Ảnh: H.T.K.
Có hai hiện hữu đậm nét trong truyện ngắn của Hiền Trang: lữ khách và mơ. Tất cả nhân vật trong tập truyện này đều đang trong một tâm thế lên đường. Đó là những chuyến đi có chủ đích, tình cờ, hay vô định. Trong cuộc hành trình đó, ta bắt gặp những tên tuổi như Tố Như, Hàm Nghi, Ernest Hemingway, William Shakespeare, Elvis Presley...
Hiền Trang không làm chuyện giải thiêng, người đọc sẽ không bắt gặp một đoạn mô tả sống sượng nào để trả các tên tuổi lớn về những con người trần tục. Tác giả khắc họa bức chân dung tinh thần của con người va đập với các nguyên tố của thời đại, hoang mang trong cuộc tìm kiếm để khẳng định mình hay hoàn tất một hành trình sống.
Ở đó, không-thời-gian là thứ gì đó mang tính tạm. Người đọc được dắt vào một thế giới của các cuộc đối thoại xuyên thế kỷ, giữa nhà văn với các nhân vật quá khứ, giữa các nhân vật và tác phẩm của chính họ. Tính liên văn bản làm cho bên ngoài các truyện ngắn vẫn còn những câu chuyện khác đợi người đọc khám phá. Nhưng kiến văn này không làm ta thấy ngợp hay xơ cứng mà được chuyển hóa nhuần nhuyễn, ý nhị.
Ngay từ cái tên Dưới mái hiên đêm, những khách lạ, ta đã nhận ra chủ đề phổ quát của tập sách. "Dưới mái hiên đêm", dưới sự che chở của mộng, những nhân vật quá khứ sống dậy miên man trong cuộc lữ hành đơn độc. Và đến lượt mình, người đọc cũng trở thành một lữ khách dấn thân vào thế giới của những văn bản, khám phá lại những nhân vật dù đã quen tên nhưng luôn là "khách lạ" tươi mới và bí ẩn trong thế giới của nhà văn.
Trong tình yêu mến các nhân vật, Hiền Trang đã bắc một cây cầu nối mộng và thực, nối quá khứ và hiện tại, đưa độc giả bước vào cõi người ta, hay "một cõi nào rất đẹp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận