22/10/2024 10:16 GMT+7

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho Việt Nam: Thụy Điển tham vọng nói không với nhiên liệu hóa thạch

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Nhiều người tin rằng khi một nền kinh tế phát triển, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên. Song nhiều quốc gia, trong đó có Thụy Điển, đã cho thấy một câu chuyện khác: GDP tăng nhưng lượng điện sử dụng vẫn ổn định suốt nhiều năm.

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho Việt Nam: Thụy Điển tham vọng nói không với nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 1.

Vị trí các nhà máy sưởi tập trung ở Stockholm (Thụy Điển). Trong ảnh: sơ đồ các siêu thị nhận nguồn năng lượng sưởi ấm từ các nhà máy - Ảnh: Elsevier

Thụy Điển đang trên hành trình trở thành nền kinh tế ít phát thải carbon nhất thế giới, chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2045. Động lực cho nỗ lực đó bắt nguồn từ những hệ quả đau đớn về kinh tế cách đây nửa thế kỷ.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ và quyết định bước ngoặt

Sự phụ thuộc lớn vào dầu mỏ đã khiến Thụy Điển phải trả giá đắt khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới nổ ra vào thập niên 1970.

Sự thiếu hụt nguồn cung, giá dầu bị đẩy lên cao khiến nhà chức trách Thụy Điển phải áp dụng hệ thống phân bổ dầu tương tự hệ thống tem phiếu trong giai đoạn này.

Những thành tựu kinh tế trong giai đoạn "vàng" trước đó có nguy cơ bị xóa sạch, buộc nhà chức trách Thụy Điển phải nghĩ lại chiến lược năng lượng của mình.

Stockholm quyết định đánh cược bằng điện hạt nhân trong giai đoạn đầu để giảm bớt sự phụ thuộc vào điện hóa thạch.

Họ cũng quyết định đầu tư vào hệ thống sưởi ấm khu vực, nghĩa là thay vì lắp đặt lò sưởi trong mỗi ngôi nhà, nhà nước sẽ xây dựng nhà máy sưởi lớn, tập trung và được kết nối với nhiều ngôi nhà cũng như các khu công nghiệp thông qua các đường ống cách nhiệt và cơ sở hạ tầng ngầm.

Chi phí cũng khá đắt đỏ, song chính phủ đã quyết định áp dụng cách tiếp cận này ngay từ đầu và kiên trì với nó. Ngày nay 97% nhiệt lượng sưởi ấm ở Thụy Điển đến từ nhiên liệu sinh học và đốt chất thải.

Một quyết định quan trọng khác cũng đã được đưa ra và ngày nay đã cho thấy rõ tác động của nó. Đó là việc Thụy Điển tách mục tiêu tăng trưởng kinh tế khỏi lượng điện tiêu thụ, nghĩa là việc tiêu thụ điện nhiều hơn không có nghĩa nền kinh tế sẽ tăng trưởng lớn hơn.

Từ năm 1995 đến 2019, GDP bình quân đầu người của Thụy Điển tăng gần 50% trong khi điện tiêu thụ trên mỗi đầu người qua từng năm lại giảm. Sự hiệu quả của hệ thống truyền tải điện là một trong những lý giải cho điều này.

Đồng thời nó cũng cho thấy một quốc gia công nghiệp hóa mạnh với sản xuất thép, xi măng và ô tô như Thụy Điển vẫn có thể giảm phát thải và điện tiêu thụ thành công trong khi tăng GDP.

Phi carbon hóa nền kinh tế

Thụy Điển dường như đã tìm ra công thức để phát triển nền kinh tế trong khi vẫn bảo vệ được khí hậu. "Thụy Điển cam kết trở thành một trong những quốc gia không sử dụng nhiên liệu hóa thạch đầu tiên trên thế giới và năng lượng tái tạo là trọng tâm của quá trình chuyển đổi này" - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi nói với Tuổi Trẻ.

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho Việt Nam: Thụy Điển tham vọng nói không với nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 2.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi - Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển

Từ việc lệ thuộc vào điện hóa thạch, đến năm 2023 theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, khoảng 67,8% điện tạo ra ở Thụy Điển đến từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió, nước, hạt nhân và các nguồn sinh học.

Phải nói rằng nỗ lực phi carbon hóa nền kinh tế của Thụy Điển có lợi thế ngay từ đầu là hơn 70% diện tích của quốc gia này là rừng.

Song con người cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Từ những năm 1990, Thụy Điển bắt đầu áp dụng một trong những loại thuế carbon đầu tiên trên thế giới và hiện là một trong những loại thuế carbon cao nhất thế giới.

Loại thuế này đã đẩy nhanh những thay đổi trong lĩnh vực năng lượng và sưởi ấm bằng cách tạo động lực cho mọi người và doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch.

"Chúng tôi đã mở rộng các trang trại gió ngoài khơi và trên bờ, liên tục đổi mới các giải pháp năng lượng mặt trời. Quá trình chuyển đổi này được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ thúc đẩy đầu tư và nghiên cứu năng lượng tái tạo", ông Johan Ndisi nói thêm.

Kết quả là Thụy Điển thải ra lượng CO2 bình quân đầu người ít hơn năm lần so với mức trung bình của châu Âu vào năm 1990. Kể từ đó, Thụy Điển đã giảm lượng khí nhà kính ròng thêm 80%, trong khi mức giảm trung bình của EU chỉ là 30%.

Không chỉ thay đổi cơ cấu ngành năng lượng để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Thụy Điển cũng đẩy mạnh quản lý và tái chế chất thải, tập trung vào việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế để giảm tác động môi trường.

"Phong trào của chúng tôi không chỉ khuyến khích tái chế mà còn khuyến khích sự thay đổi văn hóa theo hướng coi trọng tài nguyên và giảm thiểu chất thải ở mọi cấp độ của xã hội. Tỉ lệ tái chế của chúng tôi đã đạt 99%, một cột mốc đạt được thông qua các hệ thống hiệu quả và sự tham gia của công chúng", Đại sứ Johan Ndisi nói thêm.

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho Việt Nam: Thụy Điển tham vọng nói không với nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 3.

Trẻ em được học cách phân loại rác để tái chế tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển - Ảnh: City of Stockholm

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam

"Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ của mình, chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam tạo ra các hệ thống bền vững không chỉ có lợi cho môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh đồng thời tin rằng Diễn đàn và Triển lãm Xanh 2024 (GEFE) sẽ là dịp để chia sẻ những phương pháp hay nhất, học hỏi lẫn nhau và truyền cảm hứng cho hành động tập thể.

Ông tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được tỉ lệ tái chế cao như Thụy Điển thông qua áp dụng các sáng kiến tái chế mạnh mẽ, các chiến dịch giáo dục để nâng cao nhận thức và các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu chất thải. Năng lượng

tái tạo cũng là một trong những lĩnh vực triển vọng nhất, xét đến tham vọng của Việt Nam về một tương lai năng lượng xanh hơn.

Hoan nghênh mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, Đại sứ Johan Ndisi tin rằng một trong những cách để đạt được là chuyển từ sử dụng các nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch và ít phát thải carbon.

"Mặc dù Việt Nam đang có sự chuyển dịch nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng, thách thức là không thể tránh khỏi trong đó việc hao hụt điện truyền tải, dao động điện áp và khả năng hạn chế trong việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo", ông Johan Ndisi nói thêm. Tuy nhiên Thụy Điển có những giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Cam kết của Thụy Điển trong việc giảm phát thải không chỉ giới hạn ở sản xuất năng lượng mà còn mở rộng sang lĩnh vực giao thông. Giao thông vận tải và nông nghiệp hiện là nguồn phát thải lớn nhất của Thụy Điển.

Các chính sách khuyến khích mua xe điện, sử dụng phương tiện giao thông công cộng đã được đưa ra và áp dụng hiệu quả nhiều năm qua tại Thụy Điển.

Chẳng hạn từ năm 2007, thủ đô nước này đã áp thuế chống tắc nghẽn để cải thiện tình hình giao thông, giảm tác động đến môi trường và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

"Phát triển bền vững là một lĩnh vực quan trọng khác, nơi chúng ta có thể chia sẻ hiểu biết về quy hoạch đô thị bền vững, giao thông công cộng, hệ thống quản lý chất thải và cơ sở hạ tầng bền vững", ông Johan Ndisi bày tỏ.

Kỳ cuối: Thụy Điển tham vọng nói không với nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 3.Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho người Việt Nam - Kỳ 2: Na Uy biến đồ cũ, rác thải thành tài nguyên

Với tỉ lệ tái chế rác thải nhựa lên đến 97%, Na Uy chứng minh việc nâng cao trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường là hoàn toàn khả thi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên