn vào mùa hè. "Điều này đồng nghĩa một chiếc máy điều hòa không khí tự nhiên của hành tinh này sẽ mất đi, trong khi nước biển ở các đại dương sẽ tăng cao hơn nữa", bà Guarino nói.
Trước đây, một nhóm các nhà khoa học thuộc Cục Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cho biết vùng phía bắc biển Bering (quanh Bắc Cực) chỉ còn 3 hay 4 tháng có băng trong năm, trong khi bình thường nơi đây có đến 8 tháng có băng.
Theo Julienne Stroeve - nhà khí tượng học tại Trung tâm Dữ liệu băng tuyết Mỹ - năm 2020 có nóng nhất lịch sử hay không hiện không còn quá quan trọng. Bởi vì hai cực của Trái Đất dường như không bao giờ còn cơ hội trở về trạng thái lý tưởng như những năm 1980 và 1990 nữa.
Mùa hè năm 2020 cũng xảy ra những đợt nắng nóng chưa từng có ở Bắc Cực. Nhiệt độ khu vực Siberia nhiều lần trên mức 40 độ C trong tháng 7 vừa qua. Trong ảnh: cháy rừng khủng khiếp ở ngôi làng Basly ở Omsk thuộc Siberia - Ảnh: REUTERS
Một vụ cháy rừng nghiêm trọng khác ở Krasnoyarsk thuộc Siberia, hè năm 2020 - Ảnh: REUTERS
Các chuyên gia phát hiện xương voi mamút dọc theo bờ hồ Pechevalavato (Nga) cuối tháng 7 nhờ băng tan mạnh - Ảnh: REUTERS
Các tảng băng trôi còn "đầy đặn" ở Bắc Băng Dương vào mùa hè những năm 2010 - Ảnh: OCEAN CONSERVANCY
Theo NASA, nhiệt độ trung bình mùa hè Bắc Cực năm 2020 nóng hơn nhiều so với trung bình giai đoạn 2003-2018 - Ảnh: NASA EARTH OBSERVATORY
Nắng nóng kỷ lục tại khu vực phía bắc của Canada đã khiến thềm băng nguyên vẹn còn lại 4.000 năm tuổi của Canada (Milne Ice Shelf) bị phá vỡ thành các đảo băng trôi. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy thềm băng đã mất khoảng 43% diện tích chỉ trong 2 ngày cuối tháng 7-2020 - Ảnh: GETTY IMAGES
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận